Hình minh họa: Reuters. |
Một trong những trọng tâm của tôi trong hơn 20 năm làm cố vấn đầu tư cho Paul Tudor Jones là liên tục cập nhật và cải tiến các hệ thống mà anh ấy dùng để đánh giá và ra quyết định đầu tư. Trên thực tế, khi tôi gặp Paul lần đầu tiên, anh ấy vừa hoàn thành một trong những giao dịch đầu tư vĩ đại nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, tận dụng hoàn toàn lợi thế của thị trường vào Ngày Thứ Hai Đen Tối năm 1987 - một dịp hiếm hoi khi thị trường sụt giảm 22% chỉ trong một ngày. Paul đã giúp các nhà đầu tư của mình thu về khoản lợi nhuận 200%, một con số gần như không tưởng.
Nhưng sau thành công đáng kinh ngạc này, anh ấy đã trở nên tự tin thái quá - một thiên kiến phổ biến mà bạn sẽ được tìm hiểu kỹ hơn trong chương này. Kết quả là gì? Anh ấy trở nên ít nghiêm khắc hơn trong việc tuân thủ các quy tắc sống còn mà mình đã tích lũy trong nhiều năm để trở thành một nhà đầu tư hiệu quả nhất có thể.
Với mục tiêu khắc phục thiên kiến này, tôi bắt đầu tìm hiểu xem hành vi đầu tư của Paul đã thay đổi như thế nào. Tôi đã phỏng vấn các đồng nghiệp và đối tác của anh (bao gồm một số các nhà đầu tư vĩ đại nhất lịch sử như Stanley Druckenmiller), xem những đoạn video quay cảnh anh ấy đang thực hiện giao dịch trong những giai đoạn huy hoàng nhất. Dựa trên những hiểu biết sâu sắc này, tôi đã làm việc với Paul để tạo ra một checklist - một bộ tiêu chí đơn giản mà anh ấy có thể sử dụng để kiểm tra và cân bằng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Ví dụ, một trong những tiêu chí chúng tôi tạo ra là trước khi thực hiện bất kỳ khoản đầu tư (hoặc giao dịch) nào, Paul phải hết lòng tin rằng đó là một giao dịch khó - tức là một giao dịch mà không phải ai cũng làm được.
Thứ hai, Paul phải tập thói quen đảm bảo khoản đầu tư đó có tỷ lệ rủi ro thấp/phần thưởng cao. Để xác định điều này, anh ấy phải tự hỏi: “Đây là một vụ đầu tư ba-ăn-một? Hay năm-ăn-một? Tôi có thể nhận được phần thưởng lớn với rủi ro thấp không? Kịch bản tốt nhất và xấu nhất là gì?”.
Thứ ba, anh ấy phải ngồi xuống và tự hỏi bản thân: “Đâu là ngưỡng quyết định của các nhà đầu tư khác? Khi nào giá sẽ xuống thấp hay cao đến mức họ sẽ tháo chạy?”. Sau đó, anh ấy phải sử dụng các thông tin chi tiết này để xác định điểm gia nhập thị trường của riêng mình, tức mức giá mục tiêu để anh ấy thực hiện vụ đầu tư. Và cuối cùng, anh ấy phải thiết lập đường lui cho chính mình nếu các dự phóng của anh hóa ra không chính xác.
Mô thức chung ở đây là gì? Bộ tiêu chí của Paul được liên kết bởi những câu hỏi mà anh ấy sử dụng để kiểm tra niềm tin của mình và đánh giá tình hình một cách khách quan hơn.
Và mặc dù các câu hỏi này tạo thành một checklist tuyệt vời cho Paul, chính tinh thần kỷ luật bản thân của anh ấy là thứ làm cho toàn bộ chuyện này có hiệu quả. Suy cho cùng, một hệ thống chỉ có hiệu quả nếu bạn sử dụng nó!
Để đảm bảo điều này, tôi đã đề nghị Paul thông báo với mọi thành viên trong đội ngũ giao dịch của anh ấy rằng họ sẽ không thực hiện bất kỳ khoản đầu tư nào trước khi trả lời được những câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra ở trên: “Đây có phải là một giao dịch khó hay không? Nó có thật sự mang lại tỷ lệ phần thưởng lớn hơn nhiều so với rủi ro không? Xác suất năm-ăn-một hay ba-ăn-một? Điểm gia nhập là gì? Điểm dừng ở đâu?”.
Không dừng lại ở đó, họ cũng được hướng dẫn không xử lý bất kỳ lệnh giao dịch nào sau tiếng cồng khai mạc. Nói cách khác, họ không được phép giao dịch vào giữa ngày làm việc. Tại sao? Bởi vì Paul nhận thấy những quyết định giao dịch được anh đưa ra trong khoảng thời gian đó thường chỉ là phản ứng nhất thời với thị trường - mua giá cao và bán giá thấp, không phát huy được lợi thế của bản thân và biếu không cho người khác những giao dịch tốt hơn.
Như bạn có thể thấy, những nhà đầu tư vĩ đại như Paul đều hiểu một sự thật căn bản: tâm lý học có thể giúp bạn bay cao nhưng cũng có thể bẻ gãy đôi cánh của bạn, vì vậy bạn cần có một hệ thống hiệu quả giúp bạn không bị chệch khỏi mục tiêu.