Theo Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2014, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng khoảng 3%, và đạt 3,1 tỷ lít, tương ứng giá trị khoảng 4,56 tỷ USD. Như vậy, tính ra, trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 30 lít bia mỗi năm, đứng hàng thứ 50 trên thế giới.
Trong khi đó, lượng bia tiêu thụ của Việt Nam được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng cao trong tương lai. Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết theo quy hoạch phát triển ngành bia rượu, nước giải khát Việt Nam, mục tiêu của nước ta đặt ra là đến năm 2020, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia sẽ đạt 4,5 tỷ lít, tăng khoảng 1,3 tỷ lít so với hiện tại. Đây là một "mảnh đất màu mỡ" cho các nhà đầu tư ngoại đến khai phá.
Theo số liệu của Euromonitor, trong năm 2014, người Thái Lan chỉ tiêu thụ 1,93 tỷ lít bia, giảm từ 1,97 tỷ lít năm 2013. Sang năm 2015, con số này được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,89 tỷ lít. Điều này một phần giúp lý giải tại sao hàng loạt các đại gia trong lĩnh vực đồ uống Thái Lan tìm cách thâu tóm doanh nghiệp Việt trong thời gian gần đây.
Sabeco đang là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp ngoại. |
Hồi cuối năm 2014, Thai Beverage (ThaiBev), doanh nghiệp thuộc sở hữu của tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan, Charoen Sirivadhanabhakdi, đã trình bày với Chính phủ Việt Nam đề xuất muốn mua cổ phần tại Tổng công ty Cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). ThaiBev định giá công ty này ở mức khoảng 2,4 tỷ USD, và bày tỏ mong muốn nắm giữ 40% cổ phần tại đây.
Trong khi đó, một doanh nghiệp khác của Thái là Tập đoàn Singha, hãng sản xuất Singha Beer, cũng đã bày tỏ sự quan tâm với Sabeco.
Sabeco hiện chiếm lĩnh 46% thị trường bia Việt Nam, với nhiều thương hiệu như bia 333 hay Bia Sài Sòn. Chính phủ đang sở hữu hơn 89% cổ phần công ty này, và đang có kế hoạch bán tối đa 53% cổ phần cho một hoặc một vài nhà đầu tư chiến lược.
Năm 2014, Sabeco thu về 30.110 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Sản lượng tiêu thụ năm 2014 đạt 1.394 triệu lít bia, và hơn 35 triệu lít nước giải khát, lãi ròng đạt 3.049 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013.
Năm 2015, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu tăng 3% lên 31.721 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 2%, đạt 3.108 tỷ đồng.
Ngoài Sabeco, một loạt các doanh nghiệp Việt đình đám khác cũng lọt vào "mắt xanh" của các nhà đầu tư ngoại. Hồi cuối năm 2011, hãng bia lừng danh của Đan Mạch là Carlsberg đã mua toàn bộ Huda Beer (bia Huế).
Carlsberg thâm nhập thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1993, thông qua việc thiết lập liên doanh với Công ty Bia Việt Hà và Carlsberg sở hữu 60% cổ phần của liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á. Tỷ lệ vốn góp ban đầu của Carlsberg tại Việt Hà chỉ là 35%.
Năm 2007, Carlsberg đã mua lại 30% cổ phần của Công ty Bia Hạ Long và cuối năm 2007, Habeco và Carlsberg cùng nhau thành lập liên doanh mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với nhà máy công suất 50 triệu lít mỗi năm.
Năm 2008, Carlsberg được chỉ định là đối tác chiến lược của Habeco, doanh nghiệp đang chiếm 15% thị phần bia, và mua lại 16,07% cổ phần của Habeco. Hiện doanh nghiệp này đang chiếm tới 17,23%% vốn điều lệ và đang đề xuất tăng phần vốn nắm giữ lên 30%.
Việc các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước có mặt lợi là họ có nguồn lực tài chính dồi dào, công nghệ tiên tiến, từ đó, giúp doanh nghiệp có thể có những bước nhảy vọt mới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo ngại, sau khi thâu tóm được doanh nghiệp, phần lợi nhuận thu được phần lớn có thể được đưa ra nước ngoài, chứ không phải trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước khác sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt hơn.