Chiều 15/1, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết cấp có thẩm quyền đã chấp thuận chủ trương giữ nguyên trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) nhưng giảm mức phí cho phương tiện đi qua trạm.
Tài xế tụ tập phản đối BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cuối năm 2017. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cụ thể, mức phí xe loại 1 (xe dưới 12 chỗ, ôtô tải dưới 2 tấn) sẽ giảm từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng. Các loại xe khác cũng giảm tương tự. Chính sách miễn giảm phí cho người dân địa phương cũng thay đổi theo hướng tăng bán kính lên 10 km quanh trạm thu phí (trước đây là 4 km).
Đi cùng với việc giảm phí, thời gian thu phí sẽ kéo dài từ 7 năm lên 13 năm.
Trước đó, Bộ GTVT đã trình lên Thủ tướng 5 phương án "giải cứu" BOT Cai Lậy sau khi trạm thu phí này vấp phải sự phản đối gay gắt của các tài xế. Bộ GTVT cũng đề xuất lựa chọn phương án giữ nguyên BOT Cai Lậy, đồng thời giảm mức phí.
Bộ GTVT cũng cân nhắc phương án xóa bỏ BOT Cai Lậy. Theo đó, Bộ sẽ đề xuất đàm phán nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng tương tự như hợp đồng BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao). Cách này sẽ dùng vốn Nhà nước thanh toán dần cho nhà đầu tư từ năm 2019 đến 2026. Tuy nhiên, số tiền thanh toán hàng năm có thể phát sinh lên hơn 2.000 tỷ đồng.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu được thu phí từ đầu tháng 8/2017. Trạm BOT này được lập ra để hoàn vốn cho Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km, với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang làm chủ đầu tư.