Không gian chung của toàn bộ cuốn tiểu thuyết Vào cõi là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc vào thập niên 1980. Từ đó, người đọc sẽ cùng theo chân tác giả đến với những không gian hẹp hơn, tựa như mỗi phân cảnh của một bộ phim. Đó là một ngôi làng hẻo lánh, một khu chợ tỉnh đầy mùi tiền, nhộn nhạo bán mua, những cung đường rừng vắng vẻ. Mỗi nhân vật đem đến một câu chuyện với số phận rất riêng, ở trong khoảng không gian tù túng mà tác giả dựng nên.
Vào cõi là một tiểu thuyết giàu chất điện ảnh. Bởi sự phân cắt câu chuyện và lối kể đa tuyến của tác giả, tạo cho người đọc cảm giác như đang xem một bộ phim. Sáu nhân vật: tôi, hắn, mụ Đông, Vang, Vọng và Tuấn là sáu câu chuyện khác nhau được thể hiện đồng loạt trên trang giấy. Các nhân vật đều khiến người đọc không khỏi xót xa. Một mặt, những con người ấy bị những ám ảnh trong quá khứ dày vò. Mặt khác, hiện thực tăm tối và đầy bế tắc lại “bức tử” tâm hồn họ lần nữa. Buông xuôi tất cả, các nhân vật để mặc cho số phận xoay vần.
Tác giả không chọn cách kể tuần tự, câu chuyện này tiếp nối câu chuyện khác, mà “xé lẻ” các câu chuyện của mỗi nhân vật thành nhiều phân đoạn khác nhau, và đan cài chúng lại theo một cách có chủ ý. Lối kể này, giống như cách các đạo diễn cắt, ghép và dựng cảnh cho một bộ phim. Cách kể không theo trật tự xác định, tạo nên sự “lạ hóa” về kết cấu cho tiểu thuyết. Không gian, thời gian và mạch truyện cũng vì thế mà thay đổi liên tục. Nhà văn đã vật dụng một cách linh hoạt giữa ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba. Vừa thể hiện cái nhìn toàn tri cho tác phẩm, vừa thể hiện được quan điểm cá nhân của người viết.
Tiểu thuyết Vào cõi |
Câu chuyện của mỗi nhân vật tuy dài, ngắn khác nhau, nhưng khó có thể đặt các nhân vật lên bàn cân để cân đong xem ai quan trọng hơn ai. Sự khuyết thiếu của bất kì nhân vật nào cũng có thể làm giảm đi giá trị của tác phẩm. Bởi Vào cõi là bức tranh phản ánh hiện thực xã hội thông qua câu chuyện của nhiều kiếp người. Những bộ mặt giả dối, những “trò diễn” trong mối quan hệ giữa người với người đều được Nguyễn Bình Phương phơi bày trên trang giấy một các không giấu diếm. Qua đó, tác giả muốn người đọc có một cái nhì thẳng thắn vào những góc khuất của hiện thực xã hội.
Cõi người trong Vào cõi là một thế giới đầy hỗn độn được xây dựng bởi hàng loạt các yếu tố đối lập. Nguyễn Bình Phương điều khiển cảm xúc và sự tri nhận của người đọc một các rất tài tình. Trong những câu chuyện rời rạc của các nhân vật có những tình tiết rất thật, rất đời, rất người; lại có những tình tiết rất mơ hồ, hư hư, thực thực đầy ẩn dụ và mang đậm triết lý nhân sinh.
Hình ảnh hai chị em Vang và Vọng khi ấy chỉ là những đứa bé con, nhìn thấy bố bị đánh chết ở chợ tỉnh vì tội ăn cắp là chi tiết mang tới nhiều ám ảnh. Và còn àm ảnh hơn khi nó được miêu tả qua ngòi bút tài tình của Nguyễn Bình Phương. Tác giả đã lay động lòng trắc ẩn của người đọc đến tận cùng.
Cùng với Bả giời, Vào cõi là một trong những tác phẩm thuộc giai đoạn đầu trong gia tài tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Cuốn sách tuy mỏng manh, nhưng ẩn chứa trong đó là sức nặng của câu chữ. Nó cho ta nhận diện một gương mặt văn chương độc đáo, cá tính với văn phong mạnh và kết cấu lạ hóa. Đặc biệt là trong giai đoạn sôi động của văn chương sau Đổi mới, đầu những năm 90.
Vào cõi cũng đánh dấu một bước phát triển của văn học Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết mang đậm dấu ấn của văn chương Hậu hiện đại. Rời bỏ giấc mơ về những cuốn tiểu thuyết cỡ lớn, những “đại tự sự”. Nguyễn Bình Phương kể lại những điều tưởng chừng rất vụn vặt của một kiếp người với đầy suy tư.
Nguyễn Bình Phương là một nhà văn đa dạng về thể loại. Anh vừa viết văn xuôi, vừa làm thơ. Trong những trang văn của tác giả Trí nhớ suy tàn ta có thể cảm nhận được chất thơ vẫn ẩn khuất đâu đó thông qua những đoạn văn miêu ta giàu hình ảnh, mềm mại và nhiều cảm xúc.