Là một người đầu tư Bitcoin lâu năm ở Mexico, Elisa Caletti (30 tuổi) quyết định giữ nguyên tài sản trong ví của mình bất chấp đà giảm liên tục của đồng tiền số này trong thời gian gần đây.
“Thị trường lên xuống là chuyện hiển nhiên. Không thể lúc nào đồng tiền cũng đạt đỉnh được”, Caletti vừa nói vừa rút tiền từ cây ATM Bitcoin trên đường.
Bình tĩnh giữa thảm họa
Từ tháng 11/2021, vốn hóa thị trường của các đồng tiền mã hóa đã giảm mạnh 66%. Mới đây, Bitcoin còn trên đà giảm trong nhiều ngày và đang mấp mé xuyên thủng mốc 19.000 USD/đồng.
Trước tình hình này, tại Mỹ, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoảng sợ và đua nhau bán tháo. Trong khi đó, ở các nước Mỹ Latinh, người chơi tiền số lại tỏ ra bình tĩnh trước sự kiện lao dốc của Bitcoin.
Theo Rest of World, với các quốc gia có nền kinh tế bất ổn như khu vực Mỹ Latinh, tiền mã hóa được xem như một loại tài sản đảm bảo khi xảy ra khủng hoảng. Do đó, những người ủng hộ loại hình tài sản này đã quen với tính biến động cao và vẫn lạc quan trước tình hình ảm đạm gần đây.
Tiền số được xem như tài sản thay thế cho người dân ở các nước Mỹ Latinh. Ảnh: Mashable. |
“Trong khi các quốc gia khác đang cảm thấy lo sợ tột độ thì chúng tôi lại rất bình tĩnh quan sát thị trường lên xuống từng ngày”, Carlos Mijares (25 tuổi), một người chơi tiền số sống ở thủ đô Caracas, Venezuela, chia sẻ.
Theo Omid Malekan, chuyên gia tiền mã hóa và giáo sư tại Đại học Columbia, nguyên nhân của sự khác biệt này là do bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ vẫn còn có rất nhiều quốc gia không thể sử dụng USD hay các hệ thống ngân hàng ổn định.
Những người chỉ trích tiền mã hóa nói chung và Bitcoin nói riêng như Warren Buffett có những đặc quyền nhất định nên không thể nào hiểu tình cảnh của các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở các quốc gia khác”, ông nói.
Đồng quan điểm với Malekan, nhà kinh tế học Aarón Olmos người Venezuela cho biết người dân ở các nước Mỹ Latinh đầu tư tiền số với hy vọng thoát khỏi nền kinh tế bất ổn và tù túng của quốc gia họ.
Một khảo sát do ông thực hiện cũng chỉ ra đa số mọi người đều cho rằng họ thà giữ tài sản kỹ thuật số có thể lên xuống bất cứ lúc nào như Bitcoin, còn hơn là dùng đồng tiền lúc nào cũng rớt giá của nước họ.
Thà mua Bitcoin còn hơn giữ tiền mặt
Trên thực tế, Venezuela và Argentina là 2 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đến từ lạm phát nên hoàn toàn dễ hiểu khi tiền mã hóa trở nên hấp dẫn hơn so với tiền mặt được chính phủ ban hành.
Giữa sự bấp bênh của đồng bolívar và sự khan hiếm của USD, một nhà đầu tư người Venezuela giấu tên đã chia sẻ rằng theo anh, tiền số chính là lựa chọn tốt nhất.
Bên cạnh đó, một vài người chơi ở Argentina còn nói rằng Bitcoin là quyết định đầu tư an toàn nhất lúc này. “Nếu sống ở Argentina, tốt nhất là nên đầu tư Bitcoin thay vì giữ đồng peso”, Federico Sánchez, Giám đốc sàn Kripton Market, nói với Rest of World.
Tin tưởng vào Bitcoin, nhiều người vẫn giữ đồng tiền này trong ví mà không bán đi. Ảnh: Perry Tse. |
Giữ tâm lý lạc quan này, nhà đầu tư người Argentina, Elmer Curio (19 tuổi), dù mất trắng 166 USD tiền tiết kiệm vào dự án Terra, vẫn tin tưởng vào tiền số. “Tôi chỉ thấy buồn vài ngày chứ không thay đổi suy nghĩ của mình về tiền mã hóa. Điều tôi cần làm chỉ là đầu tư cẩn thận hơn mà thôi”, anh nói.
Giáo sư Omid Malekan cũng nhận định bất chấp thị trường lao dốc Bitcoin vẫn sẽ được xem như một tài sản thay thế tại các quốc gia Mỹ Latinh. “Dù giá đồng có lên xuống ra sao, xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới”, ông khẳng định.
Song, điều đó không có nghĩa là giới đầu tư khu vực Mỹ Latinh không bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường tiền điện tử.
Sau thảm họa Terra và cuộc khủng hoảng của Celsius, thị trường tiền số tại đây rực đỏ, tác động mạnh đến các nhà giao dịch, công ty và thậm chí là chính phủ. Bitso, sàn giao dịch của Mexico, đã phải cắt giảm 10%. Trong khi đó, sàn Buenbit của Argentina sa thải 45% nhân viên.
Nayib Bukele, tổng thống El Salvador, cũng lỗ nặng đến 50 triệu USD sau khi “bắt đáy” Bitcoin bằng chính tiền thuế của người dân nước này.
Sống ở Caracas, Venezuela, Yeibert Godoy (26 tuổi) hiện làm việc cho một công ty đào coin và nhận lương bằng đồng Tether. Quan sát những thảm họa tiền số trong thời gian gần đây, anh cho rằng tiền số kể cả stablecoin không còn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư.
“Cú sập của UST đã khiến tôi bắt đầu nghi ngờ về độ an toàn của loại hình tài sản này”, Godoy nói.