Trước năm 1945, hầu hết nhà văn, thơ đều có tấm lòng với sách. Họ say mê bên những trang tiểu thuyết, sách cổ văn, hoặc xem sách là phương tiện để trau dồi kiến thức, luyện ngòi bút. Trường hợp của Thiếu Sơn và Nguyên Hồng là ví dụ.
"Tôi càng như mê hơn khi mua sách, mua hết cả 2 đồng"
Đời viết văn của Nguyên Hồng (1918-1982) ghi dấu với Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu… Đến nay, sách của ông được tái bản nhiều lần.
Tuy nhiên, khi ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu", Nguyên Hồng sống cơ hàn, thiếu thốn đủ bề. Ông thèm sách, thèm đọc nhưng tiền ăn còn thiếu thì mơ gì việc mua sách. Cũng vì thế, Nguyên Hồng quý sách lắm.
Có lần, cha đẻ của Bỉ vỏ vét sạch tiền trong túi để mua sách. Việc ấy được ông kể lại trong hồi ký Bước đường viết văn.
Nguyên Hồng thời trẻ. Ảnh: Tiền Phong. |
Khi mãn hạn tù, chàng trai trẻ lên dinh Công sứ lấy giấy về quê. Tên phó sứ thấy Nguyên Hồng còn trẻ mà nói được tiếng Pháp, cho luôn hai đồng và bảo ở lại làm việc cho hắn. Nhưng ông không cam chịu kiếp làm bồi cho kẻ cầm quyền.
Về tới quê, Nguyên Hồng đưa hết tiền cho mẹ. Nhưng đến hôm thứ ba, ông xin lại để có sách gì cần thì mua. Và, Nguyên Hồng mua thật. Chàng trai đi dạo từ Quán Thánh xuống Bờ Hồ.
"Tôi đã đi như mê. Và tôi càng như mê hơn khi mua sách xong. Tôi mua hết cả hai đồng", ông từng viết.
Cái sự mua sách như tỉnh như mê ấy, được Nguyên Hồng lý giải ra sao? Dạo ở quê nhà Nam Định, Nguyên Hồng thấy những sách ấy, ngắm mãi mà không có tiền mua. Toàn những thứ cao siêu cả, sách của các nhà tư tưởng Jean J. Rousseau, Voltaire, Diderot...
Những sách ấy đọc để sau này "mình sẽ có thể ăn nói với các 'lão' học trò thành chung hay tú tài về sức học của mình dù không được ăn học như họ".
Thứ hai là xem những tư tưởng lớn bác ái kia như thế nào mà được thế giới truyền tụng đến vậy. Cái cảm giác của kẻ nghiện sách, đói sách khi ấy, được Nguyên Hồng hồi tưởng mà vẫn còn thấy sự mê đắm vẩn vơ nơi ký ức nhà văn.
"Tôi như mê đi còn vì thấy cùng hiệu sách đây, cùng những cuốn sách này, nhưng ở tủ trong kia, ở bàn trong kia còn hàng đống sách như thế đã bụi bám, vàng ố, giá tiền chỉ có một nửa. Nghĩa là cuốn tôi mua mới phải trả một hào hai, thì cuốn cũ chỉ sáu xu, năm xu.
Tôi như mê đi còn vì thấy ngay ở bờ hè phố sau hiệu sách đó, cũng có hàng đống sách cũ của mấy hàng sách đầu đường, giá bán lại chỉ một phần ba".
Sau cái dạo dốc sạch túi mua sách đến u mê cả người ấy, Nguyên Hồng cùng mẹ ra Hải Phòng mưu sinh. Hành lý chẳng có gì quý giá, ngoài cái hòm sách của ông.
Trong cái hòm sách ấy, nhà văn tương lai còn nhớ cuốn quý nhất là tự vị tiếng Pháp do cha để lại. Nguyên Hồng dùng sách này hồi đi học, bìa của nó đã long, gáy nát, nhiều tờ rách. Hòm còn có hơn trăm số báo và những sách Pháp ngữ khác nữa.
Cái hòm sách quý giá là thế, nhưng rồi, nó đã có phen trở thành "con tin" làm ám ảnh ký ức Nguyên Hồng khi đến với thành phố cảng. Hai mẹ con thuê trọ nhưng không có tiền trả trước. Chủ nhà liền lấy hòm sách làm tin, lúc nào có tiền thì trả lại. Việc này làm chàng trai cứ ngẩn ngơ mãi.
Khi mẹ Nguyên Hồng có tiền chuộc hòm về, dẫu người ông đang mệt đến rũ rượi, "trở về nhà thấy đèn sáng, hòm sách để giữa bàn và mẹ tôi đang nằm, nhổm dậy cuống quýt gọi, tôi lại tỉnh hẳn người. Tôi chạy vào vồ lấy hòm sách, mở ra, đếm đếm, lục tung tóe vừa thét lên".
Ở Hải Phòng, trước khi kiếm sống bằng nghề gia sư, nhiều phen, mẹ con Nguyên Hồng chịu cảnh đói cả ngày không có gì ăn. Nhưng có hề gì, vẫn dòng hồi tưởng của Nguyên Hồng, sách trở thành món ăn tinh thần khiến cho chiếc dạ dày dẫu biểu tình nhưng trí não cũng quên đi đôi chút.
"Tôi đọc chưa xong cuốn này đã đến cuốn khác, chưa hết bài này đã sang bài khác. Đọc cả buổi trưa. Càng về khuya, trước ngọn đèn che một nửa về phía giường mẹ nằm, một tay tì lên trán, tôi càng lặng người đi mà đọc".
Chính từ những đêm đọc sách ấy, sau này, Nguyên Hồng được thôi thúc phải viết, viết về đói khổ, bất công, về áp bức...
Những Bỉ vỏ, Bảy Hựu, Những ngày thơ ấu... lần lượt ra đời. Tên tuổi của Nguyên Hồng xuất hiện giữa làng văn từ trong đói khổ, và ham mê sách như thế.
Hồi ký và nhật ký của Nguyên Hồng. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Thiếu Sơn chia sẻ kinh nghiệm đọc sách
Thiếu Sơn (1908-1978) sớm thành danh qua tác phẩm có sức nặng mang tên Phê bình và Cảo luận năm 1933, khi mới 25 tuôi.
Để ngòi bút uyển chuyển, cũng như chính kiến, thẳng thẳn nhận xét hay phê bình những văn, thi sĩ nổi danh thời ấy, từ Tản Đà, Phan Khôi cho đến Phạm Quỳnh..., Thiếu Sơn lấy sách làm phương tiện học hỏi, trước khi vào nghề viết lách.
Nói về đọc sách, trong Câu chuyện văn học do NXB Cộng lực in năm 1943, ông đã bình rằng: "Kẻ không biết đọc sách, mắt để vào sách mà trí nghĩ đi đâu, hoặc học rồi mà quên đi, hoặc đọc trước quên sau thì trăm nghìn cuốn đó nào có ích lợi gì đâu".
Những lời trên là khi ông đã ở cái tuổi "tam thập nhi lập" nên có chiêm nghiệm rồi. Còn dạo nhỏ, nhà văn tương lai chưa hiểu rõ như thế, nên như trang giấy trắng tinh, thái độ với sách lại khác lắm.
Đó là lúc đang học trường Bưởi, Thiếu Sơn bị bệnh, phải nghỉ học và dưỡng bệnh ở Moncay (Móng Cái), nơi cha đang làm thông ngôn.
Nhà văn, nhà báo Thiếu Sơn và tác phẩm Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn, do Nam Ký in năm 1933. Ảnh bìa sách của Trần Đình Ba. |
Lúc ấy, Thiếu Sơn đã có mộng làm văn sĩ, nên trau dồi kiến thức qua sách báo nhiều lắm, như Nam phong tạp chí, nhật báo Khai hóa.
Trong hồi ký Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào, nhà văn họ Lê (tên thật Lê Sỹ Quý) cho hay: "Còn đọc thêm những sách Tây hợp với trình độ của tôi hoặc có khi cao hơn trình độ của tôi".
Xem Đời sống tinh thần, do NXB Đời Mới in năm 1945, bàn về sự đọc sách, Thiếu Sơn cho biết đã có dạo bản thân "đọc sách rất nhiều mà lĩnh hội rất ít", bởi chưa biết lượng sức mình. Khi tuổi đã chín chắn, nhà văn rút ra kinh nghiệm từ đọc sách, có thể lấy làm bài học mà chia sẻ cho người khác.
Vẫn trong Câu chuyện văn học, ông viết: "Người biết đọc sách, đọc thì hiểu, hiểu rồi nghĩ, đem cái tinh thần mình mà nhận lấy cái tinh thần sách, đem cái tư tưởng mình mà xét lấy cái tư tưởng sách, rồi đối chiếu, rồi phê bình, rồi chọn lọc, rồi tiêu hóa, thì dầu là trăm cuốn, nghìn cuốn mình đọc đấy, mà nào có cuốn nào còn giữ được nguyên hình ở trong ký ức để chi phối mình đâu? Nó đã biến ra máu để nuôi cho tinh thần rồi vậy".
Quan điểm của Thiếu Sơn là đọc sách phải để tinh thần mình là của chính mình, không bị một tư tưởng, chủ nghĩa, lý thuyết nào chi phối cái bản ngã của mình. Có như vậy, đọc sách mới thấm, lĩnh hội được kiến thức từ sách theo đúng cái tôi.
Để lĩnh hội được, yếu tố không kém phần quan trọng như ông bày tỏ ở Đời sống tinh thần: "Không tìm đọc những sách khó hơn trình độ trí thức của tôi, tôi chịu đọc những sách dễ hơn để có thể lĩnh hội được".
"Đọc từ cái dễ đến khó, hiểu hết ông này đến ông kia. Mỗi cuốn sách chỉ rút lấy một vài tư tưởng. Mỗi tác giả đều có cái đặc sắc, có thể thu thập vào bản ngã của mình".
Kết quả lĩnh hội được từ việc đọc, nhà văn mượn lời cổ nhân kết lại rằng: "Sự đọc sách như leo núi. Khi đang leo thì cực nhọc khổ sở, nhưng tới lúc đã để chân lên đỉnh cao chót vót, tâm hồn khoan khoái biết bao nhiêu!".
Việc đọc và học hỏi từ sách đã góp phần làm nên một Thiếu Sơn với đời làm văn, khảo cứu cũng như viết báo tới 50 năm không biết mệt.