Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021" diễn ra ngày 28/7, bà Nguyễn Thị Việt Hà - thành viên HĐQT phụ trách Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) - chia sẻ thông tin cập nhật về giá trị giao dịch của các nhóm nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Cụ thể, vị lãnh đạo HoSE cho biết hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động đã giải quyết được tình trạng nghẽn lệnh diễn ra trên HoSE. Tuy nhiên, trái ngược với dự báo, thanh khoản thị trường lại ghi nhận xu hướng giảm mạnh từ đầu tháng 7.
Qua theo dõi thị trường, số liệu HoSE thu được cho thấy đã có thay đổi lớn trong tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường.
Giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân đang chiếm trên 83% tổng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán mỗi phiên. Ảnh: Nam Khánh. |
Giao dịch nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh
Cụ thể, giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện đã chiếm trên 83% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, trong khi mức trước đó (2019) mới là 70%.
Ngược lại, giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ chiếm khoảng 6% toàn thị trường và nhà đầu tư tổ chức trong nước chiếm 7%. Số liệu năm 2019 của hai nhóm nhà đầu tư này lần lượt là 16% và 10%.
Số liệu trên cho thấy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán hiện nay phụ thuộc rất lớn vào hành động của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Bà Hà cũng cho biết thêm vai trò của nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện rất quan trọng khi số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhóm này mở mới từ đầu năm tăng rất mạnh, thậm chí vượt số lượng trong cả năm 2020.
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), riêng tháng 6, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 140.054 tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 6 tháng đầu năm, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mới mới lên tới 619.911 tài khoản, cao hơn 58% so với số lượng cả năm 2020.
Hiện toàn thị trường chứng khoán có trên 3,394 triệu tài khoản giao dịch, thì hơn 3,344 triệu tài khoản thuộc sở hữu của nhà đầu tư cá nhân trong nước, tương đương trên 98,5%.
Trên thực tế, xu hướng nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ tiền vào thị trường chứng khoán từ năm 2020 đến nay đã giúp thị trường này liên tục lập đỉnh mới với thanh khoản tăng đột biến.
Vai trò của nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện rất quan trọng khi số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhóm này mở mới từ đầu năm tăng rất mạnh
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên HĐQT phụ trách Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE)
Số liệu của cơ quan quản lý chứng khoán cho hay thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 6 đã đạt trên 23.680 tỷ đồng về giá trị và 735,16 triệu cổ phiếu về khối lượng, tăng lần lượt 8% và 5% so với tháng trước.
Tính trong nửa đầu năm nay, giá trị giao dịch bình quân đã đạt trên 19.639 tỷ/phiên và khối lượng đạt 704,06 triệu cổ phiếu/phiên, tăng gần 200% về giá trị và 106% về khối lượng so với năm trước. Thậm chí, trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận nhiều phiên thanh khoản đạt trên 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, khi thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân giảm sút đã kéo theo thanh khoản sụt giảm.
Số liệu từ các công ty chứng khoán cho biết đến cuối quý II, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty này lên tới 86.000 tỷ đồng, tăng gần 1/3 so với quý trước và là mức cao kỷ lục. Đây đều là lượng tiền trong tài khoản giao dịch chứng khoán của các khách hàng và chưa giải ngân tại ngày 30/6.
Dòng tiền sẽ sớm trở lại
Tại buổi tọa đàm, ông Lã Giang Trung - Tổng giám đốc quỹ đầu tư Passion Investment - cho biết thanh khoản sụt giảm nhưng vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa rời khỏi thị trường chứng khoán.
Trong đó, tỷ trọng cho vay margin cao nhưng không phải giải chấp, lượng tiền sẵn trong tài khoản của các nhà đầu lớn và số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng…
“Khi thị trường có biến động lớn, nhà đầu tư có xu hướng chốt lãi và điều này ảnh hưởng tới dòng tiền. Dịch bệnh Covid cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, trong khi chưa biết khả năng khống chế đến khi nào. Điều này gây lên tâm lý chờ đợi và ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường”, ông Trung phân tích.
Vị lãnh đạo quỹ đầu tư này cho rằng nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, thanh khoản thị trường sẽ tăng trở lại.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết thanh khoản thị trường có sự chùng xuống khi dịch bệnh bùng phát.
Dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân được dự báo sớm trở lại thị trường khi dịch Covid-19 được khống chế. Ảnh: Việt Linh. |
Cụ thể, dịch bệnh đã làm thay đổi kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư từ quý II, ảnh hưởng tâm lý và quyết định giải ngân. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát tại các thành phố lớn trong tháng 8, dòng tiền sẽ sớm quay trở lại khi lượng tiền của các cá nhân đang rất lớn.
“Sự chùng xuống về mặt thanh khoản chỉ mang tính tạm thời và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới. Các thị trường trong khu vực cũng đã ghi nhận giảm 10-15% trong giai đoạn đỉnh dịch nên với thị trường trong nước, dòng tiền sẽ quay lại khi dịch được khống chế”, ông Minh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thanh khoản thị trường sụt giảm có thể nhìn theo 2 hướng. Thanh khoản giảm cho thấy bên mua không dám mua, nhưng điều này cũng cho thấy bên bán không muốn bán mà đang chờ vào ổn định của nền kinh tế.
Theo bà Lam, tốc độ tiêm chủng vaccine sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm ý nhà đầu tư. Trường hợp có thể đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine tại các thành phố lớn, thị trường chứng khoán sẽ sớm hồi phục.
“Tuy nhiên, quan điểm của VDSC là thời kiếm tiền dễ đã đi qua, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ hơn cho các quyết định đầu tư sắp tới. Việc đầu tư không thể nhìn ngắn hạn mà có thể phải nhìn sang năm 2022-2023”, bà Lam chia sẻ.