Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhà hàng ma' không bàn ghế bùng nổ tại châu Á nhờ dịch vụ giao đồ ăn

Không mặt tiền, không bàn ghế và không người phục vụ, các "nhà hàng ma" đang mọc lên như nấm sau mưa tại nhiều nước châu Á nhờ dịch vụ giao đồ ăn.

Theo Nikkei Asian Review, mô hình "nhà hàng ảo" - hay còn được gọi là "nhà hàng ma" - đang nở rộ tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực châu Á. Các nhà hàng này chỉ chế biến thức ăn để phục vụ khách đặt hàng qua mạng. 

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Đức Statista, thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu hiện có quy mô khoảng 95 tỷ USD, và ước tính sẽ tăng hơn 11% mỗi năm từ nay đến năm 2023.

Sự tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ nhất tại châu Á. Thị trường giao đồ ăn online khu vực hiện đạt quy mô 53 tỷ USD, chiếm hơn 50% nhu cầu toàn cầu. Các khảo sát cho thấy ngày càng nhiều hộ gia đình châu Á lười đến nhà hàng.

Báo cáo của Cushman-Wakefield cho biết thị trường nhà hàng truyền thống ở châu Á tăng trưởng 10% mỗi năm từ năm 2006 đến 2016, nhưng sẽ giảm khoảng 7,5% mỗi năm từ nay đến năm 2026. 

Nha hang ma tai chau A anh 1
Mô hình bếp chung phát triển ở châu Á. Ảnh: Nikkei. 

Bùng nổ tại Trung Quốc

Mô hình nhà hàng ảo - hay bếp chung - đang tận dụng xu thế này. Tại Trung Quốc, nơi ngành công nghiệp giao đồ ăn phát triển với tốc độ chóng mặt và đạt quy mô 37 tỷ USD, các nhà hàng ảo phát triển nhanh chóng.

Công ty quản lý bếp chung Panda Selected tại Bắc Kinh cho biết hơn 500 doanh nghiệp đã chấp nhận dịch vụ bếp chung của họ. Nhu cầu bùng nổ đã thúc đẩy công ty mở 103 bếp chung trong vòng 3 năm tại Bắc Kinh, Thượng Hải và 2 thành phố lớn khác.

“Bếp ăn chung bùng nổ ở Trung Quốc vì các gia đình Trung Quốc đã quen với việc giao đồ ăn”, CEO Panda Selected Li Haipeng tuyên bố.

Các nhà hàng trực tuyến xuất hiện tại New York, Chicago và những thành phố khác của Mỹ từ vài năm trước, sau khi các dịch vụ giao hàng như Uber Eats và GrubHub ra mắt.

Phong trào này giờ lan đến các thành phố châu Á. Công ty nghiên cứu người dùng NPD Group cho biết 63% người dân Trung Quốc sử dụng các trang web và ứng dụng giao đồ ăn, cao hơn nhiều so với mức 36% ở Nhật Bản và 27% tại Hàn Quốc.

Nha hang ma tai chau A anh 2
Trung Quốc dẫn đầu về số đơn giao đồ ăn trực tuyến. Ảnh: NPD Group.

Ông Li cho biết do khách hàng Trung Quốc ít ăn tối bên ngoài hơn, các nhà hàng sẽ hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí khi nấu ăn tại bếp chung và phục vụ thông qua ứng dụng giao đồ ăn. Ông ước tính cách này giúp chủ nhà hàng tạo ra tỷ suất lợi nhuận trung bình 20%, gấp đôi thông thường.

“Chừng nào nhu cầu của người Trung Quốc về giao đồ ăn vẫn còn, nhu cầu bếp chung sẽ chỉ tăng lên”, ông khẳng định. Công ty 3 năm tuổi của ông đã huy động được 70 triệu USD tiền đầu tư và nhận được sự hỗ trợ của các đại gia có máu mặt như Tiger Global.

Tiềm năng của thị trường bếp chung tại Trung Quốc đã thu hút nhiều tay chơi quốc tế. Nguồn tin South China Morning Post cho biết Travis Kalanick, nhà sáng lập Uber, xem xét đưa CloudKitchens có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) đến Trung Quốc.

Tiềm năng tại Ấn Độ 

Phong trào này cũng đang trở nên phổ biến tại Ấn Độ, nhất là ở các đô thị lớn, nơi người tiêu dùng trẻ am hiểu công nghệ chuộng đặt đồ ăn trực tuyến. Uber Eats tuyên bố hợp tác với chuỗi Cafe Coffee Day của Ấn Độ vào tháng 10 để ra mắt một mạng lưới các nhà hàng chỉ giao đồ ăn trực tuyến.

Jason Droege, Phó Chủ tịch Uber Everything, cho biết sẽ tiếp thu kinh nghiệm từ những cửa hàng ảo trên toàn cầu để tăng cơ hội phát triển cho những đối tác tại Ấn Độ.

Công ty Mỹ sẽ tận dụng chuyên môn của Cafe Coffee Day trong kinh doanh thực phẩm và đồ uống, cũng như mạng lưới rộng lớn của hơn 1.700 cửa hàng trên khắp Ấn Độ. Uber Eats sẽ cung cấp dữ liệu, phân tích về sở thích khách hàng.

Nha hang ma tai chau A anh 3
Dịch vụ giao đồ ăn đang ngày càng phổ biến ở Ấn Độ. Ảnh: Financial Times

"Nhà hàng ma" nổi tiếng BOX8, được thành lập vào năm 2012, phục vụ hơn 22.000 suất ăn trên khắp các thành phố như Mumbai, Pune và Bangalore. Những doanh nghiệp khác đang cố tranh giành miếng bánh của thị trường này là Curry Me Up và Kadhai House.

RedSeeer dự báo thị trường giao đồ ăn trực tuyến của Ấn Độ sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ 300 triệu USD trong năm 2016.

Cuộc đua nóng lên ở Nhật Bản

Trong khi đó tại Nhật Bản, Công ty khởi nghiệp Sentoen có kế hoạch mở bếp chung tại khu vực Meguro (Tokyo) vào tháng tới. Bốn bếp sẽ cho phép 8 nhà hàng hoạt động, bao gồm 4 nhà hàng hoạt động ban ngày và 4 nhà hàng phục vụ ban đêm. Mức phí hàng tháng từ 900 đến 1.300 USD.

“Chi phí ban đầu sẽ dưới 4.600 USD, trong khi bạn sẽ tốn tối thiểu 92.000 USD với một cửa hàng bình thường”, CEO Sentoen Daisuke Yamaguchi khẳng định. Công ty đã nhận hơn 30 đơn đăng ký và đang kiểm tra thực đơn của họ.

Ở Nhật Bản, hơn 80% người muốn mở nhà hàng không thể làm được điều đó. Thiếu vốn là lý do hàng đầu, theo Japan Finance và Cơ quan Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ lệ phá sản cũng rất cao với 55.000 quán ăn phá sản mỗi năm.

“Mọi người sẽ dễ dàng có cơ hội hơn nếu đó chỉ là một nhà hàng ma. Tôi sẽ hỗ trợ những người này bằng cách mở rộng Kitchen Base”, Yamaguchi tuyên bố. Ông có kế hoạch mở khoảng 100 bếp chung trong vòng 3 năm tại Tokyo, Osaka và những nơi khác tại châu Á. 

“Những khu vực có tỷ lệ giao hàng cao như Trung Quốc sẽ là các điểm đến tuyệt vời”, Nikkei dẫn lời Yamaguchi khẳng định.

Nha hang ma tai chau A anh 4
80% người muốn mở nhà hàng ở Nhật Bản không thể làm được điều đó. Ảnh: Nikkei.

Từng chỉ là một "nhà hàng ma", 6curryKitchen giờ hoạt động cả ngoại tuyến tại khu vực Ebisu của Tokyo. “Tôi muốn bắt đầu kinh doanh nhà hàng nhanh chóng với chi phí thấp và rủi ro ít”, cô Aya Hirose - giám đốc công ty điều hành 6curryKitchen - cho biết.

Hirose và các nhân viên đã thuê một không gian vào tháng 12/2017. “Đó là một trải nghiệm tốt vì chúng tôi có thể học cách vận hành”, cô bình luận. Kinh nghiệm này tạo điều kiện cho Hirose việc khai trương 6curryKitchen, một nhà hàng chỉ dành cho những người đăng ký gói 3.000 yên mỗi tháng.

“Mở cửa hàng ma không chỉ có lợi thế về chi phí mà còn giúp bạn xây dựng tên tuổi và nhận được sự công nhận trước khi mở một cửa hàng”, Hirose tiết lộ. Công ty đang tìm cách mở rộng sang Đài Loan.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch mở cửa hàng ma trong khu vực này vào năm nay. Chúng tôi sẽ thuê địa điểm, điều hành cửa hàng cà ri của chúng tôi và giao hàng”, Hirose nói thêm.

Công ty Nokisaki điều hành một nền tảng Internet kết nối các nhà hàng nhỏ với chủ mặt bằng cho thuê. Cùng với Tập đoàn Yoshinoya, chủ một chuỗi nhà hàng lớn, công ty đã mở trang web Nokisaki Restaurant. Với nền tảng này, ai cũng có thể thuê diện tích và mở một tiệm bánh burger vào ban ngày. Đến ban đêm, nhà hàng biến thành quán bar. 

Nha hang ma tai chau A anh 5
Đầu bếp Michiya Yamazaki mở nhà hàng ma hoạt động từ trưa đến chiều ở Tokyo. Đến tối, không gian nhà hàng trở thành quán bar. Ảnh: Nikkei.

Đầu bếp Michiya Yamazaki tâm sự anh luôn muốn có môt nhà hàng của riêng mình, nhưng không có vốn. “Tôi không có đủ tiền. Mặc dù biết nấu ăn, tôi không có kiến thức hay tự tin về việc điều hành kinh doanh”, anh giải thích.

Nhưng Yamazaki đã tìm thấy cơ hội khi biết đến nền tảng của Nokisaki. Anh ghé thăm 4 cửa hàng cho thuê trong ngày. “Tôi chỉ tốn một phần 10 số tiền cần để mở cửa hàng thực sự”, anh kể.

Tháng 12/2018, Yamazaki mở nhà hàng sandwich Cuba có tên G'Day mate! ở khu Shibuya tại Tokyo. Bếp của anh hoạt động từ trưa đến 17h. Đến tối, nơi đây trở thành quán bar. 

“Nhà hàng ma sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là ở Nhật Bản. Với tình trạng dân số ngày càng già đi, nhiều chủ cửa hàng cũ muốn rút ngắn thời gian hoạt động hoặc đóng cửa cửa hàng vì vấn đề sức khỏe. Thuê không gian sẽ làm một cách tuyệt vời để kiếm thêm thu nhập”, nhà sáng lập Nokisaka nhận định.

Grab đặt cược sinh mệnh vào dịch vụ giao đồ ăn

Kỳ vọng đạt doanh thu 2 tỷ USD trong năm 2019 nhưng hiện Grab vẫn lỗ. Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore đặt cược tương lai vào dịch vụ giao đồ ăn.




Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm