Chiều 29/5, UBND tỉnh An Giang cho biết đã phê duyệt danh sách đề nghị giảm 50% giá vé cho 334 phương tiện vận tải qua Trạm T2 nằm trên quốc lộ 91 thuộc địa bàn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Các phương tiện giảm giá gồm: xe tải, xe hợp đồng, xe taxi của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa tỉnh An Giang.
Ôtô dừng ở làn thu phí Trạm T2 phản ứng việc thu phí bất hợp lý. Ảnh: Minh Anh. |
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT An Giang sẽ gửi danh sách 334 phương tiện này đến chủ đầu tư BOT 91 là Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang.
Năm ngày trước, Tổng cục Đường bộ có công văn gửi đến UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang và cơ quan hữu quan về việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ đối với Trạm T2.
Tổng cục Đường bộ đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá cho các phương tiện qua Trạm T2 trong khu vực lân cận mới trên địa bàn Đồng Tháp. Các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ tiếp tục rà soát các phương tiện thuộc diện được giảm giá và phối hợp với chủ đầu tư thực hiện việc này.
Cầu Vàm Cống thông xe vào ngày 19/5 vừa qua và hoàn toàn miễn phí cho người dân. Ảnh: Anh Minh. |
Như Zing.vn đã thông tin, sau khi cầu Vàm Cống khánh thành vào ngày 19/5, nhiều tài xế đã dừng phương tiện tại Trạm T2 phản ứng việc thu phí bất hợp lý tại Trạm T2.
Các tài xế cho rằng, họ chỉ sử dụng đoạn đường rất ngắn khoảng 300 m nhưng phỉ trả phí cho toàn tuyến quốc lộ 91 được nâng cấp là không hợp lý.
Tài xế yêu cầu “họ đi bao nhiêu mét trả tiền bấy nhiêu”, mong muốn trả phí qua Trạm T2 với giá 2.000 đồng cho đoạn đường khoảng 300 m.
Tài xế không chịu mua vé theo mức giá quy định tại đây và cho phương tiện dừng ở các làn thu phí dẫn đến ùn ứ giao thông.
Sau đó, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu chủ đầu tư cho dừng thu phí tạm thời tại Trạm T2 để tính toán phương án và thực hiện giảm giá cho các phương tiện.
Tuyến tránh TP Long Xuyên chưa hoàn thành nên phương tiện từ An Giang phải qua trạm thu phí T2 mới đến được cầu Vàm Cống. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |