Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà Bè hứng trận mưa lớn thứ 2 trong 43 năm

Trong 12 giờ, huyện Nhà Bè (TP.HCM) ghi nhận lượng mưa lớn thứ 2 trong lịch sử quan trắc tại khu vực từ năm 1978 đến nay.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết trong cuộc họp báo thông tin về tình hình thời tiết các tháng tới trên cả nước, diễn ra chiều 15/4.

Thông tin về tình hình mưa dông ở Nam Bộ thời gian qua, ông Hưởng cho hay từ 19h ngày 14/4 đến 7h sáng 15/4, lượng mưa ghi nhận được ở trạm quan trắc Nhà Bè (TP.HCM) là 109 mm. Đây là lượng mưa trong ngày lớn thứ 2 tại khu vực trong 43 năm qua, chỉ nhỏ hơn năm 2009.

Trả lời câu hỏi của Zing về dự báo mùa mưa năm nay tại Nam Bộ, chuyên gia cho biết La Nina (trạng thái nước biển lạnh hơn một cách bất thường) đang dần chuyển sang pha trung tính, nhưng vẫn duy trì trong vài tháng tới.

Ảnh hưởng của trạng thái này khiến mùa mưa ở Nam Bộ đến sớm hơn và khả năng xuất hiện những cơn mưa lớn hoặc đặc biệt lớn, tập trung vào cuối mùa.

mua lon o huyen Nha Be TP.HCM anh 1

Huyện Nhà Bè (TP.HCM) hứng trận mưa lớn đêm qua và sáng 15/4. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

10 ngày cuối tháng 4, TP.HCM và nhiều tỉnh lân cận tiếp tục đón thêm các trận mưa dông chuyển mùa. Người dân đặc biệt lưu ý các hiện tượng thời tiết cực đoan đi kèm như lốc, sét và gió giật mạnh.

Ngày 29-30/4, Nam Bộ có thể đón một đợt triều cường, đồng thời khiến xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng. Sau đó, triều cường xuất hiện rải rác trong các tháng mùa mưa và cao điểm vào cuối năm.

Tháng 11-12 năm nay, phía Nam có thể đón các đợt triều cường kéo dài 1 tuần. Triều cường thường xuất hiện vào sáng sớm hoặc tối muộn nên sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn thời kỳ này có xu hướng giảm so với những tháng qua. Riêng trên sông Cái Lớn, xâm nhập mặn gia tăng ngày 15-24/4 và 29-30/4 với mức độ tương đương đợt đầu tháng 3.

Nhận định chung về thời tiết thời gian tới, chuyên gia cho biết cả nước đang bước vào giai đoạn chuyển mùa nên người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

"Mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm. Còn tại Bắc Bộ, mưa lớn diện rộng sẽ gia tăng từ nửa cuối tháng 8, có thể xuất hiện mưa cực đoan", ông Hưởng cho biết.

Theo chuyên gia, từ tháng 9 trở đi, mưa dịch dần xuống các tỉnh miền Trung. Giai đoạn chính của mùa mưa ở miền Trung là các tháng 10-11, khu vực khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn, cực đoan.

Dù vậy, mùa bão năm nay trên Biển Đông có thể không khốc liệt như năm 2020. Đại diện cơ quan khí tượng nhận định số lượng cơn bão và áp thấp năm nay xấp xỉ trung bình nhiều năm, 10-13 cơn.

Các tháng 6-8, bão tập trung tác động đến khu vực Bắc Bộ. Từ tháng 9 đến tháng 11, các tỉnh, thành ở Trung Bộ và Nam Bộ đề phòng ảnh hưởng từ những cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Lần đầu tiên kể từ đầu năm, TP.HCM có mưa buổi sáng

TP.HCM mưa do ảnh hưởng từ xoáy áp thấp ở Vịnh Thái Lan di chuyển vào đất liền Việt Nam.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm