Câu chuyện vi phạm bản quyền phim và nhạc (gọi tắt là nội dung số) vốn không phải là vấn đề mới. Nhưng hiện tại, vẫn có hàng trăm website tại Việt Nam đăng tải trái phép những bộ phim, show truyền hình thực tế, âm nhạc... không bản quyền và kiếm được tiền từ doanh thu quảng cáo, theo báo cáo tại hội thảo về "Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn – Giải trí Sạch” vừa diễn ra tại TP.HCM.
Theo đó, Việt Nam hiện có hơn 200 website giải trí "bẩn", trong đó có 40 địa chỉ bị đánh giá "cực kỳ nguy hiểm" bởi có lượng truy cập cao và nội dung vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Không dừng lại ở đó, những website này có chứa nhiều mã độc có thể gây hại đến tài khoản, thiết bị của người dùng. Nguồn sống của những website này chính là quảng cáo, sinh lợi từ lượt truy cập của người dùng.
Bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội điện ảnh Mỹ, chia sẻ về giải pháp hạn chế các website vi phạm bản quyền. |
Nhằm "hiến kế" dẹp nạn vi phạm bản quyền, bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội điện ảnh Mỹ, người làm việc trực tiếp với các kênh phân phối nội dung tại Việt Nam, cho rằng cần học tập mô hình của nước Anh.
Theo bà Cẩm Tú, mô hình của Anh có ba thế lực để bảo vệ ngành sáng tạo nội dung, gồm Chính phủ, chủ sở hữu bản quyền và các nhà quảng cáo.
Từ 2013, cảnh sát London đã được giao nhiệm vụ "để mắt" đến những trang web vi phạm bản quyền. Họ sẽ xếp hạng các website này và chia sẻ thông tin với những nhà quảng cáo.
Nếu website nào không tuân thủ luật chơi, trang đó sẽ không có chứng nhận từ cảnh sát Anh và từ đơn vị sở hữu bản quyền để được phép bán quảng cáo. Cơ chế này giúp phá vỡ "bầu sữa" của các website chuyên đăng nội dung "lậu", khiến họ phải liên lạc với cảnh sát để khắc phục, hoặc "dẹp tiệm".
Quay về với thực trạng ở Việt Nam, cơ chế này chưa hình thành rõ nét và phần lớn mọi tương tác chỉ diễn ra giữa người nắm giữ bản quyền và các nhà quảng cáo. Do đó cần cắt đứt "nguồn sống" của các trang vi phạm bản quyền bằng các công cụ pháp luật và giúp người dùng Internet hình thành thói quen nói không với những website phát phim, nhạc "lậu".
Theo ông John Medeiros, Chủ tịch Phụ trách mảng Chính sách của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á Thái Bình Dương (CASBAA), hiện 39% quảng cáo trên các trang web lậu ở Việt Nam là các sản phẩm quảng cáo hàng hoá và dịch vụ bất hợp pháp, liên quan đến khiêu dâm, cờ bạc, lừa đảo. 61% doanh thu quảng cáo còn lại trên các trang web phim, nhạc lậu là từ các nhãn hàng chính hãng.
Thống kê về quảng cáo trên các website ở Việt Nam của CASBAA. |
Với các nhãn hàng này, thị trường quảng cáo không lành mạnh cũng có ảnh hưởng lớn. Dù nhãn hàng có thể mua được quảng cáo giá rẻ hơn so với các website chính thức, nhưng quảng cáo trên các website có vi phạm bản quyền có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu, khi các sản phẩm chính hãng có tên tuổi phải xuất hiện cùng lúc, cùng nơi với các quảng cáo về cờ bạc, quảng cáo đen, các sản phẩm không rõ nguồn gốc…
Trước những vấn đề được các thành viên của Liên minh các Chủ sở hữu Quyền nêu ra, Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí & Thông tin trên mạng, Bộ Thông tin Truyền thông ghi nhận đóng góp của các công ty và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các bên liên quan, trong hành trình làm sạch môi trường giải trí ở Việt Nam.
Từ tháng 10/2015, một nhóm các Chủ sở hữu Quyền gồm 7 thành viên chính là VTV, Hiệp hội Truyền hình trả tiền khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CASBAA), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc (KCC), hãng FOX, Công ty Số Truyền hình Vệ tinh Việt Nam (K+) và Công ty BHD đã tập hợp lại với nhau để cùng bảo vệ nội dung sở hữu và quyền lợi của mình, hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh nội dung số lành mạnh, đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền.