Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhà khoa học gàn dở' và thương vụ 'tỷ đô' với Microsoft

Là người mở đường cho nền CNTT Việt Nam, TS Nguyễn Ái Việt từng từ bỏ mức lương triệu USD tại Mỹ để quay về làm việc tại quê hương. Ông cũng chính là nhân tố quyết định trong vụ đàm phán đình đám “tỷ đô” với Microsoft.

'Nhà khoa học gàn dở' và thương vụ 'tỷ đô' với Microsoft

Là người mở đường cho nền CNTT Việt Nam, TS Nguyễn Ái Việt từng từ bỏ mức lương triệu USD tại Mỹ để quay về làm việc tại quê hương. Ông cũng chính là nhân tố quyết định trong vụ đàm phán đình đám “tỷ đô” với Microsoft.

Người dân có thể còn lạ lẫm với cái tên Nguyễn Ái Việt nhưng giới Công nghệ thông tin (CNTT) thì chẳng mấy ai là không biết tiếng. Ông chính là người mở đường cho nền CNTT Việt Nam và là nhân tố quyết định trong vụ đàm phán đình đám “tỷ đô” với Microsoft.

Ông cũng là dị nhân được gắn cho biệt danh “nhà khoa học ấm đầu” khi lạnh lùng từ bỏ mức lương triệu USD ở Mỹ để quay về làm việc tại quê hương. Hơn 10 năm hồi hương, ông theo đuổi phần mềm soát lỗi chính tả và dịch thuật “made in Việt Nam” với ước vọng đánh bại “gã khổng lồ” Google Translate.

Người thích đạp đổ để bắt đầu lại

Sinh trưởng trong gia đình đậm chất văn chương với bố là nhà văn, mẹ là giáo viên dạy văn nhưng Nguyễn Ái Việt lại chọn cho mình con đường khoa học với một lý do rất “văn học”: Do quá say mê tác phẩm “Ba nhà vật lý”. Tốt nghiệp đại học tại Hungary năm 1978 và được các giáo sư tại trường trải thảm đỏ mời ở lại nhưng chàng sinh viên Nguyễn Ái Việt đã nằng nặc xin hồi hương với suy nghĩ đất nước đang cần người tài. Năm 1984 ông đi Nga để chuẩn bị làm luận án tiến sỹ. TS Việt nhớ lại, thời gian đó đất nước vô cùng khó khăn, đặt biệt là năm 1988 khi chế độ bao cấp được gỡ bỏ, kinh tế bắt đầu trỗi dậy nhưng đời sống công nhân viên chức vẫn trong cảnh “ăn đong”.

Chân dung TS Nguyễn Ái Việt.

Trong quá trình học, ông luôn là người đứng đầu lớp, tham gia các cuộc thi dành cho các nhà vật lý trẻ tại nước bạn và dễ dàng giành phần thưởng. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm khoa học Hungary vinh danh là một trong những nhà khoa học tiên tiến của thế giới. Năm đó TS Việt nhận giải cùng nhà vật lý Paul Dirac (Nobel Vật lý năm 1933).

Hồi tưởng lại những kỉ niệm này, ông hóm hỉnh chia sẻ: “Hồi đó chỉ nghĩ đạt giải là tốt cho mình thôi chứ không nghĩ đến chuyện gì khác. Kể ra mà tuyên truyền thì bây giờ cũng nổi tiếng lắm đấy”. Trong con người “nhà khoa học gàn dở” này, có một điểm lạ là không coi trọng các giải thưởng.

Ông chợt nhớ hồi học đại học, ông cũng đạt giải thưởng Rudolf dành cho các nhà vật lý trẻ. Giờ thì cúp hay cờ, TS Việt đều không còn giữ vì đã để lại ở Hungary. Những gì còn lại là một cái tên Việt “chễm chệ” trên bảng vàng lưu danh của Viện Hàn lâm khoa học Hungary.

Sau hàng loạt giải thưởng, ông được mời vào chiếc ghế giáo sư của trường đại học cũ tại Hungary và đảm nhận công việc “gõ đầu” sinh viên trong 4 năm. Đến năm cuối, thầy trưởng khoa gọi TS Việt nhắn nhủ: “Tôi nghĩ anh nên tiếp tục đi về hướng tây thì sẽ tốt hơn”. Chính vì thế, ông nhận lời mời của một trường đại học ở Ý để sang đó giảng dạy vào năm 1991 và năm sau ông được mời sang Mỹ. Cả gia đình ông bắt đầu một cuộc sống mới.

Sau rất nhiều nỗ lực, ông đã có một vị thế chắc chắn trong giới vật lý. Thời gian đó, Viện Vật lý lý thuyết châu Á – Thái Bình Dương của Nhật (đặt trụ sở tại Hàn Quốc) có mời ông vê làm nhưng ông từ chối. Thay vào đó, ông nhận lời mời làm trong phòng an toàn an ninh mạng của AT&T, công ty hàng đầu về thông tin liên lạc ở Mỹ. Đó chính là bước ngoặt bẻ lái cuộc đời ông sang CNTT. Ông có suy nghĩ: “Cần phải thức thách mình trong một lĩnh vực mới. Ở lĩnh vực vật lý, mình đã đạt được thành công thì sẽ thử sức ở một lĩnh vực khác”. TS Việt lấy việc chinh phục những thử thách làm niềm vui.

Ông luôn tâm niệm, ở bất cứ lĩnh vực nào, làm bất cứ công việc gì thì cũng phải trở thành người dẫn đầu. Tuy nhiên, ở ông không có cảm giác ăn thua mà làm bất cứ việc gì ông cũng thích thú, đam mê. Với CNTT, ban đầu ông làm quen với an toàn an ninh mạng rồi “mon men” đến phần mềm. Đến khi kết thúc sứ mệnh ở AT&T, ông đã lên đến chức kĩ sư trưởng phần mềm.

Năm 2000, ông được công ty Siemens mời về làm kĩ sư trưởng với mức lương hàng năm lên đến 7 con số tiền Mỹ. Nhưng lý do chính khiến ông đầu quân cho Siemens là vì kì nghỉ dành cho nhân viên ở đây kéo dài 5 tuần, ông sẽ có nhiều thời gian hơn để về Việt Nam (ở những công ty khác của Mỹ chỉ 2 tuần). Khoảng thời gian này, Việt Nam chưa đặt đại sứ quán ở Mỹ mà chỉ có phái đoàn đại diện cho Việt Nam tại Liên Hợp quốc. Nhưng đời sống của phái đoàn hồi đó còn rất khó khăn.

Ông nhớ, khi đến thăm văn phòng, họ đã mời ông ở lại ăn tối nhưng chỉ có mỳ ăn liền. Đây là kỉ niệm khiến ông rất xúc động. Ở Mỹ, ông khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt, vì thế ông có cơ hội được gặp rất nhiều quan chức Việt Nam, trong đó có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Trong một lần trò chuyện với ông, Phó Thủ tướng nói: “Cậu nên về hẳn để giúp đất nước, đi đi lại lại tốn tiền lắm”. Đến năm 2003, ông quyết định về nước. 

“Tôi là người Việt, về Việt Nam tôi có cảm giác tôi đang sống hơn. Nhưng có thể tôi về lúc đó còn sớm, nhiều việc mình muốn làm nhưng thời cơ chưa chín muồi, điều kiện chưa cho phép”, TS Việt trầm ngâm.

“Đơn thương độc mã” ngã giá với Microsoft

Không thích những giải thưởng nhưng vị viện trưởng viện CNTT (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại hào hứng khi nói đến phi vụ ngã gia” mua bản quyền Office với Microsoft. Chia sẻ lý do của phi vụ này, TS Việt nói: “Khi bắt đầu tiếp xúc với CNTT, người Việt cũng bắt đầu “dùng chùa” phần mềm Office của Microsoft. Chính vì thế, họ yêu cầu phía mình thanh toán tiền phần mềm. Bên cạnh đó, trong “bảng đen” các quốc gia vi phạm phần mềm thì Việt Nam thuộc top đầu với tỉ lệ 94-95%”. Theo TS Việt, đây không phải chỉ là chuyện bản quyền mà nó còn là một động thái chính trị. Chúng ta muốn gia nhập WTO thì phải chứng tỏ cho thế giới biết là Việt Nam có thiện chí, khi ra sân chơi thế giới luôn tôn trọng luật chung.

Cuộc “ngã giá” với Bill Gates trong thương vụ với Microsoft.

Là người trực tiếp đảm nhận trách nhiệm giao dịch, TS Việt đã ra giá với Bill Gates mức tiền 10% giá trị mua bản quyền Office và khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời của vị giám đốc Microsoft: “Bao nhiêu phần trăm không quan trọng. Đối với tôi, số tiền không phải là vấn đề lớn. Vấn đề là ở phía các ông chứ không phải ở tôi. Các ông quyết định trở thành một quốc gia không ăn trộm phần mềm thì đó là lựa chọn của các ông. Còn nếu các ông cứ tiếp tục làm thế thì tôi cũng chẳng làm gì được”. Trong quá trình đàm phán, có rất nhiều nghi kị chĩa mũi nhọn vào TS Việt. Họ không hiểu việc làm của ông, thậm chí còn có tin  đồn ông hét giá cao để ăn phần trăm. Nhưng TS Việt vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” không thể thanh minh vì điều kiện tiên quyết mà Microsoft đưa ra là “không tiết lộ con số”.

Hồi tưởng lại tai nạn “từ trên trời rơi xuống”, TS Việt chia sẻ: “Ở Bộ Khoa học Công nghệ hồi đó có một đồng chí chuyên viên được giao viết báo cáo về vấn đề này. Tuy nhiên, đồng chí này viết một câu rất nặng rằng Bộ Công nghệ Thông tin đang “quỳ gối” dâng 1 tỷ USD cho Mỹ. Không hiểu thế nào, bản báo cáo đó được tung lên mạng. Bộ Công an vào cuộc và đồng chí đó nói rằng mình không đẩy lên. Và tất nhiên, con số thực ít hơn rất nhiều nên chuyện cũng qua đi. Nhưng nói ra để thấy rằng, hồi đó tôi rất áp lực.

Đến thời điểm này, hợp đồng đã hết hiệu lực và tôi có thể công bố rằng, ở hợp đồng đó, Việt Nam chỉ phải bỏ ra 21 triệu USD và không hồi tố. Nghĩa là tất cả những gì mình ăn cắp từ trước đều được xóa và sau này, Việt Nam được mua một tặng một, coi như viện trợ. Trong số tiền 21 triệu USD đó, Microsoft lại đưa lại cho Việt Nam 5 triệu USD để viện trợ phát triển CNTT. Tức là mình chỉ phải trả 16 triệu mà được xóa cái án ăn cắp phần mềm”.

Rồi sau này ngồi tính lại, TS Việt vẫn nhoẻn cười vì con số đó chưa đến 10% như thỏa thuận ban đầu của ông với Bill Gates. Sau buổi đàm phán, Bill Gates có nhận xét một câu “Tôi nhận thấy Việt Nam  bắt đầu có ý tưởng”. Nhưng, theo TS Việt “giờ nó vẫn là ý tưởng, đã làm được gì đâu”. Trong thời gian thương thảo hợp đồng, hầu như tuần nào phía đối tác cũng cử người sang làm việc. Qua được cấp đại diện quốc gia, cấp đại diện khu vực, mới đến cấp lãnh đạo công ty. Còn phía bên ta thì chỉ có mình Nguyễn Ái Việt. Nhưng cuối cùng Nguyễn Ái Việt đã làm được, Việt Nam đã làm được.

Theo Người Đưa Tin

Theo Người Đưa Tin

Bạn có thể quan tâm