Nguyên đại sứ VN tại Australia: 'Mở đường đua F1 sẽ nâng tầm quốc gia'
Thứ năm, 8/11/2018 05:00 (GMT+7)
05:00 8/11/2018
Ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định việc tổ chức đường đua Công thức 1 sẽ giúp nâng tầm quốc gia.
Ông Lương Thanh Nghị từng giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Australia và là một trong những người góp công trực tiếp trong việc đàm phán giúp Hà Nội trở thành địa điểm đăng cai một chặng của giải đua xe Công thức 1 kể từ tháng 4/2020.
Bên lề sự kiện đặc biệt này, ông Nghị dành cho Zing.vn cuộc trao đổi.
- Thưa ông Lương Thanh Nghị, đầu tiên xin ông cho biết cảm nhận cá nhân sau khi Hà Nội chính thức tổ chức đường đua F1 vào năm 2020.
- Tôi rất mừng khi biết tin TP Hà Nội chính thức được đăng cai tổ chức một chặng đua F1 từ tháng 4/2020. Việc F1 quyết định trao quyền đăng cai cho Hà Nội chứng tỏ sức hấp dẫn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đổi với giải Grand Prix, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội.
Tôi có dịp được cùng đoàn công tác do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dẫn đầu thăm và làm việc với Australia Grand Prix Corporation - công ty tổ chức Formula One tại Melbourne từ 1996. Khi chúng ta tìm hiểu và đặt vấn đề Australia hỗ trợ đăng cai và kinh nghiệm tổ chức, phía bạn rất hào hứng và nhiệt tình, đánh giá Hà Nội sẽ trở thành một điểm đua hấp dẫn ở khu vực.
Qua hơn 2 năm kiên trì đàm phán, cuối cùng Hà Nội đã giành được quyền đăng cai, thể hiện quyết tâm rất lớn của Hà Nội trong việc tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế lớn.
Phối cảnh đường đua dự kiến của F1 tại Hà Nội.
Tổ chức đua F1 giúp nâng tầm quốc gia
- Xuất phát từ lý do gì, ông lại mong muốn và đóng góp công sức để đưa F1 về Việt Nam?
Thực tình, trước đây tôi chỉ biết F1 qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là một giải đua ôtô quốc tế lớn nhất, lâu đời và có uy tín. Chỉ những nước có đủ điều kiện mới giành được quyền đăng cai.
Sau khi cùng đoàn công tác của TP Hà Nội thăm đường đua F1 trong công viên Albert của Melbourne và trực tiếp trao đổi với công ty Australia Grand Prix, chúng tôi hiểu rõ hơn những lợi ích to lớn mà giải đua mang lại cho nước chủ nhà.
Trước hết, thông qua báo chí truyền thông, hình ảnh quốc gia sẽ được quảng bá rộng rãi trên thế giới, từ đó góp phần nâng cao vị thế, khả năng của Việt Nam trên trường quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà còn là cơ hội để giới thiệu lịch sử, văn hoá, con người Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới.
Đoàn công tác TP Hà Nội trước tòa nhà điều hành của Formula One tại Úc.
Thứ hai, lợi ích về vật chất là rõ ràng khi trong thời gian ngắn chúng ta đón hàng trăm nghìn du khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao, trong đó có cả những người nổi tiếng và cung cấp các dịch vụ liên quan tới cuộc đua.
Thứ ba, đây cũng là cơ hội để chúng ta học tập, tích luỹ kinh nghiệm để sau này có thể đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế lớn cũng như cải thiện và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực khác, nhất là du lịch.
- Theo ông, Việt Nam có thuận lợi và khó khăn thế nào trong việc tổ chức chặng đưa F1?
Tôi nghĩ chúng ta có nhiều thuận lợi. Việt Nam là một thị trường đang nổi, là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Về hạ tầng du lịch, về cơ bản Hà Nội đáp ứng được yêu cầu, tất nhiên phải cải thiện thêm. Đặc biệt, người Việt Nam có truyền thống hiếu khách, yêu thể thao.
Việc tổ chức đường đua không quá phức tạp và ít tốn kém do là đua trên đường phố. Đó cũng là điểm hấp dẫn.
Khó khăn lớn nhất có lẽ là khâu tổ chức do lần đầu tiên Việt Nam đăng cai. Để cuộc đua hấp dẫn theo từng năm, cần phải đổi mới cả đường đua, thay đổi độ khó cho các tay đua, tổ chức các sự kiện văn hoá thể thao bên lề.
Đoàn công tác TP Hà Nội chụp ảnh cùng chiếc đĩa vàng dành cho nhà vô địch F1.
Mặt khác chúng ta cũng phải cải thiện năng lực và các dịch vụ du lịch... Tôi tin với sự hỗ trợ của Grand Prix thế giới, quyết tâm của chính quyền và nhân dân thủ đô cũng như đơn vị tổ chức, Việt Nam sẽ tổ chức thành công giải đua.
- Có thông tin ông Ron Walker, người đưa F1 về Australia, đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong việc đàm phán với đối tác. Ông có thể cho biết thêm về việc này?
Ông Ron Walker là một doanh nhân nổi tiếng ở Australia với rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao. Ông là người có công đưa F1 về Melbourne năm 1993 và có uy tín, quan hệ gần gũi với lãnh đạo F1 thế giới.
Ông cũng là người yêu quý Việt Nam, đã đưa ra rất nhiều lời khuyên, từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến công tác tổ chức, nâng cao năng lực dịch vụ... Những trao đổi như vậy có thể giúp chúng ta xây đựng được phương án khả thi, thuyết phục hơn trong đàm phán. Rất tiếc ông đã mất do bạo bệnh hồi tháng 1/2018.
Ông Lương Thanh Nghị bên đường đua F1 tại Melbourne.
- Sau khi những thông tin về đường đua được ban tổ chức công khai, nhiều người nói đến những khó khăn trong công tác tổ chức.
Như tôi đề cập ở trên, khó khăn đầu tiên và lớn nhất chính là công tác tổ chức do chúng ta không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của Australia, tôi được biết khi đã trao quyền đăng cai, Grand Prix thế giới sẽ hỗ trợ khâu tổ chức, kể cả việc mời các ngôi sao, người nổi tiếng và tổ chức các sự kiện bên lề, công tác truyền thông...
Chúng ta còn khoảng một năm rưỡi để chuẩn bị và học hỏi kinh nghiệm, nên có thể khắc phục được khó khăn.
Tiềm năng là rất lớn
- Việc phát triển những dịch vụ gia tăng, Australia thực hiện ra sao? Áp dụng vào thực tiễn tại Hà Nội, chúng ta có thể làm những gì?
Australia là nước phát triển, đã có kinh nghiệm tổ chức từ năm 1928 và đã trải qua 83 mùa giải, tiếp tục đăng cai đến 2023. Việc phát triển các dịch vụ gia tăng có nhiều thuận lợi do hạ tầng du lịch tốt, giao thông thuận tiện, năng lực và thái độ phục vụ ở trình độ cao.
Tôi biết thu nhập trực tiếp và gián tiếp từ giải đua hàng năm rất lớn. Hàng năm có khoảng 300.000 CĐV đến xem giải đua, trong đó có nhiều ngôi sao, người nổi tiếng quốc tế trong các lĩnh vực thể thao, giải trí.
Các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao bên lề, các tour du lịch, bán hàng lưu niệm liên quan tới F1... sẽ là những lợi ích hữu hình cho cả chính quyền và người dân.
Chúng ta cũng có thể làm được như vậy, tuy nhiên phải cải thiện hạ tầng du lịch, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ... và sự ủng hộ của người dân cũng rất quan trọng.
Hình ảnh được cho là khúc cua nổi tiếng tại Monaco sẽ được tái hiện tại Việt Nam.
- Việc tổ chức một giải đấu tầm cỡ thế giới và mang tính đặc thù như F1, chắc hẳn có những rủi ro nhất định? Chúng ta có thể làm gì để giảm thiểu rủi ro và từ phía F1 cũng như nước đăng cai Australia có những biện pháp nào để hạn chế điều đó?
Tất nhiên việc tổ chức các sự kiện lớn, nhất là một giải đua tầm cỡ và đặc thù như F1, sẽ có những khó khăn và nguy cơ nhất định. Ví dụ làm thế nào để giải đua không nhàm chán, không chỉ đối với các tay đua mà cả với những người hâm mộ.
Công ty tổ chức cũng như F1 phải lắng nghe góp ý và đề xuất của các tay đua, từ đó có những thay đổi về đường đua, tạo độ khó, độ hẹp tại các khúc cua hay tổ chức các sự kiện phụ trợ như diễu hành, ca nhạc...
Công tác an ninh, an toàn cũng đặt ra đối với nước chủ nhà do trong thời gian ngắn có thể có hàng trăm nghìn cổ động viên, người hâm mộ đổ về, rồi vấn đề an toàn cho các tay đua.
Tôi tin với hàng trăm năm kinh nghiệm và đã tổ chức tại hàng chục quốc gia, F1 có đủ năng lực để cùng nước chủ nhà giải quyết được các khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng thành viên giải đua Công thức 1 (F1), ông Chase Carey bày tỏ sự vui mừng khi giải đấu chính thức công bố đường đua mới nhất, đầy hứa hẹn tại Việt Nam.
Chase Carey, giám đốc điều hành giải Công thức 1 (F1) hứa hẹn sẽ hỗ trợ đối tác tổ chức giải đua ở Việt Nam tối ưu hóa kinh phí cũng như tìm kiếm nguồn lợi nhuận từ sự kiện.