"Họ (quân đội Myanmar) đã đưa chúng tôi (các tù nhân phe đối lập) đến trung tâm thẩm vấn ở Mingaladon", Nathan Maung (44 tuổi, quốc tịch Mỹ) nói với CNN.
Theo nhà báo này, khi ở Mingaladon, ông bị đánh đập, không cho uống nước trong hai ngày và bị bỏ đói trong ba ngày.
Cũng theo lời kể của ông Maung, các tù nhân ở trung tâm thẩm vấn nói trên đã bị còng tay và bịt mắt trong suốt 2 tuần bị giam giữ.
"Đầu tiên, họ bịt mắt và còng tay, sau đó bắt đầu tra khảo. Họ thường xuyên đá vào mặt, tay và vai của chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi trả lời, bất kể đúng hay sai, họ đều đánh chúng tôi, liên tục trong ba ngày", ông Maung nói. Ông Maung nói ông đã chuẩn bị tinh thần để chết ở trung tâm thẩm vấn.
Nhà báo Nathan Maung, 44 tuổi. Ảnh: Reuters. |
Ông Maung là một trong 6.200 người bị bắt kể từ khi quân đội Myanmar, do tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo, lên nắm quyền trong cuộc binh biến vào ngày 1/2. Quân đội đã lật đổ chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi và tiến hành trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
Ông Maung đồng thời là một trong số ít nhất 88 nhà báo bị bắt kể từ khi quân đội lên nắm quyền Ông Maung bị trục xuất về Mỹ vào ngày 15/6, theo CNN.
Nhà báo 44 tuổi cũng thông tin thêm rằng nhân viên ở trung tâm thẩm vấn ngừng đánh đập ông khi phát hiện Maung là công dân Mỹ.
"Họ ngừng đánh tôi và chất vấn xem liệu tôi có làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hay không", ông Maung kể lại. "Tôi đáp 'không' và bảo rằng tôi là nhà báo".