Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam và những nhà văn mê sách

Gần như sách chỉ mang đến niềm vui, giúp tôi vượt qua bao buồn tẻ trong cuộc sống và tạo nên những gì mình đang có.

Sách chia người đời ra hai nhóm: Người đọc sách và người không đọc sách. Ở đây là chuyện của người đọc sách.

Hồi tôi còn nhỏ, không rõ nơi khác ra sao chứ riêng trong xóm tôi ở Phú Nhuận hiếm nhà nào có sách. Lê la từ nhà này sang nhà khác, tôi chỉ mong tìm ra cuốn sách nào đó để mượn và hoàn toàn không có. Vài ông trong xóm có đọc báo nhưng sang nhà tôi mượn đọc rồi trả. [...]

Gần như sách chỉ mang đến niềm vui, giúp tôi vượt qua bao buồn tẻ trong cuộc sống, và tạo nên những gì tôi đang có.

Có vài nhà văn mà tôi thích đọc về cuộc đời nhiều hơn văn chương của họ. Đó là ba nhà văn Hemingway, Nhất Linh và Nguyễn Hiến Lê. Hai ông trước, cuộc đời phiêu bạt của họ rất đáng ngưỡng mộ.

Hemingway từng chiến đấu như người lính và phóng viên chiến trường chống độc tài ở Tây Ban Nha, lại cuốn hút phụ nữ vì điển trai, viết sách đa dạng đề tài, nhiều cuốn chỉ đọc tựa sách thôi đã thấy mê như Những ngọn đồi xanh châu Phi, Hội hè miên man, Bên con sông và dưới vòm lá cây… Đàn ông nào hồi còn trẻ cũng muốn được như Hemingway, đẹp trai, viết hay, lang bạt khắp nơi và có những mối tình sôi nổi.

Nhất Linh cũng có cuộc đời phiêu bạt, ông không chỉ viết văn giỏi mà còn làm báo giỏi, vẽ đẹp, sống có lý tưởng, tên tuổi lừng lẫy ở thời kỳ văn chương miền Bắc rất nhộn nhịp, nhưng cuối cùng đã chọn cái chết rất bất ngờ và quyết liệt.

Me doc sach anh 1

Sách Với ngày như lá tháng như mây. Ảnh: Tuấn Bình.

Riêng đối với nhà văn Nguyễn Hiến Lê, tôi kính trọng sự chuyên tâm làm việc của ông, khối lượng kiến thức ông truyền bá qua các cuốn sách dịch, từ sách nghiên cứu cho đến tiểu thuyết, nhưng tôi thích nhất bộ hồi ký của ông và vài tập tùy bút.

Trong tùy bút Nguyễn Hiến Lê, luôn có vẻ đẹp của sách vở và thú vui đọc sách. Điều đó âm thầm cổ vũ tôi, khi còn là đứa bé có phần hướng nội, thích giao du trong vòng hẹp và chọn đọc sách là thú vui lớn nhất.

Tôi bắt đầu thích đọc Nguyễn Hiến Lê từ cuốn Mười câu chuyện văn chương, lúc 14 tuổi năm 1975. Tôi hứng thú đọc đoạn văn Nguyễn Hiến Lê kể chuyện sách nửa thế kỷ trước, khoảng những năm 1930, ở Hà Nội: “Ngoài mấy cuốn Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa… chỉ còn mỗi một loại là truyện Tàu.

Thuê được một cuốn truyện Tàu (ở hiệu Cát Thành, đầu phố Hàng Gai, Hà Nội) thì phải đọc cho xong (100 trang khổ lớn chữ Romain 10) trong hai ba ngày và cả nhà, đủ ba thế hệ, xúm lại nghe một người đọc dưới ngọn đèn ba dây”.

Chú bé Nguyễn Hiến Lê là người đọc cho mọi người nghe và thích thú với vai trò đó, vì được cả nhà cưng, được ngồi ở giữa quấn mền giữa mùa đông, có bình nước bên cạnh để nhấp giọng và một đĩa lạc rang, hoặc vài món ăn khác.

Chú thích thú quan sát vẻ mặt mọi người, khi sắp hết truyện thì ai nấy nửa hân hoan nửa tiếc rẻ. Những truyện kết thúc có hậu khiến mọi người rất thích: “Đọc tới chữ Chung, mọi người hân hoan đi ngủ ngon lành để đón những giấc mộng đẹp toàn những cảnh vinh quy bái tổ, giai nhân tài tử dạo gót huê viên”. [...]

Hồi thập niên 1990, tôi thường đến thăm nhà văn Sơn Nam trên đường Đinh Tiên Hoàng gần cầu Bông hay ghé nhà trọ nơi ông ở tạm tại Gò Vấp. Ở đâu tôi cũng thấy quanh ông luôn có sách, đa số là sách in thời Pháp thuộc, một số in trước 1975.

Sau này, tôi đọc được lời tâm sự của ông về sách: “Nhà tôi sách khá nhiều, thêm sách về dân tộc học, mỹ thuật, lịch sử, tôn giáo… Chồng chất đầy nhà, nhịn ăn mà mua. Để thấy người xưa và người đương thời đã làm những gì, làm tới đâu. Lắm khi đọc không thấy ích lợi gì hết, đâu phải quyển nào cũng gợi âm vang ngay trong truyện mình đang viết hoặc sắp sửa viết. Nhưng cần thiết, để củng cố bản lĩnh, tỉnh táo hơn. Sự ích lợi rất gián tiếp. Đó là thứ phân hữu cơ cần thiết” (trong cuốn Dạo chơi).

Ông Sơn Nam không sưu tầm sách như ông Vương Hồng Sển, sách với ông để đọc, để nghiên cứu và tôi thích quan điểm này của ông.

Phạm Công Luận / Phương Nam Book và NXB Thế giới

SÁCH HAY