Thông tin tại họp báo triển lãm Vietstock (Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Chăn nuôi, Thức ăn Chăn nuôi, Thủy sản & Chế biến thịt tại Việt Nam) 2024 sáng 7/8, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết do phụ thuộc nguyên liệu đầu vào của nước ngoài, giá thức ăn chăn nuôi cao, ảnh hưởng lớn tới người chăn nuôi trong nước cũng như sức cạnh tranh các sản phẩm đầu ra.
"Hiện chúng ta chưa thể khắc phục được nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi vì giá thành sản xuất cho nông nghiệp thấp, sức cạnh tranh kém, trong khi người dân chỉ sản xuất những sản phẩm có giá trị và thế mạnh.
Chẳng hạn trước đây ở Sơn La trồng nhiều ngô, nhưng hiện nay đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Để từng bước khắc phục tình trạng này, Cục trồng trọt và các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp sẽ từng bước quy hoạch vùng canh tác ở Tây Nguyên để tăng diện tích cây nông nghiệp phục vụ cho đầu vào của sản xuất thức ăn gia súc", ông Thắng nói.
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. |
Tuy vậy, theo ông Thắng, ngành chăn nuôi Việt Nam đã có bước tiến nổi bật trong bối cảnh phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế. 3 năm qua, Việt Nam luôn duy trì đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi mỗi năm. Đàn gia cầm đứng top đầu thế giới, trong đó thủy cầm đứng thứ 2 thế giới. Chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới.
Các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Ngày càng có nhiều sản phẩm chăn nuôi được mở rộng xuất khẩu như mật ong, lợn sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến…trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu mật ong lớn nhất vào thị trường Mỹ.
Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi cần dựa trên các khía cạnh: đảm bảo hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi động vật. Do đó, xu hướng chuyển dịch ngành chăn nuôi trong thời gian tới cần đáp ứng đồng bộ: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn.
Ngoài ra, còn cần những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi chuyển đổi trang trại theo hướng hiện đại hóa. Các doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Trong khi đó, người chăn nuôi cần nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.