Theo quy định của Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF), Olympic 2016 giới hạn số lượng VĐV thi đấu ở từng nội dung nên các VĐV đoạt chuẩn sẽ được chọn theo thứ tự thành tích từ cao xuống thấp. Hiện tại, có nhiều VĐV trên thế giới đạt chuẩn Olympic ở 2 nội dung sở trường là 400 m, 400 m rào. Tuy nhiên ở nội dung 400 m nữ, sẽ chỉ có tổng cộng 48 VĐV có thành tích tốt nhất và nội dung 400 m rào nữ, cũng chỉ 40 VĐV được quyền dự Olympic.
Kể từ sau khi đạt chuẩn tại SEA Games 28 đến nay, thành tích của Huyền liên tục tụt trên bảng thống kê thành tích của Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF). Hiện tại thành tích 400 m với thời gian 52 giây của Nguyễn Thị Huyền đã rơi xuống hạng 77 trong số những VĐV đủ chuẩn. Trong khi nội dung này chỉ lấy 48 VĐV.
Ở nội dung 400 m rào, thành tích 56 giây 15 do Huyền thiết lập tại SEA Games 28 cũng tụt xuống vị trí 52 trong số các VĐV đoạt chuẩn. Với vị trí hiện tại trên bảng xếp hạng của IAAF, Huyền đã văng khỏi top 48 và 40 VĐV giành quyền dự Olympic ở 2 nội dung này.
Thời gian từ nay đến Olympic (tổ chức tại Rio de Janeiro vào tháng 8 năm sau) không còn nhiều và nếu hai thầy trò Huyền không biết gạt sang một bên mọi chuyện bên lề và những người có trách nhiệm không vạch ra được lộ trình phù hợp thì khó lòng Huyền có thể cải thiện thành tích.
Sau thành công tại SEA Games 28, hai thầy trò Huyền đã bị ánh hào quang ấy kéo đi mà không tĩnh tâm để lên một kế hoạch tập luyện ổn định, giống như Ánh Viên.
Theo Trưởng bộ môn Điền kinh Tổng cục TDTT Dương Đức Thủy, cơ hội với Huyền vẫn còn bởi từ nay đến năm sau vẫn còn một số giải đấu để Huyền có cơ hội cải thiện thành tích và vị trí. Chẳng hạn như Huyền sẽ có cơ hội tại 3 chặng của Grand Prix vào năm sau. Trong trường hợp tồi nhất, Huyền vẫn có thể đi theo suất đặc cách dành cho những nước không có VĐV đoạt chuẩn.
Nhìn vào quá trình tập huấn và thi đấu từ sau SEA Games đến giờ của Huyền, giới chuyên môn không khỏi không lo lắng. Sau SEA Games 28, thông số thành tích của Huyền đã bị sụt giảm tại Giải Grand Prix châu Á. Tuy giành 2 HCV ở 2 chặng cùng tại nội dung 400 m nhưng thành tích của cô chỉ là 52 giây 27 và 52 giây 41 trong khi thành tích đoạt vàng và chuẩn Olympic tại SEA Games 28 của cô là 52 giây.
Điều này có thể lý giải là do Huyền vừa dốc sức vào SEA Games nên chưa kịp hồi phục. Nhưng giới chuyên môn đã phân tích rằng với các VĐV chuyên nghiệp thì chỉ cần sau 7 ngày thành tích đã có thể phục hồi, thậm chí có khi còn tốt hơn ở giải đấu 7 ngày trước đó, chứ chưa nói tới chuyện Huyền có tới quãng thời gian hơn nửa tháng để phục hồi, kể từ khi nội dung thi đấu của cô tại SEA Games kết thúc cho tới Giải Grand Prix.
Sau giải đấu này, Huyền bị thầy ruột Vũ Ngọc Lợi "tố" cô thường xuyên bỏ tập để lên sóng truyền hình, đi nhận quà, ảnh hưởng đến phong độ và gây cho thầy những cơn đau ngực. Trước lời "tố" của thầy, Huyền khẳng định mối quan hệ giữa cô và HLV Vũ Ngọc Lợi vẫn tốt và vẫn mong muốn gắn bó cùng thầy.
Sau đó Huyền lên đường dự giải vô địch thế giới và chỉ tham gia thi đấu 1 nội dung và dù là nội dung sở trường 400 m rào thì nữ tuyển thủ Việt Nam chỉ đạt thành tích 57 giây 31, kém kỷ lục của chính cô thiết lập tại Singapore tháng 6 vừa qua (56 giây 15) và dừng bước ở vòng đấu loại (chỉ về đích thứ 6/7 VĐV ở lượt chạy vòng loại thứ 5).
Những tưởng sau quãng thời gian không êm ả đó, thầy trò Huyền sẽ quyết tâm để bước vào giai đoạn tập huấn tốt hơn. Nhưng tại Giải điền kinh vô địch quốc gia đang tổ chức tại TP.HCM, Huyền lại gây sốc khi không tham gia thi đấu ở cả hai nội dung sở trường là 400 m, 400 m rào.
Lý do được đưa ra là Huyền bị chấn thương và Nam Định, đơn vị chủ quản của Huyền nghiễm nhiên mất đi 2 HCV. Chuyện Huyền bị chấn thương không mới, vì đó là lý do cho sự không thành công ở các giải đấu cô tham dự sau SEA Games. Lý do này cũng khiến giới chuyên môn lo lắng bởi nếu cứ tiếp tục đà này, bao giờ Huyền mới quay lại được đỉnh cao để cải thiện vị trí trên bảng tổng sắp của IAAF, nhằm giữ được vé đến Olympic vào năm sau?