Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Ngọc Ký: Nếu mình viết bằng miệng thì sao nhỉ?

Tôi dùng mồm viết thử. Vừa ngậm chiếc bút chì gạch gạch trên trang vở được mấy nét bỗng tôi thấy mắt hoa lên, đầu choáng váng, nước mắt nước mũi từ đâu trào ra.

Đã sang đông. Bầu trời vẩn đục những đám mây tro xám. Mấy con diều hâu dang cánh thi nhau “xây giếng”. Dăm bảy lá bàng đỏ xào xạc rơi xuống đường.

Như mọi chiều, hôm nay đi học về tôi vẫn mỏng manh trong chiếc áo lụa bạc màu. Bọn chúng nó sợ rét đã vội vàng chạy trước. Bằng vừa chạy vừa gọi. Tôi không nghe thấy gì, vẫn thong thả từng bước mải mê suy nghĩ: “Mình phải tập viết...”. Nhưng viết bằng cách nào đây? Nghĩ mãi tôi vẫn bí. Chợt thấy mấy cành bù cu xòe ra bên đường, để ý nhìn thấy trên lá của nó chằng chịt những vân vẽ rất tinh vi, tôi liền hỏi cô giáo:

- Ai viết cái gì lên lá này thế cô?

- Không ai viết đâu. Con chim gáy nó vẽ đấy em ạ.

- Thế nó lấy gì mà vẽ được hở cô?

Cô đưa tay ngắt mấy cái lá lên nhìn:

- Ờ! Nó chỉ lấy mỏ để vẽ mà đẹp quá em nhỉ.

Nghe cô giáo nói, tôi vụt nảy ra một ý nghĩ. Suýt nữa tôi reo to: “Ồ, mình cũng sẽ dùng miệng để viết”. Ý nghĩ ấy cứ bám riết lấy tôi. Mê mải quá đến nỗi về đến ngõ tôi quên cả chào cô giáo.

Đêm ấy tôi nằm suy nghĩ: “Nếu mình viết bằng miệng thì sao nhỉ? Chúng nó viết tay thì tay tì sách, tay cầm bút. Còn mình biết lấy gì mà tì sách được?”. Tôi đang định nghĩ xem còn cách nào để tập viết nữa, nhưng hai mí mắt đã nặng trĩu. Trên cánh tay ấm áp của mẹ, tôi thiếp đi từ lúc nào không biết.

Như mọi ngày, sáng nay tôi lại đến nhà Bằng chơi. Được một lúc Oánh ở đâu chạy tới. Oánh cầm một chiếc bút chì đen giơ lên, reo lớn:

- A ha ha, tớ vừa nhặt được chiếc bút chì này, cậu nào xin tớ cho.

- Ồ, cho tớ nhé! - Tôi hối hả nói.

Bằng hỏi luôn:

- Ký xin bút chì làm gì?

- Xin làm cái này!

- Ừ, thôi đưa cho Ký, Oánh ạ. Bằng có bút chì rồi.

Bằng nói có vẻ độ lượng lắm. Không ngần ngừ gì nữa, Oánh liền cầm chiếc bút chì bỏ vào túi cho tôi.

Thế là có bút rồi. Sướng quá, tôi chạy băng về nhà.

Tôi dùng mồm viết thử. Vừa ngậm chiếc bút chì gạch gạch trên trang vở được mấy nét bỗng tôi thấy mắt hoa lên, đầu choáng váng, nước mắt nước mũi từ đâu trào ra. Tôi ngẩng lên lắc đầu, thở dài, lơ đãng nhìn ra ngoài khung cửa. Xa xa giữa khoảng trời xanh vô tận mấy cụm mây trắng đang lững lờ nhẹ trôi...

Ngoài sân, mấy chú gà con đang liếp nhiếp theo mẹ đi ăn. Học theo mẹ, chúng cũng lấy chân bới rác tìm mồi. Tôi bỗng vụt nghĩ: “Hay mình cũng dùng chân để viết?”.

Tôi đắn đo mãi rồi quyết định cứ viết thử xem sao.

Chiếc bút nhỏ quá, tôi vừa cố mở ngón chân cái và ngón trỏ cặp lấy, chưa kịp viết bút đã rơi ngay xuống.

Mấy lần như vậy, bực quá tôi liền đá bút chì vào xó nhà rồi đi chơi.

Mấy hôm sau thấy nhơ nhớ tiêng tiếc, tôi tìm lại cây bút chì và hăm hở tập viết tiếp. Nhưng rồi chữ chưa hiện hình thì cây bút chì cũng lại ngượng ngọng rơi ra. Buồn quá, tôi buông bút ra sân dạo quanh. Bất chợt tôi nhận ra những mẩu gạch non ở góc sân. Tôi nảy ra ý biến nó thành phấn, biến cái sân nhà thành bảng tay.

Vậy là lần này không viết bằng bút nữa, tôi dùng gạch non tập viết xuống sân. Có ngày cả chiếc sân đỏ lòe loẹt những vết nhằng nhịt. Đó là những nét chữ đầu tiên của tôi đấy. Thực ra nào có thành chữ. Đó chỉ là những vết dọc ngang rối bời chẳng khác gì vết chân gà bới. Bố tôi làm đồng về liền mắng:

- Sao con lại vẽ bậy ra sân thế này Ký?

Tôi sợ, bỏ chạy sang nhà Bằng. Khi trở về thấy mặt sân đã sạch. Hỏi chị, tôi mới rõ bố đã múc nước rửa sân từ lúc nãy. Từ đó ngày ngày tôi lủi thủi ra sân đình ở đầu làng lặng lẽ tập viết một mình.

Ít ngày sau quen chân dần, tôi nghĩ cách tập viết lại bằng bút chì. Có viết bằng bút được mới chép bài được chứ. Chẳng nhẽ khi các bạn ngồi trong lớp viết bài vào vở, mình lại ra giữa trời lấy gạch viết xuống sân ư? Tôi tìm lại chiếc bút hôm nào. May quá, nó nằm ngay ở góc chân tủ phía sát vách nhà. Tôi hăm hở tập viết trở lại. Nhưng rồi cũng vừa viết được vài nét cây bút lại ngượng ngọng rơi và rơi. Tôi ngồi thừ suy nghĩ, nước mắt lại chực trào ra. Bỗng tôi nảy ra một ý mới. Vừa lúc Bằng đến chơi, tôi liền nhờ bổ hộ cây chì ra. Bằng ngạc nhiên không hiểu sao tôi lại làm thế. Nó hất hàm nói lớn:

- Vì cây bút chì chết tiệt này mà mày không viết được. Tức quá mày bổ nó ra hả? Mày điên rồi! Điên rồi!

- Không phải đâu. Mày cứ giúp đi! Tao có việc mà!

Thấy tôi nằn nì với vẻ chân thành thực lòng, một lát sau Bằng đã giúp tôi thỏa nguyện. Tôi liền nhờ Bằng lấy cái ruột bút chì ấy cắm vào một đoạn ống tre to hơn gấp đôi cái vỏ bút chì kia. Tôi lại bảo Bằng dùng dao gọt đẽo, biến cái cây bút chì đặc biệt ấy từ hình ống tròn thành hình ống vuông. Giờ thì chắc các bạn biết tôi làm thế để làm gì. Vâng, đơn giản chỉ để khi kẹp vào ngón chân nó sẽ không bị trơn, giúp cây bút chì không bị rơi như trước nữa. Thế là tôi đã bình tĩnh viết được chữ o thứ nhất, rồi thứ hai, thứ ba…mà cây bút chì vẫn ngoan ngoãn nằm trong chân tôi trong tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của Bằng.

Một ngày kia tôi đang cặm cụi mải mê tập viết một mình như thế ngay giữa tấm phản nhà mình thì bỗng ngoài sân có tiếng động. Bằng, tay cầm vở, tay cầm lọ mực xăm xăm bước vào, vừa thở vừa nói:

- Ký ơi, sao hôm nay không đi học? Cô giáo trách đấy!

Tôi ngạc nhiên sửng sốt, chạy ra sân thấy mặt trời đã sắp lặn. Ồ, thế ra chiều nay tôi quên bẵng đến lớp.

Tôi lo quá, chỉ sợ chiều mai đến lớp cô Cương sẽ phạt. Nhưng cô rất hiền kia mà. Cô đã mắng đứa nào bao giờ đâu. Đấy, ngay như cái lần Oánh và Mậm lấy quả ké xoa lên đầu mấy bạn gái làm chúng nó không gỡ được phải phát khóc, thế mà cô cũng chỉ gọi đến trách nhẹ:

- Các em có biết nghịch như vậy là không tốt không? Từ mai hai em nhớ không nghịch bậy như thế nữa nhé!

Trong lớp đứa nào cô cũng yêu thương như em ruột. Hôm ấy trời mưa, biết chân Thủy đi không bình thường, cô đã đến tận nhà cõng Thủy đến lớp. Cô còn mua cả cặp tóc cho Hằng và Hợi nữa. Có lẽ cô chẳng phạt mình vì một buổi nghỉ học không xin phép đâu! Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn thấy lo lo. Tôi đang định nói với Bằng điều đó thì bất chợt cô Cương đến. Tôi sợ quá toan lủi vào buồng. Nhưng không kịp rồi, cô đã nhìn thấy tôi và Bằng đang ngồi ở phản.

- Bằng vẫn chưa về hả em? Hai em đang nói chuyện gì với nhau đấy?

- Dạ, chúng em ngồi chơi thôi ạ. - Tôi bẽn lẽn cười đáp và nép mặt vào sau lưng Bằng.

Cô Cương đặt túi xách xuống phản gần chỗ tôi ngồi rồi cười hỏi:

- Sao, có gì mà rụt rè thế hả Ký? Sợ hôm nay nghỉ không có bài để học chứ gì!... Thế sách đâu, đưa cô mang về ghi bài cho nào.

Bằng liền vội vàng rút quyển vở trong túi sách[1] của tôi đưa cô giáo. Cô bỏ vào cặp rồi nghiêm giọng hỏi tôi:

- Bây giờ cô hỏi em, em nói thật nhé! Có phải em đang tập viết bằng chân không?

“Ơ, sao cô giáo lại biết nhỉ”. Tôi ngạc nhiên nghĩ thầm. Tôi đã nói với ai về việc này đâu. Ngay cả bố mẹ tôi cũng chưa biết kia mà. Tôi sợ nói ra người ta sẽ cười cho đến xấu hổ, vì có ai lại đi viết bằng chân bao giờ. Chà, lại Bằng đi nói với cô giáo chứ còn ai khác. Biết không thể chối được, tôi đáp:

- Thưa cô, vâng ạ.

- Thế sao em không nói với cô?

Nói xong cô rút trong túi ra ba viên phấn, một cái bút chì xanh đỏ và quyển vở, âu yếm nhìn tôi mỉm cười:

- Đây, cô cho em mấy thứ này để em tập viết.

Cô bảo tôi thử viết xem thế nào. Nghe lời cô, tôi ngượng ngùng đưa chân cặp bút chì. Bằng nhanh nhảu giở ngay trang giấy trắng muốt của quyển vở cô vừa cho, đặt ngay ngắn trước mặt tôi. Nhưng khi tôi vừa đưa ngọn bút chì chạm vào mặt giấy thì bút đã rơi tách xuống phản. Cô Cương vội vàng cầm đặt vào chân tôi.

Toi di hoc anh 1
Tôi đi học là cuốn tự truyện đầy cảm động của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Cô tự tay bắt chân tôi tập viết.

Tôi viết được chữ “o” và chữ “i”. Nét chì đỏ hiện lên trông mới nổi làm sao. Kể ra cũng còn nguệch ngoạc lắm nhưng bước đầu thế là tốt rồi.

Cô Cương ngừng tay, ngẩng nhìn Bằng:

- Đấy, từ mai Bằng nhớ giúp Ký tập viết như vậy nhé!

Trời nhá nhem tối từ lúc nào. Mấy con gà ở góc sân đã nhanh nhảu nhảy lên chuồng. Tôi và Bằng tiễn chân cô Cương ra ngõ. Cô khẽ vỗ nhẹ vào vai tôi, âu yếm căn dặn:

- Ký cố gắng tập viết đi em nhé! Có gì khó khăn bảo cho cô biết, cô sẽ giúp.

Từ đấy sáng nào Bằng cũng đến nhà tôi. Bằng mê mải ngồi trông tôi tập viết. Mỗi lần chiếc bút chì rời khỏi chân tôi là Bằng vội vàng cầm nhét vào. Nhiều lúc Bằng tự tay bắt chân tôi tập viết theo lời dặn của cô Cương. Nhưng dẫu thế nào ngón chân tôi vẫn cứ cứng đờ. Nó không chịu đưa bút chì lượn thành nét chữ như ý định của tôi. Chì cứ tự do chệch choạc hiện lên trên giấy thành những hình kỳ quái. Nhiều lúc tôi đã lấy hết sức cặp thật chặt bút chì, cố nắn nót từng nét một, thì cũng nhiều lúc tôi bị chuột rút đến co quắp cả ngón chân. Tôi quẳng sách lẫn bút nằm lăn ra phản.

Bằng vội chạy đến đỡ dậy. Hai đứa nhìn nhau nửa buồn cười nửa muốn khóc.

Thấy tôi tập viết khó quá, Bằng cũng định thử một tí. Bằng gượng gạo cặp lấy bút, vừa chạm đến giấy thì giấy thủng, bút chì tuột mất. Bằng thấy vậy liền khuyên tôi:

- Thôi đừng tập nữa Ký ạ. Chắc chẳng bao giờ thành công được đâu. Ai lại viết bằng chân kia chứ!

Mấy bác hàng xóm cũng can tôi:

- Tập như thế làm gì cho vất vả hả cháu. Người ta tập viết bằng tay mà còn khó mới viết được, huống hồ cháu tập bằng chân. Rồi có đến cóc kêu rêu mọc cũng chẳng thành đâu cháu ạ.

Quả thật lúc này tôi bắt đầu thấy nản. Một tháng rồi mà chữ nghĩa đã ra nét ra dòng gì đâu.

Nhưng một hôm cô Cương lại đến nhà tôi. Cô cho tôi một quyển vở nữa và khuyên:

- Đừng có nản em ạ. Phải chịu khó mới được. “Có công mài sắt, có ngày nên kim” chứ em. Liệu chiếc bút chì ấy tập có dễ không, nếu không cô mua cho chiếc bút chì khác.

Cô Cương còn bảo tôi nên tập những chữ dễ như chữ o, chữ i trước, sau đó mới tập đến chữ khó như chữ h, k. Nghe lời cô, tôi bắt đầu tập lại chữ o. “O tròn như quả trứng gà”. Tôi cứ vừa tập vừa đọc lại câu thơ mà chị tôi đã dạy cho hồi nào.

Sau một thời gian ngắn, quả thật tôi đã khoanh được tròn chữ o. Sau đấy chữ i, chữ t cũng viết được.

Cuối cùng tôi tập đến mấy chữ: b, g, h, k. Khó nhất có lẽ là chữ k đấy. Tôi tập đi tập lại bao nhiêu lần mà vẫn chưa được. Nhiều lúc bực đến phát khóc. Hay mình bỏ quách chữ này không tập nữa! Không viết được một chữ cũng chẳng sao. Nhưng thật là oái oăm, chữ k lại cần thiết để viết chữ “Ký”. Mọi chữ đã viết được cả rồi, riêng tên mình không viết được ư?

Nghĩ thế nên tôi lại miệt mài tập.

Mùa đông trôi qua. Cây xoan trước nhà đã trổ hoa trắng xóa, thoang thoảng mùi hương nồng nồng ngai ngái.

Chiều nay trên đường đến lớp lòng tôi rộn ràng ấm áp hẳn lên. Nghe một tiếng chim hót, nhìn một cánh hoa cỏ rung rinh tôi cũng thấy như có gì thân thiết vui nhộn hơn mọi ngày. Nghĩ đến buổi học hôm nay, lần đầu tiên mình tự chép được bài, tôi mừng vui phấn chấn lạ thường.

Đến lớp, tôi trải manh chiếu nhỏ đã được mẹ chuẩn bị cho từ nhà ra ngay trước bàn thứ nhất ngồi viết.

Nhưng lạ quá! Sao tôi không giữ được bình tĩnh như lúc ngồi viết ở nhà. Chân tôi cứ run run gượng gượng.

Các bạn ngồi bàn gần đấy chốc chốc lại nghển nhìn, càng làm cho tôi hồi hộp.

Bài tập chép đầu tiên của tôi hôm ấy được cô Cương cho điểm 5. Quyển vở chưa kịp rời tay cô, các bạn đã giằng nhau để xem.

Những bài tập chép lần sau, lần sau nữa, sau nữa tôi đã đạt được điểm 7, điểm 8, rồi điểm 10.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký khích lệ học sinh đọc sách

Để khơi nguồn, khích lệ năng khiếu văn chương của học sinh, thầy Nguyễn Ngọc Ký tìm cách đưa các em vào quỹ đạo đam mê việc đọc sách.

Tiết lên lớp đầu tiên của thầy Nguyễn Ngọc Ký

Buổi đứng lớp đầu tiên, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị "cháy giáo án", nhưng nó giúp ông xác lập niềm tin rằng mình hoàn toàn có thể dạy tốt nếu khắc chế được nhược điểm.

Niềm vui được dạy học của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký

Sau trắc trở, anh sinh viên Nguyễn Ngọc Ký đã chính thức trở thành thầy giáo.

Nguyễn Ngọc Ký/NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.