Chưa hết, việc chỉnh sửa gen còn có thể gây ra những đột biến không thể lường trước, giới khoa học cho biết vào ngày 3/12, sau khi nghiên cứu gốc của ông Hạ Kiến Khuê lần đầu tiên được công bố, theo AFP.
Chuyên san khoa học MIT Technology Review công bố bản thảo nghiên cứu gốc nhằm cho thấy ông Hạ Kiến Khuê đã bỏ qua các quy tắc đạo đức và khoa học khi chỉnh sửa phôi thai, dẫn đến sự ra đời của hai bé song sinh Lula và Nana cuối năm 2018, gây chấn động cho giới khoa học toàn thế giới.
Ông Hạ cho biết đây là một đột phá có thể “kiểm soát đại dịch HIV”, căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng tại Trung Quốc. Cụ thể, ông tìm cách vô hiệu hóa CCR5 ở hai em bé - gen liên quan đến hiện tượng tạo “cửa protein” cho virus HIV xâm nhập vào tế bào.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu mục đích ban đầu của ông Hạ - làm cho đứa trẻ miễn dịch đối với virus HIV - đã đạt được hay chưa, vì trên thực tế, nhóm nghiên cứu của ông chưa tái tạo được đột biến gen có thể giúp con người kháng HIV.
Đột biến gen đó nằm ở gen có tên gọi CCR5, và tỷ lệ rất nhỏ con người sinh ra đã có gen kháng HIV. Đây chính là gen mà ông Hạ tuyên bố đã chỉnh sửa dùng một công cụ chỉnh sửa gen mang tên CRISPR. Công cụ này cho phép các nhà nghiên cứu thao tác điều chỉnh chuỗi ADN, đã tạo cuộc cách mạng trong lĩnh vực này kể từ năm 2012.
Ông Hạ Kiến Khuê phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/10 tại phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến. Ảnh: AP. |
Nhưng Fyodor Urnov, nhà khoa học về chỉnh sửa gen tại Đại học California, Berkeley, nói với MIT Technology Review: “Việc họ tuyên bố đã tái tạo được một biến thể của CCR5 là sai lệch so với dữ liệu thực tế, thậm chí còn có thể coi là ‘lừa dối một cách cố ý’”.
“Nhóm nghiên cứu đã thất bại trong việc tạo ra biến thể CCR5”, ông nói thêm.
Trên thực tế, nhóm của ông Hạ đã nhắm đến đúng gen đó, nhưng đã không tạo ra được biến thể “Delta 32” mà họ muốn, mà lại sửa thành một biến thể khác chưa rõ tác động.
Ngoài ra, biện pháp chỉnh sửa gen CRISPR chưa hoàn thiện, và có thể dẫn đến những chỉnh sửa ngoài ý muốn hoặc không đúng gen cần chỉnh. Việc dùng biện pháp này trên người gây tranh cãi lớn.
Đối với chỉ trích này, nhóm nghiên cứu của ông Hạ nói họ đã kiểm tra xem phôi bị tác động ngoài ý muốn như thế nào, và chỉ tìm thấy một thay đổi như vậy. Nhưng lập luận đó bỏ qua một sự thật là rất khó để kiểm tra đầy đủ mà không kiểm tra toàn bộ mọi tế bào trong phôi, và như vậy sẽ phá hủy phôi.
Thêm nữa, giới khoa học có một số lo ngại rằng cha mẹ của hai bé song sinh có thể đã hiểu sai khi tham gia nghiên cứu.
Người cha bị nhiễm virus HIV, và chịu sự kỳ thị lớn ở Trung Quốc, khiến người này khó có thể tiếp cận các phương pháp điều trị sinh sản, mặc dù đã có kỹ thuật “rửa tinh trùng” để ngăn virus truyền từ cha sang con.
Việc không tiếp cận được điều trị có thể đã khiến họ muốn tham gia nghiên cứu, bất chấp nguy cơ lớn cho con cái mình, Jeanne O’Brien, nhà nội tiết học sinh sản ở trung tâm Shady Grove Fertility nói với MIT Technology Review.
Nhóm của ông Hạ Kiến Khuê cũng tìm cách để người khác khó tìm ra những cặp vợ chồng tham gia nghiên cứu, chẳng hạn không ghi rõ tên các bác sĩ chuyên khoa sản trong nghiên cứu, và ghi sai ngày sinh. Ông nói ngày sinh các bé là tháng 11/2018, trong khi nhiều thông tin khác cho thấy ngày sinh thật là tháng 10/2018.
Ông Hạ đã gửi bản thảo nghiên cứu cho nhiều tạp chí uy tín, bao gồm Nature và JAMA, nhưng vẫn chưa nơi nào đăng nghiên cứu.