Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - là người quen biết với nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từ những ngày ở quê hương Nghệ An, quý trọng nhau trong cuộc sống sau này.
Sau phút tiễn biệt Nguyễn Trọng Tạo về nơi an nghỉ cuối cùng, ông Nguyễn Thế Kỷ có những chia sẻ giàu cảm xúc về con người và sự nghiệp của người nghệ sĩ tài hoa.
Có thể ví Nguyễn Trọng Tạo như Nguyễn Đình Thi, Văn Cao trước đây
- Giữa ông và nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, ngoài mối quan tâm chung là nghệ thuật hẳn có những giao đãi thân tình riêng?
-Chúng tôi đều là những người con xứ Nghệ. Tôi thua anh Tạo đúng một giáp. Anh em thân tình từ khi còn ở Nghệ An. Sau này ra Hà Nội, trong cuộc sống, công việc chúng tôi gặp nhau nhiều, thực sự quý trọng nhau.
Ông Nguyễn Thế Kỷ lặng viếng trước linh cữu nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Việt Hùng. |
Anh Tạo mất đi là một tổn thất lớn cho văn học, công chúng, những người yêu mến nghệ sĩ tài ba. Anh là một con người đa tài từ âm nhạc, văn học, hội họa, kể cả lý luận phê bình.
Có thể nói, chúng ta có nghệ sĩ đa tài, đa diện, đa thanh như anh Tạo là rất hiếm. Nguyễn Trọng Tạo có thể ví như Nguyễn Đình Thi hay Văn Cao trước đây. Đó là những người đã định hình giá trị lớn trong văn học nghệ thuật, và anh Nguyễn Trọng Tạo cũng gần được như thế.
- Ông có kỷ niệm đặc biệt gì với nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo?
- Tôi có nhiều kỷ niệm với anh Tạo. Năm 2012, Hội đồng xét tặng thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật xét giải cho các nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Trọng Tạo.
Lúc ấy tôi là Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng. Khi xét giải anh Tạo, cũng có một vài ý kiến băn khoăn về việc nào đó. Đương nhiên, người nghệ sĩ đa tài, sống bản lĩnh mạnh mẽ, cuộc sống sẽ có này kia một chút.
Tôi đã đứng lên thưa với Hội đồng (tôi chỉ xin nêu ý kiến cá nhân, chứ không phải ý kiến với tư cách Phó chủ tịch Hội đồng) rằng, tôi biết rõ anh Tạo, anh Tạo từng tham gia quân đội, thời kỳ khu 4 đầy khói lửa anh đã lăn lộn trong ấy.
Anh đi lên từ nghiệp văn, nghiệp báo, sau này sang cả hội họa, âm nhạc nữa. Tích lũy của anh rất đáng quý, vốn sống ấy rất đáng quý.
Nguyễn Trọng Tạo và Văn Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Nếu chúng ta xét anh Tạo hai giải, một giải về văn học (thơ, văn, lý luận) và một giải về âm nhạc đều xứng đáng. Một nhạc sĩ chỉ cần hai bài như Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê là đã xứng đáng lắm rồi.
Nên tôi nghĩ chúng ta phải công bằng, thứ hai là tôn trọng người nghệ sĩ. Thứ ba, trong cuộc sống, người nghệ sĩ có thể có những góc cạnh một chút, xù xì một chút, nhưng phải thấy cống hiến của họ với công chúng, với đất nước.
Sau đó Hội đồng bỏ phiếu đồng ý gần như tuyệt đối. Không riêng gì anh Tạo, mà với văn nghệ sĩ, chúng ta cần cái nhìn khách quan, thấu đáo, công bằng.
Nguyễn Trọng Tạo là người đa tài, tài hoa. Anh mất đi, sau này không dễ gì có được một người như thế.
- Khi ở Nghệ An, ông có câu chuyện nào đáng nhớ với Nguyễn Trọng Tạo?
- Khi tôi làm ở Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ Tĩnh, anh Tạo hay đến chơi, lần nào đến cũng mang một bi đông rượu. Tôi uống rượu kém, nhưng ngồi với các bậc đàn anh thì cũng nhắm mắt nhắm mũi uống, rồi nghe các anh đọc thơ.
Tôi cũng làm thơ, viết kịch bản sân khấu, tôi có đam mê nghệ thuật, đó là một ngọn lửa mà các anh thắp cho mình.
- Dưới góc độ phê bình, ông đánh giá như thế nào về tác phẩm của Nguyễn Trọng Tạo?
- Nguyễn Trọng Tạo có cái nền rất sâu sắc là vốn văn hóa xứ Nghệ, đưa vào sáng tác thơ, nhạc. Thứ hai, anh chịu khó đổi mới trong thơ. Đồng dao cho người lớn là tiêu biểu cho những tìm tòi đổi mới ấy. Chính anh là người luôn có khát khao đổi mới nền văn học nghệ thuật nước nhà.
- Nguyễn Trọng Tạo sáng tác trên nền văn hóa dân gian Nghệ An, vậy chất liệu dân gian ấy thể hiện như thế nào trong tác phẩm của ông?
- Về âm nhạc, ta thấy điều đó thể hiện rõ trong Khúc hát sông quê phổ thơ Lê Huy Mậu (cũng là một người Nghệ). Hai người họ, một người sống ở Vũng Tàu, một người ở Hà Nội, nhưng anh Tạo đã bắt được nhịp thơ từ bạn mình, đẩy hồn nhạc, hồn quê vào trong ấy. Hoặc bài Đôi mắt Nam Đàn sáng tác khi anh về quê, nơi bến Sa Nam rất đẹp, và anh đã viết về vùng quê của Bác.
Không chỉ quê hương Nghệ An đâu, Nguyễn Trọng Tạo là con người của văn hóa cả nước. Khi bắt gặp bài thơ của Nguyễn Phan Hách, anh đã phổ nhạc. Với vùng quan họ ở đất Bắc Ninh, Bắc Giang khó có bài nào vượt qua được Làng quan họ quê tôi.
Đất xứ Nghệ khó khăn gian khổ như vậy nhưng sản sinh ra nhiều nghệ sĩ. Người tài hoa như thế, họ tiếp nhận năng lượng từ quê hương, dân tộc, để thổi hồn lên, có những tác phẩm để đời.
Không chỉ dốc bầu rượu, Nguyễn Trọng Tạo dốc cả túi tiền với bạn hữu
- Ông có gặp Nguyễn Trọng Tạo những ngày cuối đời, liệu nghệ sĩ ấy có chia sẻ điều gì?
- Người nghệ sĩ như Nguyễn Trọng Tạo đang còn khát sống lắm. Năm 2017, anh bị cơn tai biến, gắng gượng vượt qua, nhưng sau đó anh lại bị ung thư.
Đêm trước lúc anh Tạo mất, tôi có đến. Tôi cũng biết con gái anh Tạo, và nói tôi có chút kinh nghiệm trong việc tang lễ. Tôi đề xuất bảo quản thi thể anh, tổ chức tang lễ ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.
Tôi cùng bên Đài Tiếng nói đã sang liên hệ để anh có chỗ nghỉ cuối cùng, có chỗ để bạn bè công chúng đến viếng anh đúng với tầm vóc của anh.
- Theo ông, Nguyễn Trọng Tạo đã được ghi nhận, tôn vinh đúng tầm của ông ấy chưa?
- Tôi nghĩ nhiều khi tôn vinh theo đường hành chính nó cũng có những khâu, thủ tục, nhìn nhận khác nhau một chút. Nhưng công chúng là những người còn lưu giữ những tác phẩm, di sản của Nguyễn Trọng Tạo để lại.
Nguyễn Trọng Tạo đã ở lại trong lòng công chúng, đó là sự tôn vinh xứng tầm nhất.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong đêm nhạc Khúc hát sông quê. |
- Người ta nói Nguyễn Trọng Tạo ham chơi, đào hoa, uống quá nhiều rượu. Là người gần gũi với nghệ sĩ, ông nghĩ sao về quan điểm ấy?
- Từ xa xưa, các cụ đã nói: “Bầu rượu túi thơ”. Người nghệ sĩ họ sống khác người một chút, họ sống tới tận cùng cảm xúc, tận cùng bản ngã của họ. Chuyện họ có uống chén rượu hay ham chơi cũng không có gì quá bất thường.
Với Nguyễn Trọng Tạo, ham chơi ở đây không phải là chơi bời lêu lổng, mà là chơi với nhiều người, từ đó gạn lọc cho mình cảm xúc, vốn sống, từ đời sống có tác phẩm. Họ giao lưu với nhiều người, không phải cuộc giao lưu nào cũng ra tác phẩm hay.
Nhưng những gì có được sẽ là chất men để cho họ sáng tác. Chén rượu cũng là chất kích thích cho một số nghệ sĩ, chúng ta không nên xem nó để đánh giá một ai đó, bởi đó là lựa chọn của mỗi người.
Anh Tạo là người quảng giao. Anh làm một cái nhà bên kia sông Hồng để giao lưu, bầu rượu túi thơ với bạn bè. Anh không chỉ dốc bầu rượu, mà nhiều khi dốc cả túi tiền với bạn hữu. Với bạn bè anh không tiếc gì, không phải ai cũng làm được điều ấy.
Người nghệ sĩ khi sống với tận cùng bản ngã của mình thì họ có nỗi đau hơn người ta, nỗi khổ hơn người ta. Nhiều khi họ không quan tâm tới kinh tế, gạo tiền đâu. Trên hết, Nguyễn Trọng Tạo là con người sống hết mình với bạn bè, với đồng nghiệp, với quê hương, đất nước mình.