Sau sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Why Are We in Vietnam? của nhà văn Norman Mailer vào năm 1967 , đã có rất nhiều sáng tác của các nhà văn Mỹ lấy đề tài về Chiến tranh Việt Nam. Thất bại, sai lầm, sự mất mát cùng những ám ảnh của bom đạn và thuốc súng… đã thôi thúc con người ta muốn đối thoại với chính mình để mong nhận được sự tha thứ và vơi bớt những tội lỗi.
Những câu chuyện từ chiến trường có thể được kể bằng nhiều cách khác nhau. Người viết có thể lấy cảm hứng từ báo chí, những thước phim tư liệu hay tiếp xúc với các cựu chiến binh Mỹ. Đặc biệt, có một số cựu chiến binh Mỹ đã trở thành nhà văn và trực tiếp mang những hồi ức của mình lên trang giấy. Tim O’Brien chính là một trong số họ.
Ông đã trực tiếp tham chiến trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1970. Quãng thời gian đó không dài, nhưng những kí ức kinh hoàng mang mùi chiến trận và chết chóc vẫn luôn ám ảnh ông. Năm 1973, Tim O’Brien đã cho ra mắt cuốn hồi ký If I Die in a Combat Zone kể về những năm tháng phục vụ trong quân ngũ.
Tập truyện ngắn Những thứ họ mang (1990) là một tác phẩm về chiến tranh khá nổi tiếng của ông. Nó đã được dùng để giảng dạy trong một số trường ở Mỹ.
Hành trang của những người lính ở phía bên kia
Những thứ họ mang tập hợp 22 truyện ngắn của nhà văn Tim O’Brien kể về cuộc sống của những người lính Mỹ trước, trong và sau trận chiến. Các truyện ngắn trong cuốn sách này mang nhiều dáng dấp của tự truyện. Chúng là những ký ức của tác giả và những người người đồng đội đã từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Một cuộc chiến vô nghĩa ám ảnh họ suốt đời.
Tập truyện ngắn Những thứ họ mang của Tim O' Brien. |
Trong truyện ngắn Những thứ họ mang là tâm sự của những chàng lính trẻ mới bước vào cuộc chiến. Họ mang những gì tới đất nước xa xôi cách nửa vòng Trái Đất: dao mở đồ hộp, bật lửa, những chai xịt khử mình để xoa dịu đôi chân sau những giờ hành quân vất vả. Vài chàng lính trẻ đã nếm mùi của yêu đương mang theo những bức thư tình của bạn gái.
Liệu chừng đó đã đủ để họ đương đầu với cuộc chiến khốc liệt trước mắt? Không! Không có hành trang nào là đủ với những người lính bước vào một cuộc chiến vô nghĩa. Bởi họ không mang theo điều quan trọng nhất, đó là tinh thần. Ai ai cũng thấy mệt mỏi với những ngày tháng trước mắt.
Họ cầm súng, vào làng cướp phá, thiêu trụi những ngôi nhà tranh nghèo nàn, hất đổ hết những hũ gạo chẳng còn lại bấy nhiêu… Họ tìm được gì ở đó? Chính họ cũng không thể trả lời câu hỏi ấy.
Hành trang họ mang theo ngày một nhiều thêm “Họ mang chính xứ sở này- Việt Nam, nơi chốn này, đất đai này- một lớp bụi đỏ cam bám đầy bốt đầy quần áo đầy mặt họ”. Và một tâm hồn rệu rã đã trở thành thứ nặng nhất trong hành trang của những binh lính Mỹ.
Người tình sông Trà Bồng là câu chuyện của Mark Fossie. Một anh chàng đầy mánh khóe. Nhờ sự thông minh và lọc lõi, Mark đã đem được cô bạn gái Mary Anne tới Việt Nam. Mang theo bồ ra chiến trường, đó là một việc không tưởng, nhưng anh ta vẫn làm được trước con mắt ghen tỵ của đồng đội. Nhưng chiến trận có phải là nơi thích hợp để yêu đương?
Những ngày mới tới Việt Nam, Mary Anne coi nơi đây như là một xứ sở lạ lẫm và thú vị để dạo chơi. Cô ả muốn người yêu dẫn tới thăm những ngôi làng của người Việt. Nơi đã bị dấu giày đinh của lính Mỹ làm cho hoang tàn. Một cô nữ sinh lóng ngóng học cách mở đồ hộp và vô cùng kinh hãi khi nhìn thấy máu. Những hình ảnh đó đã trở thành cảnh tượng vừa hoang đường vừa đặc biệt của cuộc chiến.
Một người lính Mỹ mệt mỏi trong chiến tranh. Ảnh: The Reddit. |
Cái chết và sự thiếu thốn luôn là điều thường nhật trong chiến tranh. Mary Anne và Mark Fossie vẫn ngủ cùng nhau trong căn lều chật chội đượm mùi thuốc súng. Dù họ có yêu nhau mãnh liệt tới đâu thì chiến trường cũng không thể trở thành khu vườn tình ái.
Khi những ký ức trận mạc trở thành bóng ma đầy ám ảnh
Những năm tháng tham gia Chiến tranh Việt Nam đã trở thành khoảng tối trong tâm trí Tim O’Brien và nhiều cựu binh Mỹ. Máu, cái chết, sự thất bại và những sai lầm cứ lởn vởn trong tâm trí họ. Khi đã trở về căn nhà quen thuộc, rời xa thuốc súng và đạn dược, nhưng vẫn còn một thứ gì đó của mảnh đất xa xôi, của chiến trường ở lại. Có lẽ, đó là sự hối hận!
Những người lính Mỹ có nhiều lý do để đến Việt Nam tham chiến. Có người ra đi để chạy trốn một lỗi lầm. Nhưng không ngờ được rằng bản thân lại phạm phải một sai lầm nghiêm trọng hơn. Chiến tranh đã hút cạn hết năng lượng của những chàng trai trẻ để khi trở về họ chỉ là những cái xác không hồn.
Nhiều người trong số họ vốn là người lương thiện, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giết người hay làm hại ai. Nhưng cuộc chiến ấy đã biến họ thành quỷ dữ, máu đã nhuộm đỏ hai bàn tay họ. Mỗi khi cầm súng họ lại ao ước được về nhà, được sống một cuộc đời bình thường mà bản thân đã bỏ lỡ.
Nhiều người lính Mỹ đã cảm thấy hối hận khi đang cầm súng trên chiến trường. Ảnh: The Sputnik news.com. |
Các truyện ngắn trong Những thứ họ mang đều đậm yếu tố tự truyện. Dung lượng của mỗi tác phẩm không quá dài, có những truyện ngắn không tới 1.000 chữ. Bằng lối kể chậm rãi và điềm tĩnh, cùng với sự tiết chế cảm xúc hợp lý của tác giả mang lại cho người đọc cảm giác chân thực khi thưởng thức một tác phẩm viết về chiến tranh.
Tim O’Brien và những người đồng đội của ông như muốn gửi tới những người dân Việt Nam một lời xin lỗi. Chiến tranh luôn mang tới những nỗi đau, cho dù bạn đến từ phía nào đi chăng nữa. Được mệnh danh là Nỗi buồn chiến tranh “phiên bản Mỹ” Những thứ họ mang đem đến cho người đọc một hình dung khác về nỗi đau trong chiến trận. Và chúng có thể vơi đi nếu người trong cuộc thú nhận để cảm thấy được tha thứ. Bởi tòa án đáng sợ nhất chính là lương tâm con người.