Từ sáng đến chiều 18/2, bầu trời TP.HCM âm u, nhiều tòa nhà khuất sau màn sương mờ, tầm nhìn hạn chế. AirVisual xếp chất lượng không khí ở TP.HCM kém thứ 4 trong các thành phố của cả nước được đánh giá (tính đến 16h).
Theo chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, những ngày này thời tiết miền Nam không có gì bất thường. Lý giải hiện tượng bầu trời mờ mịt từ sáng đến chiều, bà Lan cho rằng đây là mù khô do ô nhiễm gây ra.
Người dân cần chủ động che chắn khi ra đường để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là những người có bệnh về hô hấp.
Bầu trời TP.HCM âm u, mờ sương ngày 18/2. Ảnh: Thư Trần. |
Chỉ số AQI tại hầu hết điểm quan trắc trong thành phố ở mức xấu đến kém, trên 150 đơn vị. Một số địa điểm ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng cao gồm: Quận 1 (156); quận Bình Thạnh (165); TP Thủ Đức (155); Phú Nhuận (170).
Trong khi đó, PamAir đánh giá chất lượng không khí tại TP.HCM tương tự với các chỉ số AQI từ 100 đến 160, ở mức trung bình đến xấu. Trong đó, nơi có chỉ số AQI cao nhất là khu vực đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) với 167 đơn vị.
Ứng dụng quan trắc PamAir ghi nhận chất lượng không khí tại TP.HCM chiều 18/2 ở mức xấu. Ảnh: PamAir. |
Về thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo khu vực Nam Bộ có mây, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C, cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Trong khi đó, tại miền Bắc, nền nhiệt tăng mạnh và đạt mức cao nhất 24-25 độ C. Thời tiết 2 ngày cuối tuần 18-19/2 khu vực này duy trì trạng thái khô ráo, nhiều mây. Một số nơi có thể mưa rải rác kèm theo dông do ảnh hưởng của rãnh gió tây trên cao. Đầu tuần tới, thủ đô nắng ráo và nhiệt độ tăng, người dân có thể cảm thấy dễ chịu hơn.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.