Theo Bloomberg, một đợt bán tháo cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang diễn ra trên sàn giao dịch, dẫn đầu bởi chứng khoán của Alibaba Group Holdings Ltd.
Tâm lý lo ngại từ động thái giám sát chống độc quyền khắt khe hơn từ chính phủ Trung Quốc những ngày gần đây khiến giới đầu tư hết sức e dè, dẫn đến đợt bán tháo cổ phiếu của Alibaba, đồng thời kéo theo nhiều công ty và tập đoàn công nghệ quyền lực nhất.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc hôm 28/12 đã nâng kế hoạch mua lại cổ phiếu từ 4 tỷ USD lên 10 tỷ USD, bắt đầu có hiệu lực đến cuối năm 2022. Kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ bắt đầu từ quý này, tuy nhiên cũng không thể ngăn chặn sự sụt giảm mạnh của giá cổ phiếu. Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu Alibaba giao dịch tại Hong Kong giảm hơn 5%, xuống mức thấp nhất trong sáu tháng.
Giá cổ phiếu Alibaba lao dốc sau khi Trung Quốc công bố điều tra hoạt động độc quyền. |
Từng là biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, Alibaba và các ông lớn Internet như Tencent Holdings nay đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ giới chức quản lý bởi tốc độ phát triển và thu hút hàng trăm triệu người dùng. Hệ sinh thái Internet của Trung Quốc tuy được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của Google và Facebook, nhưng lại được thống trị bởi hai công ty lớn nhất là Alibaba và Tencent.
Hai gã khổng lồ công nghệ này nắm giữ mạng lưới đầu tư chằng chịt và rộng khắp các lĩnh vực, từ AI đến công nghệ tài chính và chi phối hầu hết khía cạnh cuộc sống. Điều này dấy lên sự dè chừng của chính quyền Bắc Kinh.
Kể từ khi mối quan hệ giữa tỷ phú Jack Ma và chính quyền Bắc Kinh không còn "cơm lành canh ngọt", giá trị Alibaba đã giảm hơn 230 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh cao. Tập đoàn của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc bị vùi dập bởi sự giám sát chặt chẽ và các cáo buộc độc quyền, phản cạnh tranh.
Tương tự, cổ phiếu của Tencent và công ty đối thủ Alibaba - JD.com Inc -cũng giảm khoảng 2% tại Hong Kong, trong khi Meituan - gã khổng lồ trong lĩnh vực giao hàng thực phẩm - tụt giảm hơn 4% do nỗi lo sợ kế hoạch chống độc quyền có thể lan rộng hơn nữa.
Trong một tuyên bố, Alibaba cho biết họ sẽ hợp tác với cơ quan quản lý trong quá trình điều tra và khẳng định hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường. Alibaba cũng dẫn đầu danh sách các công ty thua lỗ nhiều nhất kể từ sự kiện Ant Group bị buộc tạm hoãn IPO hồi tháng 11.
Chi nhánh Alibaba Health Information Technology Ltd. cũng công bố đợt sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 7/2015.
Cổ phiếu Alibaba dẫn đầu làn sóng bán tháo các mã cổ phiếu công nghệ. Ảnh: Bloomberg. |
Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường đã và đang vào cuộc điều tra Alibaba về hành vi độc quyền. Các cơ quan quản lý, bao gồm Ngân hàng Trung ương và Cơ quan giám sát Ngân hàng sẽ triệu tập riêng tập đoàn Ant Group của vị tỷ phú đến cuộc họp kín để thúc đẩy thắt chặt các quy định tài chính. Tờ Nhân dân Nhật báo khẳng định cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba là thông điệp gửi đến các đối thủ của Alibaba về nhận thức cạnh tranh bình đẳng.
Các nhà đầu tư hoang mang và hết sức thận trọng khi dự đoán thái độ của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ. Đến nay, giới chức Trung Quốc luôn hạn chế đề cập đến những kế hoạch hay động thái đối phó, kìm hãm khắc nghiệt nhắm vào Alibaba. Tuy nhiên theo nguồn tin, Bắc Kinh đang chuẩn bị đưa ra các quy định chống độc quyền mới.
Jackson Wong, giám đốc quản lý tài sản tại Amber Hill Capital, cho biết: “Chính quyền Bắc Kinh gây nhiều áp lực hơn hoặc muốn nắm quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các công ty công nghệ.
"Những công ty lớn như Alibaba, Tencent hay Meituan có áp lực bán hàng rất lớn. Các công ty này bị xem là phát triển với tốc độ quá nhanh và quy mô quá lớn", ông nói.