Chiều 25/2, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết Bộ Giao thông Vận tải đang lắng nghe các ý kiến để tổng hợp, xác định thời gian cụ thể thu phí trở lại với BOT Cai Lậy. Dự kiến trong tháng 3/2019, BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại.
Trong 5 phương án đối với BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cho biết lựa chọn phương án giữ nguyên vị trí trạm thu phí hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá dịch vụ cho người dân khu vực lân cận trạm BOT.
Theo Bộ GTVT, phương án này có nhiều ưu điểm như hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án tương tự có đầu tư tuyến tránh, đảm bảo mục tiêu đầu tư dự án, tránh ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho trung tâm thị xã Cai Lậy.
Ngoài ra, phương án này không phải bổ sung chi phí xây dựng trạm thu phí, chi phí tổ chức thu và đảm bảo việc an toàn giao thông thông suốt, không phá vỡ phương án tài chính của dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, chủ trì họp báo tại Tiền Giang vào chiều 25/2. Ảnh: Minh Anh. |
“Tỉnh Tiền Giang sẽ họp với các sở, ngành và công an, các cơ quan có trách nhiệm đảm bảo trật tự, an ninh khi thu phí trở lại. Đối với doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ phối hợp xử lý những bất cập xảy ra và không tạo bất đồng giữa doanh nghiệp và người dân”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nói.
Tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm họp với các sở ngành, lực lượng công an phối hợp đảm bảo an ninh trật tự.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết thêm công an tỉnh đã có phương án đảm bảo an ninh trật tự tại BOT Cai Lậy.
“Công an tỉnh đã có xin ý kiến Bộ Công an và có phương án đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các huyện thị xã, rà soát các hộ kinh doanh trong 10 xã, thống kê tất cả phương tiện, làm việc với nhà đầu tư, Tổng cục đường bộ để cấp thẻ miễn, giảm”, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang nói.
Trạm BOT Cai Lậy vào trưa 25/2. Ảnh: Minh Anh. |
Theo ông Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Cai Lậy), sau hơn một năm dừng thu phí, nhà đầu tư lỗ hơn 130 tỷ đồng.
“Việc giảm giá là biện pháp cuối cùng, nếu tài xế dùng tiền lẻ thì biện pháp của nhà đầu tư là xả trạm, đếm tiền và năn nỉ tài xế”, ông Cường nói trong cuộc họp tại Tiền Giang vào chiều 25/2.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), cho biết số tiền nhà đầu tư báo lỗ, hiện nay pháp luật không có quy định nào để hỗ trợ. Bộ GTVT sẽ rà soát lại các điều khoản hợp đồng BOT, tín dụng để xem xét.
Theo Bộ GTVT, phương án 1, mức giảm giá tối đa cho tất cả các phương tiện qua trạm thu phí Cai Lậy (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng 57%...) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận khoảng 10 km.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu được thu phí từ đầu tháng 8/2017. Trạm BOT này được lập ra để hoàn vốn cho Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km, với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng.
Vị trí trạm thu phí để hoàn vốn đặt tại khoảng Km 1999+900, quốc lộ 1. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang làm chủ đầu tư vấp phải sự phản đối gay gắt của các tài xế. Bộ GTVT đã trình lên Thủ tướng 5 phương án "giải cứu" BOT Cai Lậy và Bộ GTVT đề xuất lựa chọn phương án giữ nguyên BOT đồng thời giảm mức phí.
BOT Cai Lậy (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |