Sử dụng sai công năng, sai mục đích cho thuê giá bèo, bỏ hoang, góp vốn để liên doanh thì chỉ có lỗ… Đó là câu chuyện của hàng trăm địa chỉ nhà, đất công do Nhà nước trực tiếp quản lý trên địa bàn TP.HCM nhiều năm qua.
Đầu tư hàng chục tỷ đồng rồi chờ đập
Ngôi chợ Tân Phú thuộc địa bàn phường Tân Phú, quận 9, có diện tích gần 5.500 m2, nằm cách quốc lộ 1A khoảng vài trăm mét. Ngôi chợ này được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2006. Tuy nhiên, chỉ hoạt động cầm chừng khoảng một năm thì rơi vào tình trạng “vắng như chùa bà Đanh”.
Từ đó cho đến nay đã 12 năm, ngôi chợ này vẫn nằm trùm mền.
Có mặt tại chợ Tân Phú, chúng tôi thấy hơn chục năm bỏ hoang, cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Những kiốt bỏ không nhiều năm đã hoen gỉ, nhiều hạng mục đã hư hỏng. Theo UBND quận 9, chợ Tân Phú hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 3/2006. Kinh phí xây dựng thời điểm đó là 2,5 tỷ đồng với 340 kiốt.
“Khu đất vàng” của quận 1, nhà đất số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, được cho thuê với giá cực rẻ. Ảnh: PLO. |
Tại quận 6, trường tiểu học Trần Văn Kiểu nằm trên đường Vành đai, phường 10 cũng bỏ hoang hơn chục năm nay. Ngôi trường này có diện tích hơn 6.500 m2, được xây dựng từ năm 2004 với kinh phí đầu tư xây dựng gần 20 tỷ đồng.
Ngay từ khi mới đưa vào sử dụng thì đã có hiện tượng lún sụt nền, gây hư hỏng kết cấu chịu lực, hệ bao che và công trình phụ trợ như sân, nền, nhà vệ sinh, cầu thang thoát hiểm. Ban quản lý dự án quận 6 (chủ đầu tư) khắc phục nhưng bất thành. Đến năm 2010, sau 6 năm sử dụng thì ngôi trường này buộc phải đóng cửa, do hư hỏng quá nặng.
Theo ông Lê Tấn An, Phó chủ tịch UBND quận 6, quận đã chỉ đạo chủ đầu tư là Ban quản lý dự án quận 6 tiến hành khắc phục, sửa chữa với kinh phí khoảng 6,4 tỷ đồng. Kết quả là tình hình sụt lún có giảm nhưng vẫn còn. Trong tháng 3/2018, Sở Xây dựng có văn bản báo cáo UBND TP.HCM, đề xuất hai phương án: Hoặc tháo dỡ một phần bị hỏng nặng hoặc tháo dỡ hoàn toàn để đầu tư xây dựng lại theo hình thức PPP.
Sau 14 năm xây dựng và 8 năm bỏ hoang thì số phận ngôi trường có tổng vốn cả đầu tư và sửa chữa đã lên đến 26 tỷ đồng vẫn chưa biết thế nào. Hiện ngôi trường này là một công trình hoang phế, xuống cấp trầm trọng.
Thà bỏ hoang, không trả lại đất cho thành phố
Đó là tình cảnh tại nhiều khu đất do các đơn vị trực thuộc trung ương quản lý, sử dụng. Đáng nói là địa phương không làm được gì, thậm chí việc kiểm tra tình trạng sử dụng cũng rất khó khăn.
Điển hình như khu đất 620 Kinh Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân, có diện tích hơn 9.000 m2. Khu đất này được thành phố giao cho Công ty Cổ phần Hóa-Dược phẩm Mekophar (thuộc Bộ Y tế) sử dụng từ năm 2004. Ghi nhận của chúng tôi, hiện trạng của khu đất có các công trình nhà, văn phòng làm việc nhưng đã hư hỏng, xuống cấp, không còn sử dụng được.
Tương tự là khu đất hơn 2.500 m2 của Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (thuộc Bộ Xây dựng) tại địa chỉ 516 Kinh Dương Vương. Xuống khảo sát tận nơi thì thấy cơ sở vật chất đã cũ kỹ, xuống cấp, chỉ còn một chốt bảo vệ có nhân viên trông coi khu đất.
Khu đất có diện tích hơn 14.000 m2 tại 538 Kinh Dương Vương, quận 6 hiện vẫn là một khu đất trống, hoang tàn. Ảnh: PLO. |
Tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết: “Ngay cả chính quyền địa phương cũng rất khó tiếp cận các khu đất này. Khi cán bộ quận xuống kiểm tra hiện trạng sử dụng thì bị từ chối cho vào bên trong, nên chỉ có thể đứng bên ngoài nhìn vào”.
Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND quận 3, cũng thừa nhận đất công do các đơn vị trực thuộc bộ, ngành trung ương trên địa bàn sử dụng rất lãng phí. Tuy nhiên, quận 3 không có thẩm quyền nên “không dám nêu ý kiến”.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND quận 9, cũng lắc đầu khi nhắc đến các trường hợp này.
Bên cạnh đó, một số khu đất trước đây do các bộ, ngành trung ương quản lý, sau đó giao về cho thành phố thì vẫn tiếp tục bỏ trống.
Chẳng hạn như khu đất có diện tích hơn 14.000 m2 tại 538 Kinh Dương Vương. Trước đây khu đất này được giao cho Công ty Phân bón Miền Nam (thuộc Bộ Công nghiệp) quản lý, sử dụng. Năm 2011, TP.HCM đã có văn bản thu hồi, giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, nhưng đến nay vẫn là một bãi đất trống với nhà cửa trên đất cũ kỹ, hoang tàn, đầy cỏ dại và rác rưởi.
“Đất vàng” cho thuê giá bèo của 24 năm trước
Trong chương trình giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM, một thông tin đáng giật mình là giá thuê nhà đang được áp dụng theo giá được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm… 1994!
Các công ty dịch vụ công ích quận, huyện cho biết rất nhiều lần có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM ban hành bảng giá mới, nhưng đến nay thành phố vẫn chưa có ý kiến. Do đó các quận, huyện tự tính giá cho thuê khác nhau và rất nhiều đơn vị tự đưa ra giá nhưng không thông qua thẩm định và phê duyệt của UBND TP.HCM.
Nằm ngay “khu đất vàng” của quận 1, nhà đất số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé đang do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý. Nhà, đất này có diện tích khuôn viên 771 m2 với diện tích sử dụng gần 10.000 m2.
Năm 2007, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP ký hợp đồng cho Công ty Vạn Thịnh Phát thuê khu đất với giá 135.000 USD/tháng (trung bình hơn 13,5 USD/m2/tháng). Thời hạn thuê 20 năm, từ năm 2007 đến 2027. Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, hiện nay Vạn Thịnh Phát cho thuê lại với giá khoảng 28 USD/m2/tháng.
Ghi nhận của PV, địa chỉ nhà, đất tại số 8 Nguyễn Huệ hiện là cao ốc 12 tầng. Vạn Thịnh Phát đang cho rất nhiều đơn vị khác thuê lại làm văn phòng. Khi PV trong vai người đến hỏi thuê thì được biết là đã hết chỗ. Theo khảo sát, giá thuê văn phòng trên đường Nguyễn Huệ dao động 30-50 USD/m2/tháng, hơn gấp ba lần giá mà Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM cho Vạn Thịnh Phát thuê.
Cũng một địa chỉ “đất vàng” khác, mặt tiền số 201 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3 cũng được cho thuê giá rẻ bèo.
Diện tích khuôn viên của căn biệt thự này là 1.413 m2, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM đã ký hợp đồng cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển xây dựng thuê 234 triệu đồng/tháng, trong thời hạn 2003-2017. Tính ra bình quân mỗi mét vuông khoảng 166.000 đồng. Hiện đơn vị thuê vẫn sử dụng và cho thuê lại một phần.
Chẳng những vậy, nhiều khu đất cho thuê bị “xù” nợ.
Công ty Dịch vụ công ích quận 6 có 13 trường hợp nợ thuê đất kéo dài với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Trong đó có 4 trường hợp người thuê đã “xù” nợ và bỏ trốn. Đến nay, quận 6 cũng như Công ty Dịch vụ công ích vẫn chưa tìm ra giải pháp giải quyết.
Tại Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP. HCM, số nợ tiền thuê nhà, đất công lên đến gần 74 tỷ đồng. Số tiền này được doanh nghiệp này báo cáo là nợ khó đòi và đang khởi kiện ra tòa án để đòi và thu hồi nhà, đất.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP.HCM, thành phố có gần 13.000 địa chỉ nhà, đất công. Trong đó đa phần sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. HĐND TP.HCM ghi nhận đa phần các quận, huyện đều có nhà, đất công bị bỏ trống.
Cụ thể như quận 6 (tám địa chỉ), quận 3 (năm địa chỉ), quận Bình Tân (17 địa chỉ)… Riêng huyện Hóc Môn đang quản lý một khối lượng địa chỉ nhà, đất công “khủng” là hơn 1.100 ha.
Có hàng trăm địa chỉ nhà, đất công đủ diện tích lớn nhỏ đang bỏ trống. Mới đây Thanh tra TP.HCM có báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng nhà, đất công trên địa bàn thành phố. Trong 103 mặt bằng có sai phạm thì có tới 26 mặt bằng bỏ trống, gây lãng phí.