Nguyên Buford: sẽ đầu tư 500.000 USD vào quán cà phê PhinDeli
Thị trưởng Buford - Phạm Đình Nguyên tuần qua tiếp tục gióng chuông ở xứ người khi công bố đầu tư cửa hàng cà phê PhinDeli đầu tiên tại Buford vào ngày 3/9 tới.
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, anh hầu như đã cưỡi ngựa xem hoa trong hơn 1 năm qua sau khi mua Buford?
- Không chính xác, vì việc tham gia đấu giá Buford chỉ được quyết định trong 3 ngày, nên tôi chưa có mục đích cụ thể. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là có thể dùng nơi đây để giới thiệu hàng Việt Nam và làm bàn đạp để hàng Việt vào Mỹ. Ý tưởng này vẫn đeo bám tôi từ đó đến nay
Nguyên Buford: Tôi luôn chủ trương cùng bắt tay để kinh doanh thay vì phải đối đầu. |
Tôi đã gặp một số bạn bè, doanh nghiệp trình bày ý tưởng giới thiệu những sản phẩm quốc hồn quốc túy của Việt Nam tại Mỹ. Rất tiếc vì nhiều nguyên nhân, ý tưởng này vẫn chưa được thực hiện. Rồi dự án đầu tư thương hiệu PhinDeli ra đời, sau khi được thai nghén cách đây 8 tháng từ phong cách uống cà phê bằng phin của người Việt.
- Thị trường nhà đất Mỹ đang hồi phục, nên nói anh đã có lãi từ vụ mua thị trấn Buford có lẽ không ngoa?
- Đúng như vậy, xét về giá đất thì tôi đã có lãi, nhưng tôi không đầu cơ bất động sản. Số tiền 900.000 USD bỏ ra để mua Buford có một phần là tiền cá nhân, một phần vay từ người thân, bạn bè. Nhưng đã vay thì phải trả. Rất may, đến nay, mọi người vẫn ủng hộ tôi nên áp lực trả nợ vẫn chưa tới mức căng thẳng. Hiện nay, tôi vẫn cho thuê mặt bằng tại Buford kinh doanh một cửa hàng tiện lợi, một cây xăng và một bưu điện, nên cũng có khoản thu nhập nhất định, tuy không đáng kể. Chuyện quan trọng hơn là cơ hội hiếm hoi mua được một thị trấn như Buford tại Mỹ và có thể sẽ không có lần thứ hai.
- Tuyên ngôn cà phê Việt của anh nghe cũng tương tự như Trung Nguyên. Đâu là điểm khác biệt để anh có thể kỳ vọng vào sự thành công của PhinDeli tại Mỹ?
- Trước hết, đây là cửa hàng cà phê thuần Việt đầu tiên được mở tại thị trấn Buford và được người Việt sở hữu. Tôi chưa đặt kỳ vọng về hiệu quả kinh doanh của cửa hàng này, vì đây là quá trình đầu tư dài hạn. Tất nhiên kinh doanh có lãi là mục tiêu sau cùng của doanh nhân, và tôi cũng đã có cơ sở cho kỳ vọng này. Ông Don Sammons, người bán Buford cho tôi, từng kiếm được mức lãi ròng hơn 150.000 USD/năm từ kinh doanh cây xăng và cửa hàng tiện lợi ở đây. Buford tuy neo người nhưng nằm sát xa lộ 80 xuyên tiểu bang, nên mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách nội địa và quốc tế tới tham quan các địa danh nổi tiếng tại đây, như mô hình kim tự tháp Ames, công viên Curt Gowdy và xa hơn một chút là công viên quốc gia Yellow Stones.
Ngày 3/9 tới, lúc khai trương cửa hàng cà phê PhinDeli, tôi sẽ công bố đổi tên thị trấn Buford thành PhinDeli. Dự kiến đây sẽ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới truyền thông quốc tế; tôi sẽ chẳng cần phải bỏ ra khoản tiền nào để quảng cáo.
- Anh dự kiến bỏ bao nhiêu vốn cho cửa hàng PhinDeli?
- Vốn đầu tư ban đầu vào khoảng 500.000 USD, gồm thiết kế nội ngoại thất theo phong cách quán cà phê Việt, nhân sự, thuê một công ty làm kế toán, một đơn vị tư vấn pháp lý, một đơn vị làm quảng cáo. Tuy nhiên, đây chỉ là công cụ tiếp thị cho cà phê Việt đến người tiêu dùng tại Mỹ. Quan trọng hơn là chiến lược phân phối cà phê rang xay mang thương hiệu PhinDeli tại thị trường rộng lớn này. Đây mới là mục tiêu kinh doanh sau khi ra mắt sản phẩm này tại Buford.
- Ngoài cửa hàng này, các kênh phân phối khác của PhinDeli là gì? Giá ra sao?
- Đó chính là trang web bán hàng trực tuyến amazon.com, hệ thống siêu thị Mỹ và các siêu thị châu Á ở Mỹ. Tôi cũng nhắm tới hệ thống siêu thị Wall-Mart, Costco nhưng sẽ không đơn giản. Sau khi các kênh phân phối này ổn định, tôi sẽ đưa sản phẩm PhinDeli vào các thị trường châu Á. Giá bán cà phê rang xay PhinDeli tại Mỹ sẽ từ 280.000-720.000 đồng/kg, vì được định vị thuộc phân khúc cao cấp và sẽ gồm 6 sản phẩm.
- Anh muốn phát triển thương hiệu này tại Mỹ chứ không phải tại Việt Nam?
- Là một thương hiệu cà phê Việt, tất nhiên tôi phải chú trọng thị trường trong nước, vì hiện lượng tiêu thụ cà phê trung bình của người Việt chỉ khoảng 1 kg/năm so với Brazil là 5 kg/năm. Tiềm năng tiêu thụ cà phê trong nước còn khá lớn và thị trường vẫn còn chỗ cho các thương hiệu mới. Cách đây nhiều năm, Trung Nguyên và Highlands đã phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ. Nay có thêm The Coffee Bean, Starbucks góp mặt, cho nên tình hình trở nên khá căng thẳng. Nếu PhinDeli mở chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thì sẽ khó cạnh tranh được, vì họ đã đi trước.
Cách làm của tôi là phân phối PhinDeli qua các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa và các quán cà phê. Sau 2 tháng nữa, PhinDeli sẽ xuất hiện tại các kênh phân phối này. Sở dĩ cửa hàng cà phê đầu tiên được mở tại Buford vì mặt bằng đã có sẵn. Tôi cũng muốn qua đó khẳng định niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước, vì PhinDeli muốn vào được Mỹ phải trải qua cuộc sát hạch nghiêm ngặt của cơ quan kiểm tra thực phẩm Mỹ.
- Nguồn nguyên liệu của PhinDeli được lấy từ đâu?
- Công ty PhinDeli là doanh nghiệp cổ phần gồm các cổ đông là tôi, anh Đỗ Quốc Tuấn (từng làm Giám đốc Marketing tại Việt Nam cho Tập đoàn Kraft Foods, chuyên về cà phê) và một số đối tác khác. Khâu mua nguyên liệu, sản xuất thành phẩm do đối tác khác lo đầu vào, chúng tôi lo đầu ra. Tôi không thể tiết lộ danh tánh của họ cũng như cơ cấu góp vốn của cổ đông.
-Trung Nguyên cũng là một đối thủ của PhinDeli vì đã phân phối sản phẩm tại Mỹ, nhưng anh lại đi trước trong việc mở cửa hàng cà phê đầu tiên. Liệu sẽ có sự tích hợp giữa 2 thương hiệu này tại Mỹ thay vì đối đầu?
Không loại trừ khả năng này, vì tôi sẵn sàng hợp tác. Trung Nguyên từng cho biết mình muốn mở chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Mỹ để cạnh tranh với Starbucks. Tôi luôn chủ trương cùng bắt tay để kinh doanh thay vì phải đối đầu.
- Anh có dự tính mở thêm cửa hàng PhinDeli tại California hay Texas, nơi có nhiều người Việt?
- Mục tiêu của PhinDeli là phổ biến văn hóa cà phê Việt tại Mỹ, nên đối tượng phục vụ không chỉ có kiều bào. Còn quá sớm để bàn tới việc mở thêm cửa hàng PhinDeli tại Mỹ. Ngoài cà phê, tôi còn muốn hợp tác với các đối tác trong nước để đưa những sản phẩm thuộc loại quốc hồn quốc túy của Việt Nam vào Mỹ
Theo Nhịp cầu Đầu tư