Theo South China Morning Post, GSX Techedu - một công ty giáo dục có trụ sở tại Bắc Kinh - đang chứng kiến giá trị vốn hóa bốc hơi nhanh chóng trong bối cảnh giám sát ngày càng chặt chẽ của chính quyền Bắc Kinh đối với lĩnh vực đào tạo ngoài trường học.
GSX có trụ sở tại Bắc Kinh, từng huy động được 200 triệu USD trên sàn Nasdaq vào năm 2019. Tuy nhiên, đợt bán tháo khổng lồ đã khiến giá cổ phiếu giao dịch của công ty này sụt giảm kỷ lục 52% chỉ trong 2 ngày, ngay sau khi quỹ đầu tư Archegos trở thành tiêu điểm trong vụ margin call gây chấn động Phố Wall gần đây.
Đây cũng trở thành một trong những tổn thất nghiêm trọng nhất của ông Bill Hwang Sung-kok - người sáng lập quỹ đầu tư Archegos Capital Management đang gây xôn xao trong cộng đồng Phố Wall những ngày qua.
GSX trải qua đợt giảm giá cổ phiếu mạnh nhất trong lịch sử. Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu nổi tiếng khác của Trung Quốc như Baidu, Tencent Music, Vipshop, iQiyi và các mã blue-chip của Mỹ như ViacomCBS và Discovery cũng bị ảnh hưởng bởi vụ bán tháo gây chấn động.
Cổ phiếu công ty giáo dục trực tuyến GSX giảm mạnh 52% chỉ trong 2 ngày. |
Ông Larry Chen Xiangdong - nhà sáng lập kiêm CEO GSX cho biết đà lao dốc của cổ phiếu công ty hôm thứ Sáu phản ánh lo ngại của thị trường về các chính sách liên quan đến việc đào tạo K-12 sắp tới của chính phủ Trung Quốc, cũng như những e ngại về quan hệ Mỹ-Trung.
"Nhưng lý do quan trọng nhất là do một quỹ đầu tư Mỹ đang thua lỗ lớn, dẫn đến phải bán hết cổ phiếu GSX để xoay sở", ông nói thêm.
Cổ phiếu GSX hoạt động khá tốt trên thị trường, bất chấp cuộc tấn công của những người bán khống. Dù đối mặt với cuộc khủng hoảng bán tháo gần đây, giá đóng cửa của cổ phiếu GSX vẫn giữ mức 32 USD/cổ vào ngày 29/3, cao gấp ba lần giá chào bán ra công chúng lần đầu vào tháng 6/2019.
Là một trong những nền tảng đào tạo trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, GSX có hơn 50 triệu sinh viên đăng ký theo học với hơn 9.000 môn học. Ngoài cung cấp dịch vụ dạy kèm trực tuyến sau giờ học cho học sinh trong nước, công ty còn cung cấp thêm các khóa học ngôn ngữ và các lớp luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS hoặc thi viết tiếng Hoa.
GSX được thành lập vào năm 2014 do ông Chen Xiangdong đứng đầu. Công ty nhanh chóng thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm như Gaorong Capital và QF Capital, đồng thời tiến hành lên sàn vào năm 2019. Trước khi đối mặt với cuộc khủng hoảng bán tháo, GSX có lợi nhuận khoảng 20 triệu nhân dân tệ (2,9 triệu USD) trong năm 2018.
Bản cáo bạch của công ty cũng tiết lộ doanh thu tăng trưởng ba con số liên tiếp. Doanh thu của GSX lần lượt tăng 307% và 432% trong hai năm 2018 và 2019.
Kết quả tài chính tích cực của GSX dấy lên nhiều nghi ngờ, trong đó có nghi vấn thổi phồng số lượng người dùng bằng bot và làm giả doanh thu. Citron Research đã gọi GSX là "vụ gian lận chứng khoán Trung Quốc trắng trợn nhất kể từ năm 2011".
GSX bị tố lừa đảo, phóng đại doanh số lên đến 70% trong năm 2019. Ảnh: Shanghaii Daily. |
Mặc dù bị đưa vào tầm ngắm của các nhà đầu tư Phố Wall, giá cổ phiếu của GSX vẫn tăng mạnh trong năm ngoái khi doanh thu của công ty tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, dữ liệu tài chính chưa kiểm toán của công ty trong năm ngoái lại tiết lộ một bức tranh kém tươi sáng.
Trong năm 2020, GSX công bố khoản lỗ hàng năm 1,39 tỷ NDT (211 triệu USD), giảm mạnh so với lợi nhuận ròng hơn 226 triệu NDT (34 triệu USD) hồi năm 2019. Mặc dù tăng trưởng hơn 136%, công ty vẫn bị lỗ do chi phí marketing tốn kém khi thị trường giáo dục trực tuyến của Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, GSX còn đối mặt với thử thách khác. Giống các công ty Trung Quốc khác niêm yết trên sàn giao dịch của Mỹ, GSX phải gửi báo cáo tài chính được kiểm toán cho cơ quan giám sát kiểm toán Mỹ xem xét trong vòng 3 năm nếu muốn tiếp tục được niêm yết ở đây.
Chương trình giáo dục K-12, mảng đóng góp vào khoảng 90% doanh thu của GSX, cũng bị chính phủ Trung Quốc giám sát chặt chẽ hơn. Đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả các chương trình đào tạo ngoài trường học như GSX là một "vấn đề xã hội" và đánh giá thị trường giáo dục ở Trung Quốc đang rất "hỗn loạn".