Nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội hứng đợt mưa giông lớn. |
Thông tin về tình hình mưa lớn ở Bắc bộ những ngày qua, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết, trong đêm 22 và sáng 23/8, miền Bắc đã xảy ra đợt mưa rất lớn từ 50 - 100 mm.
Một số nơi có lượng mưa rất lớn trong vòng 14 tiếng như Thái Nguyên 219 mm, Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) 195 mm, huyện Hoài Đức (Hà Nội) 193 mm.
Đáng chú ý, lượng mưa tại huyện Hoài Đức đã vượt lượng mưa lịch sử mà địa phương này từng ghi nhận vào tháng 8/2022 là 190 mm.
Theo ông Hưởng, nguyên nhân của đợt mưa lớn này là do vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên độ cao 5.000 m cộng với tác động của gió đông nam của khối không khí biển lấn từ phía đông vào.
"Do vùng xoáy và đới gió đông nam tiếp tục duy trì hôm nay 24/8 miền Bắc sẽ tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa từ 50 - 100 mm, có nơi trên 200 mm", ông Hưởng thông tin.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho rằng, sau đợt mưa lớn này, thời tiết miền Bắc chuyển sang trạng thái ít mưa từ ngày 26/8 đến hết tháng. Sang tháng 9, miền Bắc và các tỉnh Tây nguyên vẫn đang trong mùa mưa nên có nhiều ngày mưa vừa mưa to. Vì vậy, cần cảnh giác cao độ với nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Hiện nay, ở bắc vịnh Bắc bộ, vùng biển phía đông của khu vực giữa Biển Đông và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông.
Dự báo, hôm nay ở bắc vịnh Bắc bộ, vùng biển phía đông của khu vực giữa Biển Đông và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) tiếp tục có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - cấp 8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2 m.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng lớn.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.