Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nhà báo Phan Đăng: 'Bạn bè sợ tôi đi tu'

Sau nhiều năm trên cương vị thư ký tòa soạn báo chí, Phan Đăng, tác giả sách "39 câu hỏi cho người trẻ", đã quyết định nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian cho một hướng đi mới.

MC, nhà báo Phan Đăng được biết đến là một bình luận viên thể thao, sau đó nổi tiếng với vai trò MC chương trình Ai là triệu phú. Anh cũng là tác giả của các cuốn sách Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi, Trong đầu trí thức, 39 câu hỏi cho người trẻ, 39 cuộc đối thoại cho người trẻ. Tuy vậy, ít người biết công việc full-time của Phan Đăng là làm việc tại báo Công an Nhân dân.

Mới đây, Phan Đăng quyết định nghỉ việc ở nơi mà anh gắn bó trong 13 năm qua. Rời vị trí thư ký toà soạn tờ An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng (một trong năm ấn phẩm của báo Công an Nhân dân) được cho là bước ngoặt của Phan Đăng khi rời con đường ổn định để đi tìm con người khác trong mình. Anh nêu những quan điểm về sự thay đổi, sự nghiệp và những lựa chọn

Dừng chạy trốn

- Có những ý kiến nêu vị trí và những cơ hội anh đang nắm giữ là sự ổn định mà nhiều người khao khát có được. Thế nhưng anh đã quyết định thay đổi. Tại sao anh có quyết định này và anh có quan điểm như thế nào về hai chữ “ổn định”?

- Cho đến trước sự thay đổi này, tôi vẫn đang là thư ký tòa soạn tờ An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng. Nhiệm vụ của tôi là trực tiếp viết bài và tổ chức, sản xuất nội dung cho ấn phẩm. Đúng! Đây là một sự ổn định. Tôi nghĩ nếu duy trì nó thì mình vẫn sống ổn thôi.

Tôi phải nói rằng mình đã được tòa soạn rất trân trọng. Tôi có một chế độ nhuận bút khác, không phải đến cơ quan, không phải tham gia các cuộc họp thường xuyên của báo. Từ đời tổng biên tập Hữu Ước, người đã mời tôi về báo, sau đó là tổng biên tập Phạm Văn Miên và bây giờ tổng biên tập Phạm Khải, chế độ đặc biệt dành cho tôi vẫn không đổi. Về mặt đãi ngộ, tôi biết ơn họ. Tôi vẫn luôn ghi nhớ những con người ở đấy.

Tuy nhiên, cách đây khoảng hơn 5 năm, tôi có một tổn thương sâu sắc. Nó khiến tôi nằm triền miên trong các bệnh viện. Dạ dày đối diện với nguy cơ chảy máu liên tục. Cứ uống thuốc Tây được một thời gian lại chuẩn bị bục. Đối mặt với tổn thương, tôi lao vào công việc. Một lúc tôi làm ba kênh YouTube, làm MC, và vẫn làm thư ký tòa soạn như đã nói. Đến mức có một thời gian dài tôi không biết cảm giác đi ra đường buổi tối, trừ những buổi đi làm MC.

Tôi lao vào công việc và nghĩ rằng nó là cách để thoát khỏi những tổn thương bên trong. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi hiểu đó chính là một sự chạy trốn. Mà nguyên lý của tổn thương là: bạn càng chạy trốn, nó càng ám ảnh.

Vào một buổi sáng rất kỳ diệu ở trong bệnh viện, sau một giấc mơ đặc biệt, tôi bỗng nhớ tha thiết đến hình tượng Đức Phật, và những phương pháp trị liệu mà ngài để lại. Tôi đọc kinh sách từ nhỏ, nhưng lúc ấy, chỉ mới tiếp cận đến Phật giáo ở khía cạnh tâm linh.

Sau này lớn lên, tôi chuyển sang tiếp cận Phật giáo ở khía cạnh triết học, và từng say sưa trong thế giới triết học đó. Nhưng phải đến lúc này tôi mới đủ chín, đủ ngộ, và đủ duyên để tiếp cận Phật giáo ở phương diện trị liệu. Cụ thể là các phương pháp thiền định và thiền tuệ (Vipassana).

Từ một người say sưa lý thuyết tôi chuyển sang thực hành, tôi áp dụng từ thiền ngồi cho đến thiền đi, thiền đứng, từ thiền ăn thiền uống cho đến thiền buông thư. Đặc biệt nhất, hai phép quán thân và quán tâm trong thiền tuệ (Vipassana) giúp tôi nhận ra: mình phải thừa nhận tổn thương - phải đối mặt với tổn thương - phải thực hành quan sát/chánh niệm với nó từng ngày. Và thế là tôi cứ thực tập từng ngày.

Nha bao Phan Dang anh 1

Nhà báo Phan Đăng. Ảnh: Đức Huy.

Điều kỳ diệu đã xảy ra: Những tổn thương trong tôi dần bé lại. Bây giờ nó còn không? Vẫn còn? Nhưng tôi không chạy trốn nó nữa, không sợ hãi nó nữa. Việc hành thiền giúp nội lực trong tôi dày lên, và bây giờ thậm chí tôi có thể gọi nó: này tổn thương ơi, hãy hiện lên đi. Mình sẽ dắt tổn thương đi chơi trong công viên tâm trí của mình. Chữa lành, về mặt sâu thẳm không phải là cắt đứt tổn thương, rất khó cắt đứt được, mà là tạo được một nội lực dày dặn để có thể bình tĩnh dắt tổn thương đi chơi. Càng ngày tôi càng nhận ra điều đó.

Sau khi đã chữa lành được cho mình, tôi đã chia sẻ phương pháp này với những người anh em bạn bè đã hoặc đang có những tổn thương giống mình.

Khi tôi chia sẻ trung thực câu chuyện của tôi, nhiều người bạn cũng chia sẻ trung thực câu chuyện của họ, và tôi mới nhận thấy, hóa ra trong đời sống hiện đại này có quá nhiều tổn thương bị giấu kín. Đáng sợ nhất là có những người không biết mình đang bị tổn thương, đến khi nó bung ra, vỡ ra thì nguy hiểm.

- Sau 5 năm chữa lành những thương tổn, anh đã thấy mình khác đi như thế nào?

- Tôi sống chậm lại để thưởng thức từng khoảnh khắc của cuộc sống. Trước đây, tôi nói nhanh, nói nhiều, nói tông giọng cao. Bây giờ tự nhiên thấy mình nói chậm, nói ít, nói tông giọng trầm. Nó trầm rất tự nhiên, đến mức chính tôi còn không nhận ra. Phải đến khi những người sống cùng nhận xét, và cho tôi xem lại những chương trình tôi làm ngày xưa thì tôi mới nhận ra sự thay đổi.

Chúng ta thường mải mê nhìn về những cái đích nên không cảm nhận được sâu sắc từng bước chân mình.

Trước đây, khi thấy một cái đích, tôi đặt ra kế hoạch phải đi thật nhanh tới đích. Tôi nghĩ, phải cán đích mới hạnh phúc. Còn giờ đây, tôi nhận ra hạnh phúc nằm trong mỗi bước chân mình đi, mỗi hơi thở ra - vào, nếu mình đủ tinh tấn và chánh niệm

Thiền sư Lâm Tế từng nói rằng: “Điều kỳ diệu không phải là đi trên mặt nước. Điều kỳ diệu là đi trên mặt đất”. Chúng ta thường mải mê nhìn về những cái đích nên không cảm nhận được sâu sắc từng bước chân mình. Nếu tỉnh thức, một bước chân chạm xuống mặt đường, ta cảm nhận được sự giao thoa màu nhiệm của chân ta và nền đất phía dưới.

- Vậy Phan Đăng của hiện tại sẽ là người luôn hướng đến việc sống sao cho trọn vẹn từng phút giây?

- Tôi không dám nói là mình thưởng thức được. Tôi chỉ dám nói là mình đang nỗ lực để thưởng thức được. Bởi trải nghiệm tỉnh thức là cả một quá trình, đòi hỏi sự tinh tấn và chánh định mỗi ngày.

Một nẻo đường chữ nghĩa mới nảy nở

- Điều gì khiến anh viết sách hướng tới bạn đọc trẻ?

- Tôi đã viết hai cuốn 39 câu hỏi cho người trẻ39 cuộc đối thoại cho người trẻ. Những trang viết đó là nhu cầu của một gã trẻ có tên Phan Đăng “phẩy” đang cựa quậy bên trong cái gã mà mọi người vẫn gọi là “Nhà báo Phan Đăng”. Đúng là tôi viết trước hết cho “người trẻ” ở trong mình, sau đó hy vọng có thể chia sẻ được ít nhiều với các độc giả trẻ ngoài mình.

39 câu hỏi cho người trẻ là sự tổng hợp các kiến thức đông tây kim cổ, triết học, khoa học và các nền văn minh để người trẻ có được một sự tóm lược đơn giản và dễ hiểu sự vận động của thế giới bên ngoài. 39 cuộc đối thoại cho người trẻ là cuộc gặp gỡ của với 39 nhân vật cũng để trò chuyện về những đời sống nhân sinh bên ngoài.

Về cơ bản, hai cuốn sách mô tả sự vận động của thế giới bên ngoài. Và hai quyển sách này cũng chính thức đóng lại một hành trình viết lách hướng ra bên ngoài của tôi. Bây giờ tôi không viết kiểu này nữa.

Bây giờ tôi viết những thứ hướng vào thế giới bên trong, với những vận động muôn sắc màu của tâm trí bên trong. Tháng 6 tới, tôi sẽ ra mắt một cuốn sách mới có tên 39 đoản thiền để thấy. Đó là 39 vận động tâm thức giúp người đọc quay vào, nhìn thấy những thứ bên trong mình.

Bản thảo đã xong, họa sĩ đang vẽ minh họa, chỉ chờ ngày trình làng. Hiện tại, tôi đang viết tiếp cuốn nữa, để giới thiệu một bộ công cụ giúp chúng ta có thể quay vào, kiến tạo hạnh phúc bền vững ở bên trong mình.

Nha bao Phan Dang anh 2

Hai cuốn sách hướng đến bạn đọc trẻ của tác giả Phan Đăng. Ảnh: FBNV.

- Sự chuyển biến cách viết phản ánh sự thay đổi của anh trong đời sống như thế nào?

- Tôi từng say mê tìm kiếm tri thức về thế giới bên ngoài. Sau khi gặp những tổn thương, tôi bắt đầu chuyển sang đọc sách về tâm thức, vận động nội tại con người. Không chỉ thay đổi về công việc hay mục đích, sự chuyển biến của tôi xoay quanh ba vấn đề chính: cách đọc, cách viết và cách tương tác với đời sống.

Con người phải tinh tấn để làm dày cái bên trong chứ không phải lúc nào cũng cầu mong hoàn cảnh bên ngoài đi đúng ý mình.


Càng ngày tôi càng nhận ra cái tâm bên trong rất quan trọng. Khi rơi vào nghịch cảnh, Nếu không đủ sự dạn dĩ, chúng ta sẽ bị quật ngã. Cho nên, theo Đức Phật, con người phải tinh tấn để làm dày cái bên trong chứ không phải lúc nào cũng cầu mong hoàn cảnh bên ngoài đi đúng ý mình.

- Đây là cuốn sách thứ ba và anh vẫn tiếp tục sử dụng con số 39. Tại sao con số này có ý nghĩa với anh đến vậy?

- 39 là con số nằm trong cõi thiêng của tôi. Mà đã là cõi thiêng thì cho phép tôi không nói gì về nó cả. Rất xin lỗi bạn.

- Anh nghĩ cuốn sách mới của mình sẽ kết nối với độc giả ra sao?

- Trong cuốn 39 đoản thiền để thấy tôi không sử dụng các lý thuyết suông mà truyền tải thông điệp qua các câu chuyện cụ thể, đơn giản, dễ hiểu. Cuốn sách sẽ có 5 chương, nói về rất nhiều khía cạnh khác nhau của tâm thức như sự ăn/thua, đố kị, giận dữ… Tôi hy vọng là độc giả sẽ có một trải nghiệm thú vị với nó.

- Nhìn lại những thay đổi của bản thân, đặc biệt là quyết định mới đây, anh có cho rằng nó là một bước ngoặt đúng đắn?

- Tôi nghĩ rằng ai cũng chỉ có một đời để sống, để trải nghiệm. Tuy nhiên nếu ta chỉ có một mình, ta giải quyết bài toán đó quá dễ. Vấn đề là ta luôn có một hậu phương phía sau, gia đình, người thân… Cho nên phải cân đối làm sao để vừa có thể sống là mình mà không vô trách nhiệm với người thân.

Khi tôi dừng công việc báo chí để trải nghiệm công việc tâm thức, một vài anh em thân thiết rất sợ tôi sẽ đi tu. Bởi họ biết tôi thường đi vào một số ngôi chùa để đọc kinh và đàm đạo với các quý thầy.

Thậm chí một vài thầy từng khuyên tôi: Phan Đăng xả ly đi. Vậy mà bạn biết không, đến bây giờ tôi vẫn chưa quy y Tam Bảo. Và chắc chắn ở hiện tại, cũng không hề có ý định đi tu. Không hề!

Tôi đã và vẫn nghĩ đi tu không phải là cách duy nhất để ứng dụng giáo lý của Đức Phật. Mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh/điều kiện của mình có thể áp dụng giáo lý một cách biến hóa khác nhau. Tôi rất sợ đọc kinh sách mà chấp hết vào câu chữ trong kinh sách, học giáo lý mà áp dụng giáo lý một cách rập khuôn, máy móc. Bám dính/rập khuôn/máy móc như thế có khi chính Đức Phật cũng không hài lòng.

Hiện nay tôi có một cháu 6 tuổi, một cháu 3 tuổi rưỡi, và mặc dù đã từ bỏ nghề báo để sống với những trải nghiệm tâm trí của mình, tôi vẫn không quên mình đang là một người bố, phải có trách nhiệm kiếm tiền nuôi con, cho đến khi các cháu trưởng thành. Một quý thầy bảo tôi: “Đến khi nào hai cháu nhà Phan Đăng trưởng thành, kiểu gì Phan Đăng cũng đi tu”. Tôi bảo: Con chỉ đang sống trong hiện tại và cho hiện tại thầy ơi. Sống trọn vẹn với hiện tại này. Tâm con không phóng về tương lai nữa.

- Liệu anh nghĩ rằng những thay đổi này có nên đến sớm hơn không?

- Vạn vật do duyên mà thành, hết duyên mà diệt. Khi nào đủ duyên thì mọi sự sẽ đến, nằm ngoài cái ý thức sớm/muộn của chúng ta.

'Chất vấn thói quen' của Phan Hoàng thổi bùng ngọn lửa đam mê

Khi cầm trên tay tập thơ "Chất vấn thói quen" của Phan Hoàng, tôi tò mò đọc để tìm lý do khiến các diễn đàn thơ sôi nổi thảo luận đến vậy...

Trình Quang Phú - cái tình với non sông, cái tình nghệ sĩ

Cuốn sách của tác giả Trình Quang Phú ghi lại những kí ức của tác giả về 25 nhà văn - nghệ sĩ danh tiếng của Việt Nam.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm