Nghiên cứu trên do giáo sư Jeffrey Townsend và các cộng sự tại Đại học Yale, Mỹ thực hiện, được đăng trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet đầu tháng 10.
Các nhà khoa học xây dựng mô hình tái lây nhiễm nCoV dựa trên các dữ liệu dịch tễ thu được từ các chủng virus corona khác như SARS hay MERS. Nhóm nghiên cứu cho biết tình trạng tái nhiễm sẽ phổ biến hơn khi hệ miễn dịch suy giảm hiệu lực, cụ thể khi tỷ lệ mắc bệnh tăng cao, theo Guardian.
Trước đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra khả năng miễn dịch tự nhiên trước Covid-19 suy giảm qua thời gian. Một phân tích của các nhà khoa học Đan Mạch cho thấy nhóm bệnh nhân dưới 65 tuổi có khoảng 80% khả năng bảo vệ trong 6 tháng, trong khi con số này chỉ là 47% đối với nhóm trên 65 tuổi.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 có thể bị mắc lại lần hai, thậm chí là lần thứ ba. Ảnh: Los Angeles Times. |
Sự nổi lên của biến chủng Delta khiến tình hình tồi tệ hơn. Khi số ca mắc Covid-19 tại Anh đang trên đà gia tăng, số ca tái nhiễm, thậm chí là mắc bệnh lần thứ ba, cũng dần trở nên phổ biến.
Theo số liệu khảo sát 20.262 người Anh mắc Covid-19 trong giai đoạn 7/2020-9/2021, 296 người thuộc nhóm “tái nhiễm”. Khoảng thời gian trung bình giữa hai lần xét nghiệm dương tính ở nhóm người này là 203 ngày.
Tình trạng tái nhiễm cũng được ghi nhận tại Mỹ. Hồi tháng 9, bang Oklahoma với dân số khoảng 3,9 triệu người đã ghi nhận tới 5.229 ca tái mắc Covid-19 trong tháng 9. Tỷ lệ số ca tái nhiễm trên 100.000 dân ở bang này trong tháng qua gia tăng 350% so với tháng 5.
Trước tình trạng số ca tái mắc bệnh ở mức cao, các nhà khoa học tại Anh đề xuất mở rộng tiêm chủng vaccine cho trẻ em ở độ tuổi đến trường. Họ lo ngại hệ thống y tế sẽ phải chịu đựng thêm nhiều gánh nặng khi mùa đông tới.
“Nếu virus lây lan rộng và con người thường xuyên bị phơi nhiễm trước virus, ngày càng nhiều người sẽ tái mắc bệnh dù được tiêm đủ liều vaccine”, giáo sư Stephen Griffin tại Đại học Leeds nhận định.