“Bất kể tôi đã sống bao lâu, tôi cũng không nghĩ rằng mình có thể tin được làm cách nào nước Mỹ, với tất cả nguồn lực giàu có và năng lực kỹ thuật lớn mạnh, cũng như sức mạnh về học thuật như vậy, lại mộng du chìm vào thảm họa đang diễn ra”, ông Kupferschmidt nói với New York Times.
Bình luận của nhà báo khoa học Đức đưa ra vào thời điểm số ca nhiễm virus corona tại Mỹ vượt 100.000, khiến siêu cường số một thế giới đang đối mặt với tình trạng nguy hiểm về thiếu hụt máy thở, khẩu trang và xét nghiệm. Tới ngày 10/4, tổng số người nhiễm virus corona tại Mỹ đã vượt 500.000. Mỹ cũng trở thành nước đầu tiên ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong vì virus corona trong một ngày, khi có 2.108 ca tử vong trong 24 giờ qua, theo thống kê của Đại học John Hopkins.
Tổng số ca tử vong ở Mỹ đã lên tới 18.568, và bám sát con số 18.849 ca tử vong của nước đứng đầu thế giới là Italy, tính đến sáng sớm 11/4.
Hôm 10/4, trong một diễn biến được cho là đánh dấu căng thẳng mới nhất giữa Đức và đồng minh - hai nước đồng minh lâu đời, trong khủng hoảng dịch bệnh, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bình luận rằng Mỹ ứng phó với Covid-19 quá chậm chạp.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: Reuters. |
“Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiên quyết trong khi ở Mỹ, virus corona bị coi nhẹ một thời gian dài”, Ngoại trưởng Đức nói với tạp chí Der Spiegel. “Đó là hai thái cực đối lập, đều không thể là hình mẫu cho châu Âu”.
Đức là một trong những quốc gia hồi tuần rồi đã cáo buộc Mỹ hành xử kiểu “Miền Tây hoang dã” khi hét giá cao hơn hoặc chặn các lô hàng vật tư y tế đã được họ thỏa thuận mua từ trước.
Ngoại trưởng Đức nói với Der Spiegel rằng ông hy vọng Mỹ sẽ suy nghĩ lại về các mối quan hệ quốc tế của mình trong bối cảnh khủng hoảng vì Covid-19. "Hãy xem các hành động nẫng tay trên của chính phủ Mỹ sẽ dẫn đến những tranh cãi về cách mô hình 'Nước Mỹ trên hết' hoạt động thực tế ra sao", ông Mass nói.