Cuộc gọi đầu tiên đến vào ngày 11/3. Đó là lúc Roberto Biglioli biết người mẹ 81 tuổi của mình, bà Giuseppina, đã qua đời vì virus corona.
Cuộc gọi tiếp theo đến chỉ 6 ngày sau đó. Ông Biglioli là một bác sĩ gần Bergamo, thành phố miền bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại Italy.
"Đó là cuộc gọi mà mặc dù biết trước là nó sẽ đến, nhưng không ai trong đời mình lại muốn nhận nó. Cha tôi cũng rời bỏ chúng tôi", ông Biglioli chia sẻ.
Một người phụ nữ bế con chào ông trên tầng 2 tại Cremona, Italy. Quốc gia này đang cố gắng để bảo vệ những người lớn tuổi trước virus corona. Ảnh: Wall Street Journal. |
Lo lắng cho những người già của Italy
Người dân Italy ở khắp nơi trên đất nước đang cực kỳ hoảng sợ, lo ngại rằng cha mẹ họ hoặc ông bà họ sẽ là nạn nhân tiếp theo. Họ có lý do cho điều này: Dịch Covid-19 đã giết nhiều người Italy nhất so với ở những nơi khác, và phần lớn người ra đi đều hơn 60 tuổi.
Giờ đây cả đất nước đang cố gắng để bảo vệ tầng lớp dân số này. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng với cuộc sống hàng ngày đã làm lung lay một giá trị cơ bản nhất của Italy - đó là gia đình.
Lối sống của người Italy rất đặc biệt so với phần còn lại của phương Tây, và nó đã giúp đất nước này vượt qua những thời kỳ khó khăn. Nhưng cũng chính giá trị đó lại khiến quốc gia này bị tổn thương nặng nề bởi đại dịch.
Hai hoặc ba thế hệ sống chung một mái nhà là điều phổ biến ở Italy, một văn hóa gia đình rất khác so với các nước Tây Âu. Ở đây, ông bà chăm nom cho các cháu hàng ngày, và bố mẹ sẽ chăm sóc cho ông bà khi họ già đi.
"Thói quen của chúng ta cần phải thay đổi, ngay bây giờ. Chúng ta đều cần phải từ bỏ điều gì đó vì sự tốt đẹp của Italy. Khi tôi nói đến Italy, tôi muốn nói đến những người đáng quý với chúng ta, cha mẹ chúng ta, ông bà của chúng ta", Thủ tướng Giuseppe Conte nói hôm 10/3 khi Italy trở thành quốc gia đầu tiên ở phương Tây phong tỏa toàn bộ đất nước.
Cha xứ ban phước cho các nạn nhân tử vong vì Covid-19 tại nhà thờ San Giuseppe ở Seriate, cách thành phố Bergamo 4 km về phía nam. Ảnh: AP. |
60 triệu dân của Italy được yêu cầu ở nhà, trừ khi họ chứng mình được rằng mình cần phải ra ngoài, để đi làm hoặc mua nhu yếu phẩm. 14 triệu người trên 65 tuổi thậm chí còn được khuyến cáo hoàn toàn không nên ra khỏi nhà. Những người khác được yêu cầu tránh xa người cao tuổi để bảo vệ họ khỏi sự lây nhiễm.
"Sống trong sợ hãi"
Ông Umberto Cremasoli, 77 tuổi và vợ mình thường gặp hai cháu gái sinh đôi của họ gần như mỗi ngày. Sau khi một ca nhiễm Covid-19 được phát hiện gần thị trấn Casalpusterlengo của họ, hai người thậm chí còn được gặp các cháu nhiều hơn.
Chính phủ đóng cửa toàn bộ trường học và nơi giữ trẻ ở khu vực này, và ông Cremasoli cùng vợ trở thành người trông trẻ bất đắc dĩ vì bố mẹ chúng vẫn phải đi làm. Khi các ca nhiễm bệnh ngày càng tăng lên ở vùng Lombardy, thậm chí việc gặp các cháu cũng trở nên nguy hiểm.
Những ngày này, không ai được phép vào căn hộ của họ, thậm chí cả hai đứa cháu vì chúng cũng có thể mang mầm bệnh. Hai ông bà không đi ra ngoài, vì thực phẩm và thuốc men được đưa tới tận cửa nhà họ.
"Chúng tôi sống trong sợ hãi. 'Bạn có thể mang bệnh và bạn có thể lây cho tôi'. Đó là cảm giác mà chúng tôi đều có", ông Cremasoli chia sẻ.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, ông Cremasoli và vợ đều là những người "ham chơi". Vợ của ông, bà Maria Antonietta Scarioni, 68 tuổi, gặp bạn bè của mình gần như mỗi ngày ở tiệm cà phê gần nhà. Bà cũng đang học tiếng Tây Ban Nha và học khiêu vũ ở trung tâm dành cho người cao tuổi.
Bà biết ít nhất 3 người ở câu lạc bộ khiêu vũ đã nhiễm virus. 2 người trong số này đã qua đời.
"Một trong số họ nhảy rất đẹp", bà Scarioni nói.
"Nó đảo lộn cuộc sống của chúng tôi vì chúng tôi buộc phải ở nhà. Nhưng chúng tôi phải tuân thủ quy đình", bà nói thêm.
Ông Umberto Cremasoli và vợ, bà Maria Antonietta Scarioni, đã ở nhà tại thị trấn Casalpusterlengo từ ngày 10/3, khi có lệnh phong tỏa toàn quốc. Ảnh: Wall Street Journal. |
Dữ liệu toàn cầu cho thấy virus corona trở nên chết chóc hơn với người lớn tuổi, và điều đó đặc biệt là một vấn đề với Italy, nước có dân số già (trên 65 tuổi) lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Nhật Bản. Nó cũng giúp lý giải tại sao tỷ lệ tử vong ở đây lại cao nhất thế giới, hơn cả Trung Quốc.
Hiện Italy vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào dưới 20 tuổi tử vong vì Covid-19. Trong khi với các bệnh nhân trên 60 tuổi, tỷ lệ tử vong tăng vọt. 16% bệnh nhân trong độ tuổi 70 đã qua đời, trong khi đó tỷ lệ này ở những bệnh nhân 80-89 tuổi lên tới 24%.
Cô đơn vì được bảo vệ
Tỷ lệ tử vong thực tế có thể thấp hơn, vì hiện tại ở Italy chỉ có những bệnh nhân với triệu chứng nặng hoặc đã tử vong mới được xét nghiệm Covid-19.
Thêm vào đó tại vùng Lombardy tâm dịch, việc hệ thống y tế bị quá tải cực độ đã khiến cho các bác sĩ buộc phải chọn lựa điều trị cho những bệnh nhân có nhiều cơ hội sống sót hơn, điều này nghĩa là những người trẻ và khỏe mạnh sẽ được ưu tiên hơn những người già và ốm yếu. Đây cũng là một điều góp phần lý giải tỷ lệ tử vong cao ở những bệnh nhân lớn tuổi.
Nhận thức rõ được tình hình, rằng những người thân lớn tuổi của mình sẽ không thể nhận được sự chăm sóc y tế tối đa, ưu tiên của các gia đình Italy lúc này là làm sao để tránh cho những người già không bị nhiễm virus.
Bà Gianna Besson, 70 tuổi, đã không được ra khỏi nhà trong vòng 2 tuần qua, sau khi 2 người con trai của bà không cho phép mẹ mình rời khỏi căn hộ ở khu Trastevere của Rome. Một người con sống cùng tòa nhà và không dám tới gần mẹ vì sợ lây bệnh cho bà. Anh mang thức ăn và thuốc men tới đặt bên ngoài cửa, bấm chuông và rời đi trước khi bà có thể nhìn thấy. Và cũng để hạn chế tiếp xúc, người lau dọn cũng không còn tới nhà bà nữa.
Các nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân cao tuổi ở Pradalunga, phía bắc Italy hôm 15/3. Ảnh: New York Times. |
"Chúng quyết định rằng tôi cần phải giữ mình trong căn hộ vì tôi có nguy cơ cao hơn chúng. Tôi đang miễn cưỡng nghe theo mệnh lệnh của chúng", bà Besson nói. Trước lệnh phong tỏa, bà có rất nhiều việc để làm, từ làm phim tài liệu cho đến một lớp học làm gốm. Và sự cô đơn đang là điều khó khăn nhất mà bà phải chịu đựng.
"Tôi cảm thấy cần phải chạm vào ai đó. Thậm chí không cần đến một cái ôm. Chỉ là tay ai đó chạm vào mà thôi. Tôi rất muốn rời khỏi căn hộ với lý do đi mua thuốc. Tôi thật sự muốn làm điều đó. Nếu không có con thì tôi đã đi ra ngoài rồi", bà Besson chia sẻ.
"Tình yêu khiến mọi thứ dễ dàng hơn"
Tại thành phố phía bắc Turin, dưới chân dãy Alps, bà Anna Marcone 64 tuổi đang làm tất cả có thể để bao bọc người mẹ 94 tuổi của mình khỏi thế giới bên ngoài. Bác sĩ vật lý trị liệu không còn đến nhà 2 lần mỗi tuần nữa. Thợ làm tóc cũng vậy, và các buổi kiểm tra y tế bị tạm hoãn.
Những ngày này, bà Marcone sẽ vừa làm bác sĩ trị liệu vừa là thợ làm tóc cho mẹ mình.
"Tôi đang dần trở thành một thợ làm tóc hoàn hảo", bà Marcone nói. Bà đã sống với mẹ mình trong hàng thập kỷ, và cho tới 2 năm trước, con trai Paolo của bà vẫn còn ở đây với họ.
"Bà ấy là một phần quan trọng của cuộc đời tôi tới mức tôi thậm chí còn không coi bà là bà ngoại. Bà ấy còn là điều gì đó hơn thế", Paolo Mussa, 31 tuổi, chia sẻ. Đến tuần trước anh vẫn còn về nhà ăn cơm với bà, nhưng giờ đây thì mọi liên lạc được thực hiện trực tuyến để đảm bảo an toàn.
"Điều tối thiểu mà bạn có thể làm là bảo vệ họ. Chúng tôi biết rất rõ về những gì họ đã làm cho chúng tôi, vì vậy chúng tôi hạnh phúc khi làm những điều này cho họ. Tình yêu khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn", bà Marcone nói.
Những gia đình nhiều thế hệ như của bà Marcone là điều phổ biến ở Italy. Tại đất nước hình chiếc ủng, 23% người từ 30 đến 49 tuổi sống cùng cha mẹ của họ, so với chỉ 6,4% ở Mỹ, 5,2% ở Anh và 1% ở nước láng giềng Pháp.
Khi hệ thống y tế trở nên quá tải, các bác sĩ sẽ buộc phải chọn điều trị cho các bệnh nhân trẻ hơn vì họ có khả năng sống sót cao hơn, điều này có nghĩa là những người già bị bỏ lại và tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này sẽ cao hơn. Ảnh: New York Times. |
Nét đặc trưng văn hóa này vô tình khiến người già ở Italy có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của virus corona hơn. Những người trẻ có thể mang mầm bệnh và lây cho ông bà cha mẹ trong chính gia đình mình. Và vì họ là những người dễ bị tổn thương nhất, tỷ lệ tử vong ở lớp người này cũng sẽ cao hơn. Điều tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc, khi 70% trường hợp lây nhiễm là trong gia đình.
Ông Christian Bayer, nhà kinh tế học tại Đại học Bonn, cho rằng vấn đề ở Italy là người trẻ gặp người già hàng ngày, trong khi ở các nước bắc Âu thì điều này không xảy ra.
"Xin đừng ra khỏi nhà"
Chính phủ Italy hồi đầu tháng 3 đã thực hiện một biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn lây nhiễm từ trẻ em sang người già: đó là đóng cửa toàn bộ trường mẫu giáo, trường học và đại học trên toàn quốc. Giới chức y tế giải thích rằng trong khi trẻ em mắc Covid-19 hiếm khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, họ muốn ngăn ngừa việc trẻ em nhiễm virus rồi lây cho ông bà.
Với nhiều gia đình Italy, điều này có nghĩa là ông bà sẽ trở thành người trông trẻ bất đắc dĩ khi bố mẹ phải đi làm còn trường học đóng cửa. Nhưng khi số ca tử vong tăng vọt, chính phủ đã kêu gọi tất cả tránh xa người cao tuổi, và chi trả tiền trông trẻ cho các gia đình.
Ông Biglioli, bác sĩ tại Bergamo, người đã mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19, cho rằng sự xa lánh này là cần thiết.
Giống như nhiều người Italy khác, ông Biglioli sống cùng một thị trấn với cha mẹ mình. Cha của ông, Angelo, là nhiếp ảnh gia của thị trấn Romano di Lombardia phía nam Bergamo, người chuyên chụp ảnh đám cưới, và những sự kiện của thị trấn. Ông Angelo đã dạy kỹ năng đó cho cả con trai và cháu trai của mình là Michele.
"Ông ấy từng tặng tôi máy ảnh dùng một lần, và đưa tôi vào phòng rửa ảnh với ông ấy", Michele Biglioli nhớ lại.
Chàng trai 28 tuổi chụp ảnh ông bà của mình gần như hàng ngày, cho đến một vài tuần trước khi họ qua đời.
"Andra tutto bene!" - Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!, là khẩu hiệu mà người dân Italy treo bên ngoài cửa sổ để cổ vũ đất nước trong khi đối mặt với virus corona. Ảnh: Wall Street Journal. |
"Họ là chủ đề chính của tôi. Ông bà tôi giống như cha mẹ tôi vậy. Họ là bạn bè, là đôi vai để dựa vào. Khi thế giới chống lại tôi, họ luôn ở đó ủng hộ tôi", Michele chia sẻ.
Khi ông Angelo và vợ bắt đầu xuất hiện triệu chứng, giới chức y tế hướng dẫn họ tự cách ly tại nhà. Không có bác sĩ nào tới. Bà Giuseppina qua đời tại nhà vào ngày 11/3. Cùng ngày, Michele và em trai đưa ông Angelo đến bệnh viện trong một nỗ lực cuối cùng để giữ ông sống sót. Trong phòng chờ, ông Angelo vuốt ve tay của Michele và nói rằng ông yêu mọi người trong nhà. Họ không bao giờ nhìn thấy nhau nữa.
"Chỉ rời khỏi nhà nếu như bạn thật sự cần. Hãy làm thế để tỏ lòng kính trọng với những người không còn ở đây với chúng ta, những người chết vì con virus chết tiệt này. Hãy làm thế vì tất cả những người đang chiến đấu cho mạng sống của họ trên khắp các bệnh viện ở Italy. Và trên hết là, hãy làm thế vì chính bạn", ông Roberto Biglioli nói.