Sáng nay (ngày 9/10), Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Hội thảo chuyển động kinh tế vĩ mô và “Triển vọng tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam”.
Phần trình bày về vấn đề xử lý nợ xấu, theo chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, trước khi VAMC ra đời, có rất nhiều ý kiến lo ngại, VAMC sẽ không mua được nợ, hoặc mua được nợ rồi không biết bán cho ai. Bởi trên thực tế, các nước khi xử lý nợ thì hầu hết là bán nợ cho nước ngoài, trong khi Việt Nam chưa có môi trường thuận lợi cho bán nợ. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra ngược lại.
Ông Nghĩa lấy dẫn chứng, VAMC mới ra đời hơn một tháng nay, mà các nhà đầu tư nước ngoài chờ ở cửa, “xếp hàng” để mua nợ xấu của Việt Nam, nhiều hơn cả mong đợi của chúng ta. Trong số đó, có những nhà đầu tư “cá mập” của thế giới như Blackstone Group, Deutsche Bank Capital... Về phía ngân hàng, sau một số lo ngại ban đầu cũng đã bắt đầu xếp hàng để bán lại nợ cho VAMC. Chính vì thế trong năm nay công ty mua bán nợ xấu này có thể mua tới 60.000 tỷ đồng nợ xấu.
Trả lời băn khoăn về giới hạn VAMC chỉ được phép mua khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, ông Nghĩa cho rằng, nếu điều kiện thuận lợi thì có thể “room” này sẽ được nới để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nói về những vướng mắc hiện nay, ông Nghĩa nói: Vấn đề khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại nhất khi mua nợ xấu của Việt Nam là thủ tục.
“Tôi đã hỏi 16 đoàn nhà đầu tư nước ngoài vào tìm hiểu thị trường Việt Nam, họ đều khẳng định, điều mà nhà đầu tư mong mỏi nhất là thủ tục mua nợ và bán nợ phải triển khai thật nhanh”.