CLB Viettel đang tiến rất gần tới ngôi vô địch. Màn trình diễn ấn tượng của họ có đóng góp không nhỏ từ phong độ cao của người gác đền Trần Nguyên Mạnh. Cộng thêm những vấn đề khách quan từ Đặng Văn Lâm, cơ hội cho Nguyên Mạnh đòi lại vị trí vốn thuộc về anh ở tuyển Việt Nam đang dần xuất hiện.
Văn Lâm (trái) và Nguyên Mạnh đang là số một và số hai ở khung gỗ tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Chuyện riêng của Nguyên Mạnh và Văn Lâm
Tính từ AFF Cup 2014 tới nay, khung gỗ tuyển Việt Nam gần như là câu chuyện riêng của bộ đôi Nguyên Mạnh và Văn Lâm.
Nguyên Mạnh bắt chính tại tuyển Việt Nam từ AFF Cup 2014 tới 2016 cả dưới thời Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng. Anh có nhiều trận ấn tượng với đỉnh cao là loạt trận vòng loại thứ hai World Cup hồi năm 2015. Trận hòa với Iraq tại Mỹ Đình, thất bại sát nút trước Thái Lan ở Bangkok đều có dấu ấn cá nhân đậm nét của Nguyên Mạnh.
Thủ môn trưởng thành từ SLNA chỉ đánh mất vị trí sau hai trận bán kết tồi tệ ở AFF Cup 2014 và 2016. Cả hai trận, anh đều mắc lỗi nghiêm trọng, thậm chí bị nghi ngờ. Sự vắng mặt dài hạn của Nguyên Mạnh sau AFF Cup 2016 càng làm những nghi ngờ lớn hơn.
AFF Cup 2016 cũng là lần đầu tiên Nguyên Mạnh và Văn Lâm đồng hành ở một giải đấu lớn. Thủ thành sinh năm 1993 khi đó chỉ là dự bị số ba trong khung gỗ, sau Nguyên Mạnh và Tuấn Linh (CLB Quảng Ninh). Năm 2016 cũng ghi nhận bước tiến thần tốc của Văn Lâm khi anh tiến thẳng từ vị trí dự bị số ba tới bắt chính tại CLB Hải Phòng, giành á quân V.League và được gọi lên tuyển Việt Nam.
Sau sự cố của Nguyên Mạnh, Văn Lâm được trao cơ hội tại trận gặp Jordan ở vòng loại Asian Cup hồi năm 2017. Anh chơi hay, khiến Abdullah Mesfer, khi đó là HLV trưởng tuyển Jordan, phải ngả mũ thán phục. Từ đó tới nay, khung gỗ tuyển Việt Nam thuộc về Văn Lâm.
Xuyên suốt từ năm 2014, bất chấp sự xuất hiện của những Nguyễn Tuấn Mạnh, Phí Minh Long, Bùi Tiến Dũng, khung gỗ tuyển Việt Nam gần như chỉ thuộc về hai người là Nguyên Mạnh và Văn Lâm. Sự ổn định của họ giúp ông Park thoải mái từ chối những thủ môn rất tốt của V.League như Nguyễn Văn Công hay Nguyễn Thanh Thắng.
Văn Lâm bắt đầu có vị trí chính thức từ năm 2017 sau màn trình diễn ấn tượng trước tuyển Jordan. Ảnh: Minh Chiến. |
Thi đấu ở nước ngoài là khó khăn của Văn Lâm
Văn Lâm và Nguyên Mạnh là hai mẫu thủ môn khác nhau. Nguyên Mạnh có nhiều nét giống với người đồng hương huyền thoại Dương Hồng Sơn. Anh phản xạ tốt, chơi chân khéo léo nhưng hay mắc sai lầm khó hiểu ở trận lớn, điển hình là thẻ đỏ khi tuyển Việt Nam gặp Indonesia tại bán kết lượt về AFF Cup 2016 tại Mỹ Đình.
Ngược lại, Văn Lâm phản xạ và chơi chân đều chỉ ở mức khá. Bù lại, anh ổn định, chuyên nghiệp, không chiến và đấu tay đôi đều ấn tượng nhờ lợi thế hình thể.
Trao đổi với Zing, BLV Ngô Quang Tùng đánh giá: “Nguyên Mạnh kỹ thuật tốt nhưng thành tựu đội tuyển không nhiều. Ngược lại, Văn Lâm kỹ thuật yếu hơn nhưng có lợi thế thành tích nhờ những thành công từ năm 2018 của tuyển Việt Nam”.
Tùy tình hình và đối thủ, các HLV có thể chọn phong cách của Văn Lâm và Nguyên Mạnh. Ở Asian Games 2018, ông Park Hang-seo từng mạnh dạn bỏ Văn Lâm khi đã sở hữu Bùi Tiến Dũng, người có phong cách thi đấu gần với Nguyên Mạnh và đạt phong độ cao ở thời điểm đó.
Mùa này, Nguyên Mạnh để lọt lưới 16 bàn sau 18 trận V.League (0,88 bàn/trận). Con số tương tự của Văn Lâm ở Thai League là 10 bàn/8 trận (1,25 bàn/trận). Thống kê của Nguyên Mạnh tốt hơn có phần đóng góp của hàng thủ CLB Viettel trong khi Muangthong của Văn Lâm đang khởi đầu khá chậm.
So với Nguyên Mạnh, Văn Lâm gặp bất lợi lớn vì đang thi đấu tại Thai League. Từ năm nay, Thai League bắt đầu thi đấu theo hệ thống lịch châu Âu. Tháng 11 và 12, thời điểm quan trọng nhất của tuyển Việt Nam hàng năm, cũng là giai đoạn quyết định lượt đi Thai League. Xung đột về lịch thi đấu khiến Muangthong khó lòng nhả Văn Lâm về cho tuyển Việt Nam. Gần như chắc chắn, Văn Lâm sẽ chỉ được về nước trong các sự kiện theo lịch FIFA. Việc anh vắng mặt trong danh sách triệu tập tuyển Việt Nam hồi tháng 9 là dấu hiệu cho thấy, những cuộc đàm phán trong tương lai với Muangthong sẽ khó khăn tới đâu.
Năm 2021, tuyển Việt Nam sẽ đá trên dưới chục trận cả giao hữu và chính thức. Ông Park không thể đặt mọi thứ lên vai một thủ môn chưa chắc triệu tập được. Cơ hội vì thế sẽ đến với Nguyên Mạnh, người có phong độ cao, thi đấu trong nước, được đá dưới một hệ thống có toàn đồng đội ở tuyển Việt Nam.
Nếu tận dụng tốt cơ hội những khi Văn Lâm vắng mặt, Nguyên Mạnh hoàn toàn có thể nghĩ về một suất chính thức, vị trí vốn thuộc về anh trước khi Văn Lâm xuất hiện.