Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ôtô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Nhà trên 700 triệu có thể bị đánh thuế tài sản ở mức 0,4%. Ảnh: Lê Quân. |
Bộ Tài chính cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Đa số các nước áp dụng mức thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%, Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: một là áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%.
Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu đồng).
Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỷ đồng (nhà 1 tỷ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên).
Như vậy, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Bộ Tài chính cho rằng phương án này “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước”, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng lý giải về việc chọn đánh thuế theo giá trị nhà mà không đánh thuế theo diện tích. Mặc dù phương án đánh thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, việc xác định ngưỡng không chịu thuế và chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp. Trong khi đó lại không điều tiết đối với giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.
Vì thế, Bộ Tài chính quyết định xác định ngưỡng không chịu thuế hay chịu thuế đối với nhà theo giá trị căn nhà.
Không chỉ đánh thuế tài sản với nhà, Bộ Tài chính cũng đang cân nhắc và lấy ý kiến việc áp thuế tài sản với máy bay, ôtô và du thuyền.
Cụ thể, các tài sản này nếu có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên (trừ loại sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách) có thể chịu mức thuế 0,3% hoặc 0,4%. Đối với tài sản mới, giá tính thuế là giá trị tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.
Đối với máy bay, du thuyền, ôtô đã qua sử dụng, giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản với tỷ lệ % chất lượng còn lại của tài sản mới nhân với tỷ lệ % chất lượng còn lại của tài sản do UBND cấp tỉnh ban hành, theo thời gian sử dụng tại thời điểm tính thuế.
Bộ Tài chính lý giải số thu này liên quan đến nguồn thu của địa phương để đầu tư hạ tầng. Do đó, trong trường hợp cần áp dụng mức thuế suất cao hơn, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh tăng, nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.
Quy định này nhằm tạo tính chủ động của chính quyền địa phương để quy định mức thuế suất thuế tài sản cho phù hợp.