Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà hảo tâm góp hơn 300 triệu giúp người bị rắn hổ mang cắn

Biết được hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp hơn 300 triệu đồng để giúp đỡ.

Trước hoàn cảnh khó khăn của ông P.V.T. (48 tuổi, quê Tây Ninh), người bị rắn hổ mang chúa cắn, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ cho nạn nhân.

Trong đó, cô gái tên Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi, ngụ quận 1) đã quyên góp hơn 200 triệu đồng để giúp ông T. đóng viện phí cho giai đoạn đầu điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

ran ho mang can anh 1

Vợ và con trai của ông T. tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: An Huy.

Ngày 24/8, Trúc Phương đưa vợ của ông T. đến ngân hàng mở tài khoản. “Chị ấy giữ nhiều tiền mặt ở bệnh viện không an toàn nên tôi chuyển toàn bộ vào thẻ ngân hàng. Khi cần, người nhà có thể rút và lo viện phí cho bệnh nhân”, Trúc Phương nói.

Bên cạnh đó, nhiều nhà hảo tâm khác hay tin hoàn cảnh khốn khó của nạn nhân cũng tìm đến bệnh viện trao tiền.

Ngày 26/8, trao đổi với Zing, vợ ông T. cho biết khi chồng nhập viện điều trị, bà chỉ có hơn 300.000 đồng mượn từ người thân. Rất may trong những ngày qua, nhiều người đến ủng hộ, bà đã đóng được 190 triệu đồng tạm ứng viện phí để lo cho chồng.

“Tôi không biết nói gì hơn, xin cảm tạ mọi người và các y tá, bác sĩ trong bệnh viện. Đến nay số tiền từ các nhà hảo tâm quyên góp đã vượt 300 triệu đồng, đủ để tôi lo viện phí cho chồng”, vợ ông T. nói.

ran ho mang can anh 2

Ông T. đang được điều trị tích cực ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết quá trình điều trị cho bệnh nhân P.V.T. còn dài, chưa thể biết chính xác viện phí là bao nhiêu.

Theo bác sĩ Sang, quá trình điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, bác sĩ đã dùng 15 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn cho bệnh nhân, cộng thêm chi phí nằm hồi sức ở khoa, viện phí giai đoạn này dao động 40-50 triệu đồng.

Bệnh nhân tiếp tục được bác sĩ chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) khi nọc độc rắn tấn công vào cơ tim. Giai đoạn này, chi phí điều trị tăng thêm nhiều.

“Bệnh nhân đã được thay 2 lần huyết tương và lọc máu chậm. Mỗi lần thay như vậy chi phí khoảng 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc xử lý vết thương bị hoại tử ở đùi rất phức tạp nên chưa thể nói trước được chi phí điều trị cho bệnh nhân chính xác bao nhiêu”, bác sĩ Sang cho biết.

Cũng theo bác sĩ Sang, khi bệnh nhân vừa nhập viện, các bác sĩ biết được hoàn cảnh khó khăn của ông T. nên đã chủ động đề xuất Phòng Công tác xã hội mua bảo hiểm y tế cho cả 2 vợ chồng ông T.

"Nếu ông T. nằm viện kéo dài, khoảng 1 tháng sau khi bảo hiểm y tế được áp dụng, chi phí điều trị cho bệnh nhân sẽ được giảm rất nhiều", bác sĩ Sang nói.

Vợ nạn nhân bị rắn cắn: 'Gia đình tôi quá khổ' "Anh muốn giữ con rắn lại để bán kiếm tiền. Gia đình tôi quá khổ vì không có tiền cho con đi học", vợ nạn nhân bị rắn hổ mang cắn chia sẻ.

Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn đã ổn định hơn

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sức khỏe nam bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn đã ổn định hơn nhưng còn tiên lượng nặng. Bệnh nhân đang được thở máy, lọc thận chậm.

An Huy

Bạn có thể quan tâm