Tại cuộc Hội thảo Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Tuấn cũng cho biết hiện tại nhà đầu tư đang phàn nàn về hạch toán và thu thuế cũng như sự ổn định của các chính sách thuế tại Việt Nam.
Theo ông, thuế là vấn đề rất quan trọng tác động đến nhà đầu tư và doanh nghiệp. Số liệu khảo sát 2.000 doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam hàng năm cho thấy ưu đãi thuế chính là 1 trong 4 lợi thế của Việt Nam cùng với những lợi thế khác như lực lượng lao động, chính sách... Các yếu tố này ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp FDI.
"Đề án sửa 5 luật thuế của Bộ Tài chính không chỉ tác động tới thuế giá trị gia tăng (VAT), mà còn ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp trong nhiều ngành như đồ uống, bất động sản, ôtô, nông nghiệp, ngân hàng...", ông Tuấn cho biết.
Vì vậy, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có những đánh giá, nghiên cứu rất cẩn trọng trong việc sửa đổi 5 luật thuế này.
Sản phẩm trong nước mất cạnh tranh
Đề xuất sửa đổi 5 luật thuế mới đây của Bộ Tài chính nằm trong gói tổng thể tái cơ cấu thu, chi, bên cạnh việc tăng thuế cũng có những giải pháp để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Đề xuất thuế lần này nằm trong hàng loạt giải pháp của Bộ Tài chính trong lĩnh vực của mình.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng mỗi thay đổi của luật thuế sẽ tác động rất lớn đến các doanh nghiệp và nền kinh tế. |
"Bộ Tài chính gần đây có được 15-16 sửa đổi thông tư về thu phí, giảm phí rất mạnh. Đây chỉ là một phần trong gói giải pháp tổng thể. Ngay trong đề xuất lần này cũng có đề xuất giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn giản hóa cho doanh nghiệp quy mô nhỏ", ông Tuấn cho biết.
Để đánh giá hệ quả của những đề xuất thay đổi luật thuế này, ông Tuấn cho biết, năm 2015, luật thuế VAT đã được ban hành trong đó có quy định miễn thuế phân bón thức, ăn chăn nuôi và một số vật tư nông nghiệp...
Luật thuế này tưởng như rất tốt, nhưng khi được thông qua lại lợi bất cập hại.
"Chính nó đã làm cho phân bón, thức ăn chăn nuôi và một số vật tư nông nghiệp trong nước không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu", ông Tuấn cho hay.
Theo đó, để sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi thì trong nguyên liệu đầu vào đã có những hàng hóa chịu thuế VAT 10%, những hàng hóa này không thuộc diện miễn trừ nên không được hoàn thuế. Điều này khiến chi phí sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi và hàng hóa nông nghiệp sản xuất trong nước rất kém cạnh tranh hơn so với nhập khẩu.
"Chính nó đã vô tình tạo ra một điểm yếu trong cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với nước ngoài. Vì vậy, Bộ Tài chính lại có đề xuất áp dụng đưa phân bón, thức ăn chăn nuôi vào diện chịu thuế VAT 5%", ông Tuấn nói.
Mất động lực để chế biến sâu
Vị Trưởng ban pháp chế của VCCI cũng cho biết hệ lụy của chính sách thuế có thể tác động rất lớn đến nền kinh tế. Hiện nay, các chuyên gia, lãnh đạo đều kêu gọi doanh nghiệp hạn chế xuất khẩu thô mà phải xuất khẩu tinh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào cách thu thuế của Việt Nam.
Theo đó, hiện nay, thuế tài nguyên được tính trên giá trị của hàng hóa xuất khẩu. Nếu chỉ khai thác rồi xuất khẩu thô sẽ tính theo giá xuất thô nhưng chế biến tạo ra giá trị sẽ tăng thêm thì giá tính thuế sẽ tính trên giá Hải quan xuất khẩu.
"Nếu thuế xuất thô là 1, thuế chế biến tinh là 3, thì khi doanh nghiệp tinh chế để xuất khẩu giá bị áp thuế sẽ là 3. Vì vậy, doanh nghiệp không có động lực để chế biến sâu, mức thuế tài nguyên trong nước quá cao. Có doanh nghiệp khai thác đá cho biết xuất khẩu thô có lợi hơn rất nhiều so với chế biến", ông Tuấn chia sẻ.
Điều này có thể dẫn tới hệ quả thay vì việc chế biến được diễn ra ở Việt Nam đóng góp vào nguồn thu ngân sách thì nay lại sang nước khác để chế biến.
Doanh nghiệp lo giảm quy mô, đóng cửa vì phí
Theo ông Đậu Anh Tuấn, ngay cả chính sách phí và lệ phí cũng ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng kinh tế và ngân sách.
Theo đó, từ đầu năm 2017, Hải Phòng có quyết định về việc thu phí bảo trì cảng biển, mỗi container hàng hóa sẽ chịu mức phí 20.000 đồng/tấn hàng rời nhập khẩu.
"Có một doanh nghiệp tại Thái Nguyên hàng năm nhập nhiều tàu lớn tại cảng Hải Phòng, sau đó chia nhỏ ra những tàu chạy đường sông, hầu như chỉ mất 2-3 ngày trên vịnh không tốn cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, một chuyến tàu như vậy hiện nay chịu khoảng 300-400 triệu tiền phí hạ tầng cảng biển.
Điều này khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh, hiện tại doanh nghiệp này có doanh số 800 tỷ đồng/năm và nộp ngân sách đều đặn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì chi phí tăng cao nên đang có kế hoạch giảm quy mô, thậm chí phải đóng cửa.
Hải Phòng có thể thu thêm được một ít phí có lợi cho địa phương, nhưng đằng sau đó là năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp và 30 tỷ đồng nộp ngân sách hàng năm. Giữa con số 300 triệu tiền phí và 30 tỷ tiền thuế là khoảng cách rất lớn", ông Tuấn chia sẻ câu chuyện thực tế.