Với tài diễn thuyết và khả năng thu hút quần chúng, Nguyễn An Ninh là "thần tượng" của thanh niên Việt Nam đương thời. |
GS. Trần Văn Giàu khẳng định nhà cách mạng Nguyễn An Ninh là thần tượng của rất nhiều thanh niên Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ trước.
Giới trẻ hiện nay chắc không thể hình dung những năm 20 của thế kỷ trước “thần tượng” của giới trẻ và đông đảo đồng bào lại là người thanh niên yêu nước, có tài diễn thuyết này.
"Chọc trời khuấy nước"
Nguyễn An Ninh sinh ngày 15/9/1900 trong một gia đình có truyền thống Nho học, giàu lòng yêu nước tại làng Long Thượng, tổng Phước Điền Thượng, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Do tốt nghiệp trung học loại ưu, ông được tuyển thẳng vào Trường Cao đẳng Luật Hà Nội. Sau 2 năm học Luật, giữa năm 1918, ông trốn sang Pháp học mà không có hộ chiếu.
Trong cuốn hồi ký 41 năm làm báo, nhà báo kỳ cựu Hồ Hữu Tường (1910-1980) dành những dòng thán phục dành cho nhà báo - nhà cách mạng dấn thân, nhiệt tình và tràn đầy lòng yêu nước này: “So sánh với tất cả trong nhóm, Ninh là một đàn anh có một ngôi sao sáng chói hơn tất cả trên bình diện dư luận quốc tế. Từ năm 1921, Ninh đã cùng với những nhà trí thức tiền phong của nước Pháp, đầu cắt tóc dài, như lấy búa mà chặt ngon lành chấn một phát ngay nơi ót, cổ đeo nơ buộc chùm gọi là Lavaillière, tung đầy ngực, ôm sách của Gide đương làm say mê thanh niên là Les nourritures terrstres (Dưỡng chất trần gian) mà cuốc bộ trên hè đường xóm La tinh, đi mỏi chơn (chân) thì chun (chui) vào một quán bình dân mà lập những kế hoạch chọc trời khuấy nước…”.
Những việc “chọc trời khuấy nước” mà Nguyễn An Ninh và các đồng chí của ông thực hiện ngay tại Paris bao gồm: “Xuất bản tạp chí Cách Mạng, tung hô phong trào văn nghệ tiền phong”. Do đó, sau này, đám bạn bè của Nguyễn An Ninh đều trở thành những ngôi sao sáng của nghệ thuật và văn chương của “kinh đô ánh sáng”.
Theo sách Nguyễn An Ninh - Tác phẩm (NXB văn học), thì trong năm 1921 này, Nguyễn An Ninh gia nhập tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa và tích cực tham gia biên tập cho Báo Le Paria (Người cùng khổ) cùng Nguyễn Ái Quốc.
Thời gian này, ông góp mặt vào nhóm “Ngũ long” nổi tiếng cùng với các nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, được đồng bào Việt kiều ở Pháp rất mến phục, nhưng cũng là những cái gai rất khó chịu trong con mắt chính quyền Pháp, nhất là Bộ Thuộc địa.
Giáo sư Trần Văn Giàu, trong lời tựa cuốn Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, đã viết: “Một thuở, Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh, thanh niên chúng tôi”.
Trong những năm giữa thập niên 1920, Nguyễn An Ninh liên tiếp có những chuyến đi về liên tục từ Pháp đến Việt Nam, và với tài hùng biện của mình, ông đã nhiều lần tổ chức diễn thuyết, khơi gợi tinh thần yêu nước trong thanh niên và quần chúng và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân.
Nhà diễn thuyết tài ba
Lần thứ nhất trở về từ Pháp, Nguyễn An Ninh có cuộc ra mắt công chúng Nam Kỳ tại Hội khuyến học Nam Kỳ, số 34, đường Aviateur Garros (nay là đường Thủ khoa Huân) vào buổi tối ngày 25/1/1923.
Tại đây, ông có cuộc diễn thuyết bằng tiếng Pháp “Une Culture pour les Annamites” (Một nền văn hóa cho người An Nam). Ông kêu gọi mọi người dân Việt Nam: “Noi theo cái học thức Pháp, đặng mở mang trí dân, rộng tư tưởng của dân, làm cho dòng giống tráng kiện, mau thoát cái ách nô lệ”.
Lần thứ hai từ Pháp về nước, Nguyễn An Ninh lại diễn thuyết bằng tiếng Pháp tại Hội Khuyến học Nam Kỳ ngày 15/10/1923. Bài diễn thuyết lần này có tiêu đề “L’idial de la Jeunesse Annamite” (Lý tưởng của thanh niên An Nam), với nội dung thúc giục đồng bào, nhất là thanh niên, thức tỉnh khỏi sự u mê, lầm lạc về văn hóa lúc ấy đang bị chôn vùi trong những tư tưởng phong kiến lạc hậu. Bài diễn thuyết sau đó được đăng trên tờ La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông rè) số 5 và số 6 ngày 7 và 14/1/1924.
Sau này, năm 1926, chính Nguyễn An Ninh dịch bài diễn thuyết ra tiếng Việt với tiêu đề “Cao vọng của bọn thanh niên An Nam” và in thành sách khổ nhỏ bỏ túi bán cho nhân dân.
Hai bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh đã gây tiếng vang lớn trong giới thanh niên trí thức ở Sài Gòn. Giới chức cầm quyền thực dân Pháp rất khó chịu. Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Cognacp đã triệu Nguyễn An Ninh lên gặp. Không mua chuộc được ông cộng tác với chính quyền, hắn hăm dọa rồi ra lệnh cấm ông không được diễn thuyết hay tụ họp đông người ở bất cứ đâu.
Không thể diễn thuyết, Nguyễn An Ninh dùng báo La Cloche Fêlée để đấu tranh. Do sự o ép của chính quyền thực dân, báo chỉ ra được 19 số và đình bản ngày 14/7/1924.
Tháng 1/1925 ông sang Pháp với mục đích chính là đón Phan Châu Trinh về nước. Ngày 26/6/1925, Nguyễn An Ninh cùng Phan Châu Trinh từ Pháp về đến Sài Gòn. Hai ông chủ trương tái bản Báo La Cloche Fêlée. Lần này, Phan Văn Trường lĩnh trách nhiệm Chủ nhiệm báo do ông có quốc tịch Pháp.
Đến năm 1935, sau khi dựng xong tờ báo La Lutte (Tranh đấu), Nguyễn An Ninh lại tìm cách thoát ra đi, cưỡi chiếc xe đạp với một cặp đầy dầu cù là mà bán khắp nơi, với lý do “để kiếm tiền nuôi vợ con, nên không rảnh mà viết” để che mắt mật thám Pháp.
Với tiếng tăm và tài nói chuyện của ông, thì “đi đến đâu, thì dân bu theo đó “để mua dầu cù là” và cũng để nghe ông diễn thuyết về cách mạng”.
Hồ Hữu Tường cho rằng, Nguyễn An Ninh thành công nhờ đem đến cho quần chúng hai thứ thuốc. “Có thứ cù là thiệt thì thoa xức ngoài da. Và dân chúng muốn thứ cù là kia để xức những vết thương lòng, do chế độ thực dân gây nên”.
Do các hoạt động cách mạng, Nguyễn An Ninh bị chính quyền thực dân bắt giam tới năm lần. Lần thứ năm, ông bị bắt ngày 5/10/1939 và bị kết án 5 năm tù, đày đi Côn Đảo. Do chế độ nhà tù hà khắc, ông mất ngày 14/8/1943, khi mới 43 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào cả nước.