Ngôi nhà cổ tọa lạc trên tầng thượng của một căn biệt thự ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khiến nhiều người đi qua tò mò bởi lối kiến trúc độc đáo, kết hợp nét truyền thống bên trong một công trình hiện đại, bề thế. |
Công trình này thuộc sở hữu của anh Nguyễn Văn Vũ và vợ là chị Quỳnh Liên. Tổng diện tích một mặt sàn là 460 m2, riêng diện tích ngôi nhà thờ cổ là 100 m2. |
Nhìn từ xa trên đường đê Liên Mạc, ngôi nhà nổi bật hẳn lên. Phía bên ngoài ốp nền gạch tường chịu lửa giả cổ. |
Chị Quỳnh Liên chia sẻ trước kia, gia đình sở hữu một căn nhà thờ cổ, xung quanh hàng xóm chưa xây dựng nhiều nên không gian rất thoáng. Nhưng khi nhà tầng mọc lên liên tục, ngôi nhà bị bí và lọt thỏm. Với tuổi đời hơn 100 năm, gia đình tính toán căn nhà cổ sẽ xuống cấp, do đó cần sửa chữa để sử dụng được lâu dài. Ngoài ra, gia đình có truyền thống 4 đời làm nghệ thuật điêu khắc, nên cũng mong muốn có thêm không gian để trưng bày sản phẩm. Chính vì thế, chị Liên cho biết công trình độc đáo này ra đời. |
Chị Quỳnh Liên cho biết cùng chồng đã mất khoảng 2 năm để lên ý tưởng thiết kế căn nhà kết hợp giữa cổ điển và hiện đại. Trong 1 năm thi công (từ tháng 2/2020), vợ chồng chị phải tự chỉnh sửa khá nhiều cho tới khi ưng thì thôi. "Chúng tôi muốn căn biệt thự vừa là nơi lưu giữ, bảo tồn ngôi nhà thờ cổ, vừa là chỗ để bố mẹ ở cho gần gũi, thân quen. Anh chị em họ hàng cảm thấy rất vui khi biết vợ chồng tôi giữ lại được căn nhà cổ vì đây là nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm của mọi người thời xưa", chị Quỳnh Liên chia sẻ. |
Chị Liên cho biết trước khi đưa lên tầng thượng, toàn bộ căn nhà thờ cổ phải hạ giải, đưa về một xưởng gỗ ở huyện Quốc Oai để tu sửa rồi mới đưa trở lại lên nóc căn biệt thự. Cấu trúc nhà gỗ cổ truyền của nhà thờ vẫn được giữ nguyên với cột kèo gỗ, mái ngói vảy cá và 3 gian 2 chái. |
Lối bài trí truyền thống vẫn được duy trì, có đủ phản, sập gụ, bàn ghế tràng kỷ. Ban thờ phật nhỏ ở phía trên, rồi đến ban thờ gia tiên, ban thờ quan thần linh. Các bức hoành phi, câu đối cả trăm năm tuổi vẫn được giữ nguyên. Gia đình bổ sung một vài chi tiết trong thiết kế như sàn gỗ, nhà vệ sinh khép kín, cửa sổ bằng kính... để phù hợp với lối sống hiện đại. |
Phần mái, gia chủ dùng gỗ mít truyền thống để làm bộ đỡ. Ngói mới được đặt làm riêng theo nguyên mẫu ban đầu. |
Tại khuôn viên tầng thượng, gia đình chị Liên trang trí thêm tiểu cảnh, hồ cá... với lối bài trí thuần Việt. Ngoài ra, nhiều sản phẩm do gia đình anh chị Liên làm ra như tượng phật, cặp nghê... cũng được trưng bày quanh sân. |
Điểm nổi bật khác trong cấu trúc cách tân của công trình này là nền gạch sân không dùng gạch đỏ mà lát gạch trắng. Theo gia chủ, căn nhà ở trên cao dễ bắt nắng nên lát gạch trắng sẽ giảm đi, điều đó làm nền nhà mát hơn. Đồng thời, các vật trang trí sẽ nổi bật, không bị lẫn màu. Bậc thềm bước vào gian nhà cổ cũng được thay đổi, nhìn mới mẻ, hiện đại. "Mình duy trì và phát triển chứ không chỉ dựng lại như lối cổ xưa, cảnh quan phù hợp lối sống hiện tại, cách tân hơn", chị Liên giải thích thêm. |
Xung quanh nhà cổ, chị Liên cho trồng các loại cây như táo, mít, khế, ổi, hoa giấy, tường vi... làm cho không gian mát mẻ hơn. |
Tổng thể thiết kế căn biệt thự có 5 tầng. Trong ảnh là không gian tầng 1 để tiếp khách, tầng lửng làm phòng treo tranh, bảo tàng điêu khắc của gia đình. Tầng 2 là phòng trưng bày các sản phẩm điêu khắc của công ty sản xuất, tầng 3 là phòng sinh hoạt của gia đình, tầng 4 là nhà thờ cổ và nơi ông bà ở, trưng bày các tác phẩm khác. Cuối cùng, tầng 5 là phòng tập gym và phòng kỹ thuật. |
Mái trần tầng 5 thiết kế không gian như một công viên, vừa là nơi vui chơi của con cháu, vừa có thể là nơi tụ tập thưởng thức món nướng BBQ của gia đình. |
Hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt xung quanh không gian ngôi nhà. |
Nhờ hệ thống đèn, căn nhà nổi bật, lung linh hơn khi trời tối. |