Khi virus corona đang tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, một điều tưởng chừng như nghịch lý đã xảy ra: những nước giàu có vẻ như lại gặp khó khăn hơn trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng gây ra bởi Covid-19. Trong khi đó có nhiều nước nghèo hơn nhưng có vẻ lại đang chống chọi hiệu quả với đại dịch, bài viết của New York Times nhận định.
Thường thì những quốc gia phát triển sẽ có thể triển khai các nguồn lực một cách nhanh chóng, và có thể nhanh chóng tuỳ biến các cơ chế của nhà nước để đối phó với khủng hoảng, nhưng nhiều nước đã không thể hiện được điều đó trước Covid-19.
Thợ cắt tóc Marko Stanzl đang phục vụ khách hàng tại cửa tiệm của anh ở thủ đô Zagreb, Croatia. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh với tỷ lệ tử vong thấp, nước này đã bắt đầu mở cửa trở lại. Ảnh: AFP. |
Nước giàu chưa chắc chống dịch hiệu quả
Tại châu Âu, Anh, Pháp và Italy là 3 nền kinh tế lớn nhất của khối, nhưng cũng là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona vì đã phản ứng một cách chậm chạp và thiếu quyết liệt. Nhưng có những quốc gia nhỏ hơn, nghèo hơn tại EU đã nhanh chóng áp đặt và thực thi các biện pháp cứng rắn, kiên trì với cách tiếp cận đó và tới nay đã khống chế thành công virus.
Theo New York Times, các quốc gia này, vốn đã bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng, có điểm chung là đều trải qua những khó khăn trong quá khứ gần đây.
So sánh với những gì mà người dân những nước này từng phải trải qua, việc bị hạn chế ra khỏi nhà có vẻ như vẫn tương đối nhẹ nhàng. Danh sách bao gồm một số quốc gia Đông Âu, vốn có thập niên 1990 đầy khó khăn, và đặc biệt là Hy Lạp, nơi cuộc khủng hoảng nợ cách đây một thập kỷ đã khiến người dân quen với việc bị thất nghiệp.
Thận trọng ra khỏi nhà sau nhiều tuần ở cùng vợ và 2 con gái, Ive Morovic, một thợ cắt tóc 45 tuổi ở thị trến ven biển Zadar của Croatia, chia sẻ những ký ức của ông về cuộc chiến đầu thập niên 1990, khi ông từng phải chạy lên đỉnh quả đồi gần đó để phát báo động có máy bay ném bom.
"Tôi là một đứa trẻ, đang chơi đá bóng và nhìn thấy đạn pháo rơi từ trên trời xuống", ông Morovic kể lại. Ông cho rằng tinh thần tập thể và tuân thủ kỷ luật của người dân nước này trong thời kỳ đại dịch là một di sản từ những năm chiến tranh.
"Mọi người giờ đây lo lắng, và sự kỷ luật mà chúng tôi từng phải tuân thủ đã giúp chúng tôi cùng đứng vào hàng", ông Morovic nhận định.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford của Anh đã phát triển một công cụ để đo lường và xếp hạng sự quyết liệt trong các biện pháp chống dịch tại nhiều quốc gia. Croatia là một trong những nước có các biện pháp nghiêm ngặt nhất thế giới, và tới nay ghi nhận 86 trường hợp tử vong vì virus corona.
Số người chết này tương đương tỷ lệ tử vong 2,1 trên 100.000 người. Để so sánh, bang New York của Mỹ có tỷ lệ tử vong lên tới 137 trên 100.000 dân.
Một quán cà phê ở Ljubljana của Slovenia mở cửa phục vụ khách hàng hôm 4/5. Cũng như Croatia, Slovenia là một trong những quốc gia châu Âu phong toả sớm và quyết liệt. Ảnh: AFP. |
Nhìn chung, các quốc gia Đông Âu nghiêm khắc hơn so với các nước Tây Âu trong những biện pháp đối phó với dịch bệnh, theo ông Thomas Hale, giáo sư dự bị tại Trường nghiên cứu chính phủ Blavatnik của Đại học Oxford. Nhiều nước Đông Âu được quản lý bởi một chính phủ trung hữu, vì vậy họ có xu hướng nghiêm khắc hơn trong việc triển khai và thực thi các biện pháp chống dịch.
"Croatia nằm ở mức cao trong thang đo độ nghiêm khắc của chúng tôi... Có thể là người dân ở đây ít phản kháng hơn, và sẵn sàng chấp nhận các biện pháp khắc nghiệt", ông Hale, người đứng đầu dự án xây dựng thang đo này, nhận định.
Kiên cường vì được tôi luyện
Việc chống dịch nghiêm túc và quyết liệt cho phép Croatia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả từ ngày 27/4, trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu bước sang thời kỳ "hậu đỉnh dịch". Hy Lạp cũng dỡ bỏ phong toả một phần vào ngày 4/5. Các nước khác ở Đông Âu như CH Czech hay Slovenia, cũng áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt từ đầu, và bây giờ bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường.
"Kiên cường" là từ thường được sử dụng để mô tả những xã hội ở khu vực này ở châu Âu, theo New York Times.
Giáo sư Frosso Motti-Stefanidi, người giảng dạy tại Đại học Athen và là nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này, cho rằng tính chất kiên cường được định nghĩa rõ nhất khi một cá nhân hoặc xã hội tiếp tục sống ổn, bất chấp việc phải trải qua căng thẳng hay nghịch cảnh lâu dài.
Trong bối cảnh của đại dịch, bà Motti-Stefanidi cho rằng, một mình sự kiên cường là không đủ để lý giải tại sao một số quốc gia ứng phó với khủng hoảng tốt hơn những nước khác. Theo bà, những kết quả tích cực là dựa trên việc người dân tin rằng các biện pháp mà chính phủ áp dụng là phù hợp, dẫn tới lòng tin vào nhà nước cũng như sự sẵn sàng hợp tác.
Sự kiên cường và nghiêm khắc luôn đi đôi với nhau khi đối đầu với dịch bệnh, theo bà Motti-Stefanidi.
Hy Lạp ghi nhận 151 ca tử vong vì virus corona, tương đương tỷ lệ 1,4 trên mỗi 100.000 dân, và giáo sư Motti-Stefanidi cho rằng chính phủ đã làm tốt trong việc thẳng thắn yêu cầu người dân tuân thủ các quy định phong toả.
Từng đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính khiến GDP giảm tới một phần tư, người dân Hy Lạp có vẻ như đã không còn lạ lẫm khi cuộc sống trở nên khó khăn, mặc dù các dự báo mới nhất cho thấy nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục thu hẹp 9,7% trong năm nay.
Khung cảnh vắng vẻ tại một quảng trường ở Athens hồi tháng 3. Bất chấp nền kinh tế èo uột, nước này có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 rất thấp, chỉ 1,4 ca trên 100.000 dân. Ảnh: AFP. |
"Năm 2008, khi Lehman Brothers phá sản, tôi phải mất 3 năm để xây dựng lại công việc làm ăn. Sau đó, đến cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, tôi gần như không có việc làm trong vòng 3 năm, và phải cực kỳ cố gắng để nuôi sống gia đình", bà Eleni Apostolidi, một chuyên gia trị liệu ở Athens, chia sẻ.
Bà Apostolidi có một cậu con trai 15 tuổi và cũng phải chăm sóc cha mẹ cũng như cô bác sống cùng toà nhà chung cư của họ, nhưng bà tỏ ra rất lạc quan với tình hình hiện tại.
"Chúng tôi đã trải qua đủ thứ, chúng tôi đã trở nên rắn rỏi, vì vậy tôi nghĩ chúng tôi có thể làm lại", bà cho biết.