Theo Nikkei Asian Review, Haidilao International Holding và Xibei Youmiancun - hai chuỗi nhà hàng đình đám tại Trung Quốc - thừa nhận đã sai lầm khi tăng giá để "bù đắp chi phí hoạt động tăng cao" sau quãng thời gian phong tỏa để chống dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc).
Chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao tăng giá 6% sau khi mở cửa trở lại vào ngày 12/3. Tuy nhiên, Haidilao đã quay trở lại mức giá trước ngày 26/1, thời điểm toàn bộ cửa hàng của chuỗi này trên toàn Trung Quốc phải đóng cửa.
"Việc tăng giá là sai lầm của chúng tôi là làm tổn thương lợi ích của khách hàng”, Haidilao thừa nhận. Công ty này niêm yết trên Sàn giao dịch Hong Kong.
Trước đó, hàng loạt thực khách bất mãn với việc Haidilao tăng giá và phàn nàn trên mạng xã hội Weibo. “Nhà hàng có quyền tăng giá và chúng ta có quyền tẩy chay họ”, một người dùng Weibo viết.
Một nhà hàng Haidilao tại Bắc kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Để xoa dịu dư luận, Haidilao tung ra loạt phiếu giảm giá và cam kết cải thiện dịch vụ trước ngày 25/4.
Được thành lập bởi vợ chồng doanh nhân Zhang Yong vào năm 1994, Haidilao phát triển nhanh chóng và mở thêm 308 nhà hàng lẩu trong năm 2019. Như vậy, số nhà hàng Haidilao ở Trung Quốc hiện lên tới 768. Vài năm gần đây, chuỗi này cũng kinh doanh ở thị trường quốc tế, có mặt tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.
Trong khi đó, chuỗi nhà hàng mì Xibei cũng vừa khởi động chiến dịch thu hút khách hàng sau khi tăng giá đồ ăn 1-10 NDT tại một số cơ sở ở Thượng Hải và 8 thành phố khác từ ngày 1/2. Xibei hiện có 386 nhà hàng trên khắp Trung Quốc.
Chuỗi nhà hàng này hiện có chương trình tặng phiếu giảm giá 50 NDT cho mỗi hoá đơn trên 100 NDT (14 USD). Chủ tịch Jia Gualong gửi tâm thư tới khách hàng: “Chúng tôi lắng nghe ý kiến của các bạn. Thật không đúng khi tăng giá ở thời điểm này… Dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục ủng hộ chúng tôi”.
Các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng Trung Quốc đang tiếp tục phải vật lộn để thu hút khách dù nước này đã mở cửa nền kinh tế sau đỉnh dịch Covid-19. Đến nay, nhiều ngành kinh tế Trung Quốc đã khôi phục hoạt động 90%.
Khảo sát của hãng tư vấn McKinsey & Company cho thấy 30% người tiêu dùng Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục thận trọng trong chi tiêu, và chỉ có 12% có quan điểm ngược lại.
Trước đó, một số chuyên gia kinh tế dự báo tiêu dùng Trung Quốc sẽ bùng nổ sau quãng thời gian bị dồn nén vì lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, điều này chưa trở thành hiện thực.
"Người tiêu dùng đang thận trọng hơn. Do đó, chi tiêu sẽ giảm nếu giá cả hàng hoá tăng", Nikkei Asian Review dẫn lời một nhà phân tích tại Shenwan Hongyuan Securities nhận định.