Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn hồi phục ấn tượng khi VN-Index leo lên lại mốc 1.050 điểm, tức tăng hơn 15% so với đáy ngắn hạn và định giá P/E cũng đã quay lại trên mức 11 lần.
Đà tăng lan tỏa khá rộng ở nhiều nhóm ngành, đặc biệt là các cổ phiếu bị giảm càng sâu có sự hồi phục lớn nhất. Thị trường đã chứng kiến nhiều mã tăng đến 40-50%, thậm chí là tăng bằng lần trong chưa đầy một tháng.
Đà tăng mạnh mẽ nhất đến từ nhóm bất động sản như cổ phiếu L14 của Licogi14 sau thời gian chiết khấu đủ sâu đã có hàng chục phiên tăng trần lên 67.200 đồng, tức tăng 267% kể từ đáy ngắn hạn.
Cổ phiếu CEO của Tập đoàn CEO cũng tăng trần nhiều phiên với mức tăng 166%. Nhiều mã bất động sản khác có mức tăng hơn gấp rưỡi đáng kể như DIG của DIC Corp, IDJ của Đầu tư IDJ Việt Nam, HQC của Hoàng Quân, DXG của Đất Xanh...
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có mức tăng ấn tượng không kém như Chứng khoán APG tăng 199% từ đáy, FTS của Chứng khoán FPT tăng 63%, VND của VNDirect tăng 55%, SSI tăng 48%. Ngoài ra nhiều cổ phiếu đầu cơ cũng tăng gấp rưỡi đến gấp đôi trong thời gian ngắn.
Lý giải về đà tăng gần đây, Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng có sự tác động của cả yếu tố bên trong và bên ngoài, nhưng yếu tố nội vẫn chi phối nhiều hơn.
"Thị trường quốc tế hồi phục chỉ tác động một phần đến chứng khoán trong nước, phần còn lại đến từ việc nhiều doanh nghiệp đã giải quyết được vấn đề thanh khoản ngắn hạn, tạo ra tâm lý tích cực cho nhà đầu tư", ông nhận định.
Thêm nữa, diễn biến tích cực vừa qua cho thấy các doanh nghiệp nhỏ đã xử lý được dòng tiền và doanh nghiệp lớn đã "dễ thở" hơn. Việc chứng khoán hồi phục đã giải quyết các vấn đề tài sản đảm bảo liên quan đến cổ phiếu.
Thị trường hồi phục ấn tượng với nhiều cổ phiếu tăng 40-50%, thậm chí tăng bằng lần khiến nhà đầu tư bắt đầu FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) mua lại chứng khoán, mong muốn sở hữu cổ phiếu đó.
Tuy nhiên, chuyên gia chứng khoán nói rằng khả năng kiếm được các mức lợi nhuận trên là không dễ dàng, bởi từ việc phân tích lịch sử giá đến lúc hành động là một câu chuyện hoàn toàn khác.
"Nhiều người bên ngoài nhìn thấy mức sinh lời 40-50% trong vài ngày khá dễ dàng, gấp nhiều lần so với lãi suất gửi tiết kiệm đang cao, nhưng thực tế việc ra quyết định mua đúng đáy rất khó", ông Hưng nói.
Nhiều người bên ngoài nhìn thấy mức sinh lời 40-50% trong vài ngày khá dễ dàng, gấp nhiều lần so với lãi suất gửi tiết kiệm đang cao, nhưng thực tế việc ra quyết định mua đúng đáy rất khó.
Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng.
Thị trường cũng tồn tại hiệu ứng "đám đông" và việc một số nhà đầu tư cố gắng đi ngược lại số đông chỉ là câu chuyện mang tính chất ngắn hạn, chưa kể có thể đoán sai xu hướng đám đông.
Do đó, chuyên gia SSI khuyến nghị nhà đầu tư cần phải nhìn vào xu hướng dài hạn và lý do khi bắt đầu mua cổ phiếu; đồng thời phải có điều chỉnh thích hợp khi thị trường tăng quá nóng hoặc giảm quá sâu.
Đơn cử như nhà đầu tư may mắn mua vào cổ phiếu vừa qua thì có thể giảm bớt tỷ trọng trong các đợt tăng nóng, chờ thời điểm tăng lại tỷ trọng khi các cổ phiếu ưa thích xuống vùng giá hấp dẫn.
Nói thêm về áp lực thị trường hiện tại, ông Hưng đánh giá áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cuối năm thường lớn nhất do thanh khoản khó khăn. Tuy nhiên, diễn biến hiện tại cho thấy các doanh nghiệp đã xử lý một phần để giảm áp lực, nhất là room tín dụng vừa được nới thêm 1,5-2%.
Theo đó, câu chuyện thị trường trong ngắn hạn đã chuyển biến tốt hơn kỳ vọng nhưng câu chuyện của năm 2023 thì vẫn còn khá mơ hồ, phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường và nhiều yếu tố cần xem xét khác.
"Áp lực tín dụng thời điểm đầu năm sẽ không cao nên thanh khoản hệ thống sẽ tốt hơn, qua đó góp phần giải quyết đáng kể vấn đề đến hạn trái phiếu doanh nghiệp, nhưng cũng không phải là bức tranh quá tích cực", vị chuyên gia lưu ý cho năm 2023.
Tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trong quý I/2023 cũng thường tích cực nhất bởi có nhiều kỳ vọng liên quan đến kết quả kinh doanh, định hướng chiến lược. Theo đó, chứng khoán thường tăng tốt hơn trong quý I và các cổ phiếu nhóm VN30 sẽ được ưa thích hơn.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...
Chứng khoán lấy lại 20 tỷ USD vốn hóa
Thị trường hồi phục mạnh mẽ cả về thanh khoản lẫn điểm số, với động lực lớn nhất vẫn đến từ dòng tiền dồi dào của khối ngoại.
Chứng khoán tăng mạnh nhất nửa năm
Động lực từ dòng vốn ngoại tiếp tục đẩy thị trường thăng hoa, VN-Index bứt phá bất ngờ trong phiên chiều để vượt mốc 1.080 điểm.
Cổ phiếu Phát Đạt mất chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp
Sau 5 phiên tăng trần liên tiếp, ngày 6/12, cổ phiếu PDR ghi nhận nhịp điều chỉnh giảm 7% xuống còn 15.500 đồng/cổ phiếu.