Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân một tỷ con cua tuyết Alaska biến mất

Lượng lớn cua tuyết tại vùng biển bang Alaska (Mỹ) biến mất nhanh chóng khiến các nhà khoa học đau đầu tìm nguyên nhân và làm nhiều ngư dân lo lắng vì nguồn thu nhập bị ảnh hưởng.

Chính quyền bang Alaska tuần qua đã tuyên bố hủy bỏ mùa đánh bắt cua tuyết ở khu vực biển Bering do số lượng loài này đã giảm xuống mức đáng báo động. Đây là lần đầu tiên mùa đánh bắt cua tuyết tại bang Alaska bị hủy bỏ, theo Guardian.

Nhà chức trách cũng cho biết sẽ cấm đánh bắt cua hoàng đế đỏ ở vịnh Bristol trong năm thứ hai liên tiếp do số cá thể của loài này không đủ để đánh bắt một cách bền vững.

Trả lời CBS News, các quan chức cho biết khoảng một tỷ con cua tuyết đã biến mất khỏi vùng biển phía bắc biển Bering trong hai năm qua. Số lượng lớn cua biến mất không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân nơi đây mà còn là bằng chứng báo hiệu sự thay đổi về môi trường ở vùng biển Alaska.

Cua tuyet Alaska bien mat anh 1

Một tàu đánh bắt cua ở Alaska. Ảnh: Washington Post.

Chuyện gì đã xảy ra?

Cua tuyết là loài giáp xác với những chiếc chân lớn, có nguồn gốc ở phía bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Chúng được tiêu thụ trên khắp thế giới và được đánh bắt nhiều ở vùng biển Alaska.

Hội đồng Quản lý nghề cá Alaska và Bắc Thái Bình Dương tuần trước thông báo rằng quần thể cua tuyết ở biển Bering đã giảm xuống dưới ngưỡng quy định. Theo đó, việc cho phép tiến hành mùa vụ đánh bắt loài hải sản này trong năm nay là điều không thể.

Benjamin Daly, một nhà nghiên cứu tại Sở Cá và Thú săn Alaska cho biết số lượng cua tuyết giảm từ khoảng 8 tỷ con vào năm 2018 xuống còn một tỷ con vào năm 2021.

Trả lời CNN, ông Daly nói: “Cho đến nay, cua tuyết là loài có số lượng đông đảo nhất trong số các loài cua ở biển Bering được phép đánh bắt thương mại. Vì vậy, thật đáng kinh ngạc và lo ngại về việc hàng tỷ con cua biến mất, bao gồm tất cả cua cái và cua con”.

Ông Mark Stichert, điều phối viên tại Sở Cá và Thú săn Alaska cho biết cuộc khảo sát gần đây cho thấy cua tuyết đực trưởng thành đã giảm khoảng 40%. Trên toàn biển Bering, chỉ còn khoảng gần 20.500 tấn cua tồn tại.

“Đó là một con số đáng lo ngại”, ông Stichert nói.

Vì sao cua tuyết biến mất?

Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm số lượng cua tuyết ở bang Alaska đang được điều tra. Tuy nhiên, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), tình trạng đánh bắt quá mức cùng sự ấm lên của nước biển đã khiến cua tuyết rời khỏi bờ biển bang Alaska, góp phần làm suy giảm số lượng cua.

"Tại khu vực biển Bering, cá minh thái Alaska, cua tuyết và cá bơn Thái Bình Dương nhìn chung đã rời khỏi khu vực bờ biển Alaska kể từ đầu những năm 1980. Chúng di chuyển về phía bắc với khoảng cách khoảng 30,5 km mỗi năm", EPA cho biết.

Cua tuyet Alaska bien mat anh 2

Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân khiến số lượng cua tuyết giảm đáng kể. Ảnh: Newson6.

Michael Litzow, giám đốc phòng thí nghiệm Kodiak phụ trách nghề cá tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra là yếu tố quan trọng dẫn đến sự biến mất đáng báo động của loài cua tuyết.

Ông nói rằng cua tuyết là loài sống ở vùng nước lạnh và được tìm thấy nhiều ở những nơi có nhiệt độ nước dưới 2 độ C. Vì vậy, khi các đại dương ấm lên và băng trên biển biến mất, vùng biển xung quanh Alaska đang không còn phù hợp với loài này.

Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ xung quanh Bắc Cực đã ấm lên nhanh gấp 4 lần so với phần còn lại của Trái Đất. Biến đổi khí hậu khiến băng trên biển ở khu vực Bắc Cực, đặc biệt là ở vùng biển Bering của Alaska, biến mất nhanh chóng.

Theo Climate Central - một nhóm các nhà khoa học độc lập nghiên cứu và báo cáo về sự thay đổi khí hậu - Alaska là bang ấm lên nhanh nhất ở Mỹ. Nhiệt độ tăng lên ở vùng biển lạnh giá của Alaska có thể giết chết các loài giáp xác.

Miranda Westphal, nhà sinh vật học tại Sở Cá và Thú săn Alaska, cho biết từ năm 2018 đến năm 2019, biển Bering “cực kỳ ấm áp và quần thể cua tuyết phải tụ tập tại những nơi có nhiệt độ thấp nhất mà chúng tìm thấy”, theo New York Times.

Khi nước ấm lên, sự trao đổi chất của chúng tăng lên, đòi hỏi nhiều thức ăn hơn. Do vậy, “chúng có thể chết đói vì không có đủ thức ăn”, bà nói.

Ai sẽ bị ảnh hưởng vì lệnh cấm?

Các quan chức Alaska cho biết họ đã tham khảo ý kiến của các bên liên quan trước khi đưa ra quyết định hủy mùa đánh bắt. Họ cho rằng việc này có tác động đối với “người đánh bắt, nghề cá và cộng đồng”, nhưng cũng nhấn mạnh phải cân bằng giữa nhu cầu kinh tế với việc bảo tồn.

Theo báo cáo của Viện Marketing Thủy sản Alaska, ngành đánh bắt cua của Alaska trị giá hơn 200 triệu USD. Tiểu bang này cung cấp 6% cua hoàng đế, cua tuyết, và cua Dungeness cho thế giới.

Dean Gribble Sr. (63) tuổi, một thuyền trưởng tàu đánh bắt cua, cho biết: “Lệnh cấm sẽ thay đổi cuộc đời của nhiều người. Rất nhiều người trong số họ có gia đình, con cái và không có lựa chọn nào khác ngoài việc ra khơi”.

Sự suy giảm số lượng cua tuyết sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn không chỉ ở Alaska, mà còn với các tàu đánh bắt ở Washington và Oregon.

Theo báo cáo kinh tế của NOAA và Mạng lưới Thông tin Nghề cá Alaska, một đội tàu gồm khoảng 60 tàu thu hoạch cua tuyết vào năm 2020 có thể thu về khoảng 132 triệu USD.

Cua tuyet Alaska bien mat anh 3

Cua tuyết đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Alaska. Ảnh: Khu bảo tồn Katmai.

"Đây là thời điểm khó khăn chưa từng có đối với ngành khai thác cua nổi tiếng tại bang Alaska. Quyết định trên sẽ có tác động tiêu cực đối với những cộng đồng có nền kinh tế phụ thuộc vào ngành đánh bắt cua trong khu vực", Jamie Goen, Giám đốc Hiệp hội Đánh bắt cua biển Bering của bang Alaska cho biết.

"Các gia đình đã làm nghề đánh bắt cua trong nhiều thế hệ sẽ bị phá sản do chính quyền đã không áp dụng các biện pháp giúp phục hồi số lượng cua trong khu vực", bà Goen nhận định.

Cua cũng định hình nền kinh tế ở các thị trấn của Alaska, nơi có các nhà máy chế biến hải sản.

Theo Seattle Times, thành phố St. Paul, bang Alaska trong năm 2021 đã mất hơn 3 triệu USD tiền thuế - khoảng một nửa ngân sách hàng năm - vì sản lượng cua tuyết giảm và mùa đánh bắt cua hoàng đế đỏ bị hủy bỏ.

Có thể hồi phục lại số lượng cua bị mất không?

Ethan Nichols, trợ lý nhà sinh vật học quản lý khu vực của Sở Cá và Thú săn Alaska, cho biết: “Cấm đánh bắt do số lượng cua xuống thấp và tiếp tục nghiên cứu là những nỗ lực chính để khôi phục quần thể cua vào thời điểm này”.

Tuy nhiên, nhà chức trách cũng cho biết đã có những tín hiệu tốt trong việc khôi phục lại số lượng cua tuyết.

Một số ít cua tuyết trong độ tuổi trưởng thành vẫn còn tồn tại trong quần thể. Nhưng có thể phải mất ít nhất từ 3 đến 4 năm để chúng thực sự trưởng thành và góp phần vào sự phát triển của số lượng cua tuyết tại vùng biển.

“Đó là một tia sáng lạc quan. Điều đó tốt hơn là không còn được nhìn thấy loài cua tuyết nữa. Nhiệt độ ấm hơn một chút mỗi năm và sự biến đổi đó xảy ra mạnh hơn tại các hệ sinh thái Bắc Cực và ở vĩ độ cao. Vì vậy, nếu chúng ta có thể có được nhiệt độ mát mẻ hơn, đó sẽ là tin tốt cho cua tuyết", ông Litzow - nhà nghiên cứu tại NOAA - cho biết.

Alaska lần đầu hủy mùa đánh bắt cua tuyết

Chính quyền bang Alaska đã ra lệnh cấm đánh bắt cua tuyết địa phương do số cá thể của loài này đã sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên đang được điều tra.

Cua tuyết Alaska biến mất bí ẩn

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của cua tuyết - nguồn thu nhập trụ cột của các đội thuyền đánh bắt cua Alaska ở Mỹ.

Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm