Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà đầu tư BOT sụt giảm nguồn thu, Bộ GTVT đề xuất tăng phí 49 dự án

Bộ GTVT đang nghiên cứu đề xuất tăng phí tại hàng chục dự án BOT với mức tăng từ 12-18% để đảm bảo nguồn thu cho nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vừa ký văn bản xin ý kiến 5 bộ và 17 địa phương về dự thảo báo cáo sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT để báo cáo Chính phủ.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tình trạng sụt giảm lưu lượng và không tăng phí theo đúng lộ trình đang khiến hàng chục dự án BOT có nguy cơ vỡ phương án tài chính.

Nhà nước phải chi 3.000 tỷ nếu không tăng phí

Bộ GTVT cho biết giai đoạn từ năm 2018 đến 2021, có 49 dự án BOT phải tăng mức phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng. Theo đó, năm 2018 sẽ tăng phí cho 2 dự án, năm 2019 là 35 dự án, năm 2020 là 10 dự án và năm 2021 là 2 dự án.

de xuat tang phi 49 BOT anh 1
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong nhiều nhà đầu tư sụt giảm doanh thu dù có lưu lượng phương tiện lớn. Ảnh: Ngọc Tân.

Theo quy định tại Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính, lộ trình tăng phí tại các dự án BOT dự kiến 3 năm một lần, mỗi lần tăng từ 12-18% tùy từng dự án.

Bộ GTVT cho biết nhiều nhà đầu tư BOT đã có báo cáo đề nghị tăng phí. Nếu Nhà nước không chấp thuận sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sụt giảm doanh thu, làm vỡ phương án tài chính của dự án, tạo nợ xấu từ các khoản vay đầu tư BOT.

Trong bối cảnh Nhà nước đang kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT lo ngại các hệ lụy này ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. 

Trong dự thảo báo cáo gửi Chính phủ, Bộ GTVT nêu ra 2 phương án. Phương án 1 là tăng phí ngay trong giai đoạn 2018 - 2021. Phương án 2 là trì hoãn việc tăng phí theo hợp đồng đến năm 2022. Bộ lưu ý phương án 1 có nhiều ưu điểm.

Với phương án trì hoãn tăng phí đến năm 2022, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2022 để đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính. Cụ thể, Nhà nước sẽ đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng về việc không tăng phí theo hợp đồng, sau đó dùng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ phần thiếu hụt theo phương án tài chính của dự án.

Nguy cơ gây bất ổn tại nhiều dự án

Trong dự thảo báo cáo, Bộ GTVT viện dẫn kết quả nghiên cứu tại quốc lộ 1 cho thấy lợi ích mang lại từ việc tiết kiệm nhiên liệu, thời gian, khấu hao xe sau khi cải tạo, mở rộng đường so với trước đây tăng bình quân 5%. Bộ khẳng định phương án tăng phí tại các trạm cơ bản không ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng thừa nhận phương án Nhà nước bỏ ngân sách đền bù cho nhà đầu tư sẽ hạn chế những ảnh hưởng xấu đến tình hình thu phí đang dần ổn định tại các trạm BOT. Việc người dân và doanh nghiệp vận tải đã chấp nhận một mức phí cố định sau đó phải thích nghi với khung giá mới là điều không dễ dàng.

de xuat tang phi 49 BOT anh 2
Nhà đầu tư BOT cầu Bến Thủy từng bị phản đối gay gắt khi đề nghị tăng phí. Ảnh: CTV.

Năm 2016, trạm thu phí Quán Hàu ((huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) vấp phải sự phản đối gay gắt của các tài xế sau khi điều chỉnh mức phí tối thiểu tăng từ 20.000 đồng/lượt lên 35.000 đồng/lượt. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại BOT cầu Bến Thủy (Nghệ An) khi người dân nhận được thông tin nhà đầu tư kiến nghị tăng phí.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, thống nhất với quan điểm Nhà nước phải đảm bảo các cam kết ghi trong hợp đồng với nhà đầu tư BOT.

Tuy nhiên, cần phân định rõ 2 nhóm dự án BOT. Ông Quyền cho rằng các dự án đã được quyết toán, người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song song để đi thì có thể điều chỉnh tăng phí theo quy định.

"Với trạm BOT có vấn đề như đặt sai vị trí, chưa quyết toán, nâng cấp trên tuyến có sẵn khiến người sử dụng không có quyền lựa chọn... thì phải giải quyết triệt để vấn đề rồi mới cho điều chỉnh tăng phí", đại diện Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam nêu quan điểm.

Về việc Bộ GTVT căn cứ Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính để đáp ứng yêu cầu tăng mức thu phí cho dự án, ông Quyền cho rằng chỉ các dự án BOT chấp hành nghiêm tất cả các quy định mới đủ điều kiện áp dụng thông tư.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì cho rằng khoản ngân sách 3.000 tỷ của Nhà nước để đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư là không quá lớn. Ngược lại, việc tăng phí BOT nếu không thực hiện công khai minh bạch có thể gây bức xúc cho người dân.  

Phải nộp phí vô lý qua trạm T2, người dân có thể khởi kiện Bộ GTVT

Luật sư cho rằng người dân có thể khởi kiện Bộ GTVT nếu có căn cứ chứng minh đơn vị này phê duyệt vị trí đặt trạm thu phí T2 làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp.



Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm