Nguyễn Văn Thọ là người Việt có gần 30 năm sống tại Đức. Ông được xem là một “người trong cuộc”, “đối tượng” mà Krin Kalisa miêu tả trong Con rối tha hương. Nguyễn Văn Thọ cũng viết tiểu thuyết Quyên và nhiều truyện ngắn khác về cộng đồng người Việt tại Đức. Ông có những nhận xét, đánh giá về Con rối tha hương.
- Là người Việt sang Đức giống như những nhân vật trong “Con rối tha hương”, ông thấy tác giả đã miêu tả cộng đồng người Việt tại Đức như thế nào?
- Rất sát. Đối với tư cách một người Việt đã sống ở Đức 30 năm, tôi thấy tác giả rất tinh tế, quan sát tỉ mỉ. Cách bố trí cửa hàng như nào, giao thiệp như nào, bán hoa, bánh mỳ, bán phở ra sao…
Có những chỗ, tác giả chỉ cần dùng một câu ngắn, mà khiến tôi và bất cứ người Việt tại Đức nào trải qua sự kiện năm 1989 cũng biết. Ví dụ, câu “Sự kiện này không có súng nổ đâu”, đó là câu để người ở Đức thời bấy giờ nhớ tới sự kiện bức tường Berlin sụp đổ. Hoặc câu “không có hàng dưới gầm bàn” khiến người Việt tại Đức nhớ tới thời buôn hàng lậu mưu sinh.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Ảnh: FBNV |
- Trong mắt Karin Kalisa, cộng đồng người Việt tại Đức có những tính cách gì?
- Tác giả viết về những điểm chưa hoàn thiện của người Việt với giọng điệu dí dỏm, như chuyện người Việt buôn hàng lậu một thời.
Nhưng Kalisa phê bình một cách tinh tế, chứ không đào sâu vào những chuyện đã qua làm cho mình đau. Tác giả cũng không khen người Việt lộ liễu, mà bà mô phỏng nhân vật để bật ra phẩm chất người Việt như giàu tình cảm, cần cù, chịu khó.
Cuốn sách thể hiện rõ thiện cảm của tác giả với cộng đồng người Việt tại Đức.
- Tác giả thể hiện tình cảm với cộng đồng người Việt trong sách, vậy tại sao nhân vật chính Dũng (Sung) lại phải dằn vặt nội tâm nhiều đến thế?
- Không phải Dũng gặp sự kỳ thị của người bản địa. Sự dằn vặt của Dũng là mặc cảm tất nhiên khi anh lạc loài, bị đứt gãy với văn hóa cội nguồn. Anh đẻ ra ở nơi khác với quê hương, chấp nhận nền văn hóa khác. Nhưng bằng một con rối mà mẹ Dũng mang theo, là biểu hiện cho cái văn hóa nguồn cội của bà. Sung sinh ở châu Âu, nhưng luôn không
Trong sách, Dũng là con của một cặp vợ chồng người Việt sang Đức xuất khẩu lao động. Anh được sinh ra ở Đức, lớn lên ở Đức, yêu vài cô người Đức. Nhưng anh ta luôn không biết mình là ai, liệu có là người Đức. Đi trong chợ Đồng Xuân ở Berlin, anh cũng băn khoăn liệu mình có phải người Việt. Chỉ tới khi tìm hiểu về ông bà, tổ tiên nguồn cội, Dũng mới hiểu được căn nguyên của mình.
- Có ý kiến cho rằng cuốn sách đã tô hồng đời sống người Việt ở Đức. Ông nghĩ sao?
- Karin không quá thổi phồng sự thật, nhưng cũng không để cho nhân vật rơi vào thảm kịch bi thương.
Cuốn sách phát triển theo chiều hướng có hậu. Bà Hiền và ông Gấm sang Đức lao động, trải qua thời kỳ “đen tối”. Dũng là người được đẻ “lậu” ở Đức do luật lao động không cho phép người lao động Việt sinh con trong quá trình hợp tác làm việc. Cuộc sống của Dũng tươi sáng lên, tuy vẫn có những mặc cảm của mình. Minh là thế hệ thứ ba trong gia đình người Việt ở Đức. Cậu bé được đẻ ở Đức, nói tiếng Đức hoàn toàn. Chính Minh và con rối của bà nội cậu đã làm cầu nối văn hóa.
Sách Con rối tha hương và bản tiếng Đức. |
- Ông đánh giá thế nào về văn phong của tác giả Karin Kalisa trong cuốn tiểu thuyết này?
- Cuốn này có ba chương ngắn. Kalisa tuân theo trật tự có tính chất kinh điển của bút pháp tiểu thuyết. Câu chuyện từ một cửa hàng, rồi mở ra các tuyến nhân vật chính, phụ… không có gì đặc biệt lắm. Nhưng tốc độ câu chuyện nhanh, hợp lý. Các chi tiết, tình tiết đủ dồn nén. Giọng điệu dí dỏm.
Cuốn sách không dày, nhưng vấn đề nêu ra rất lớn. Nó giải quyết các vấn đề xung đột sắc tộc bằng văn hóa. Chỉ bằng con đường văn hóa, các dân tộc mới giải quyết được xung đột. Ngay ở cuối cuốn sách, có chi tiết ông hiệu trưởng nói: “Trời ơi, không đi học thì thôi, làm sao có sự hiểu biết giữa các dân tộc khi trẻ con không đi du lịch”. Các dân tộc phải tìm hiểu nhau. Ở đây, nghệ thuật rối nước là điển hình để cộng đồng người Việt gắn kết với nhau, người Đức hiểu về người Việt.
- Ông đánh giá thế nào khi ”tên sách Sungs Laden” (Cửa hàng của Dũng) được dịch giả chuyển sang tiếng Việt là “Con rối tha hương”?
- Cái tên Con rối tha hương so với tên Cửa hàng của Dũng sẽ hấp dẫn độc giả hơn. Con rối ở đây hoàn toàn là nghĩa đen, nó là con rối nước được mang sang Đức như vật kỷ niệm. Cuối cùng nó được sống lại trên sân khấu – một thủy đình để diễn rối nước dựng ở Đức. Người Đức cũng xem rối, mua cho mình một con rối nước. Từ những con rối ấy gắn kết cộng đồng, giữa người Việt với người Việt, người việt với người Đức.
- Văn hóa Việt có sự lan tỏa, ảnh hưởng như thế nào tại Đức?
- Ảnh hưởng của người Việt tại Đức không nhiều. Chỉ nhìn riêng góc độ văn chương thôi, sách của nhà văn Việt Nam nổi tiếng in 2.000 cuốn nhưng cũng khó bán tại các cửa hàng sách tại Đức. Người Đức không đọc nhiều người Việt. Vì thế, cuốn Con rối tha hương đã bán 20.000 bản ở Đức là một điều đáng mừng.