Các đợt bùng phát mạnh mẽ diễn ra đồng thời ở nhiều khu vực từ Tây Âu, Đông Âu, cho tới châu Á - Thái Bình Dương. Giới chuyên gia cảnh báo dịch bệnh sẽ diễn biến tồi tệ hơn nữa vào mùa đông này, trong bối cảnh các kỳ nghỉ lễ lớn đang đến gần.
Các ổ dịch quay trở lại
Nhà chức trách Nga ngày 19/10 thông báo ghi nhận 33.740 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ. Số người chết vì dịch bệnh là 1.015, cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát, theo Guardian.
Trước tình hình này, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin ngày 19/10 đã thông báo lệnh ở nhà kéo dài 4 tháng, bắt đầu từ 25/10, đối với những người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19. Lệnh giới hạn này không áp dụng với người từng mắc Covid-19 và hồi phục.
Trong khi đó, chính phủ Nga đề xuất các công sở đóng cửa một tuần.
Lúc này, làn sóng dịch bệnh thứ tư đang tấn công Nga. Các chuyên gia tin rằng tình hình dịch bệnh thực tế tại Nga có thể tồi tệ hơn so với thống kê chính thức.
Giới chức Nga cho biết các bệnh viện đang nhanh chóng kín chỗ. Denis Protsenko, một quan chức Bộ Y tế Nga, hôm 14/10 miêu tả tình hình đang ở rất gần ngưỡng "nguy cấp" trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng rơi vào bế tắc.
Nhiều người tham gia giao thông không đeo khẩu trang tại ga Park Pobedy, Moscow. Ảnh: TASS. |
Tại Romania, số ca nhiễm và ca tử vong đều tăng kỷ lục trong ngày 19/10, theo Reuters. Nước này ghi nhận 18.863 ca nhiễm, trong đó có 574 ca tử vong.
Chính phủ Romania cho biết nước này đã thực hiện 81.054 xét nghiệm trong 24 giờ qua. Hơn 1.800 bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị trong các phòng chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc.
Tại Ukraine, Bộ Y tế ngày 19/10 cho biết đã ghi nhận 538 ca tử vong vì mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, đánh dấu ngày có số người chết vì dịch bệnh nhiều chưa từng có, vượt qua đỉnh cũ ngày 7/4 với 481 trường hợp tử vong.
Trong 7 ngày qua, Ukraine ghi nhận trung bình hơn 14.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, cao tương đương đỉnh dịch trong làn sóng dịch bệnh thứ hai hồi tháng tư.
Trong khi đó, Bulgaria ghi nhận thêm 4.979 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, cao nhất kể từ ngày 24/3, trong bối cảnh biến chủng Delta đang lan rộng ở nước này.
Bộ Y tế Bulgaria cũng cho biết nước này có thêm 214 người chết vì Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 22.488.
Tại Cộng hòa Czech, 2.521 ca dương tính với Covid-19 được công bố ngày 19/10, cao nhất kể từ cuối tháng tư. Trong 7 ngày qua, Czech có 54 người chết vì Covid-19, cao hơn toàn bộ số ca tử vong vì dịch bệnh trong tháng 9.
Trong khi đó, Anh ghi nhận 49.156 ca mắc Covid-19 trong ngày 18/10, cao nhất kể từ hôm 17/7. Số ca mắc Covid-19 mới ở Anh đã tăng 16% sau một tuần. Các chuyên gia cảnh báo số ca mắc Covid-19 mới có thể bùng nổ trong mùa đông này, đặc biệt sau các ngày lễ lớn.
Vào ngày 19/10, Anh công bố 223 ca tử vong vì Covid-19, cao nhất kể từ hôm 9/3. Thêm 43.738 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua ở nước này.
Cùng ngày, New Zealand ghi nhận 94 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, cao nhất kể từ đầu đại dịch. Số ca nhiễm Covid-19 ở New Zealand dự kiến tiếp tục tăng trong những tuần tới.
Tại Trung Quốc, một chùm 20 ca bệnh mới đã được phát hiện có liên quan đến hai người từ Thượng Hải. Các ca bệnh trong chùm lây nhiễm mới nằm rải rác ở các tỉnh Cam Túc, Nội Mông, Thiểm Tây, Hồ Nam.
Đợt bùng phát này tại Trung Quốc được cho là có nguy cơ lan rộng hơn nữa. Ca nhiễm mới nhất liên quan tới cụm dịch này vừa được phát hiện ở thủ đô Bắc Kinh ngày 19/10. Đây cũng là ca nhiễm cộng đồng đầu tiên ở thủ đô Trung Quốc kể từ tháng 8.
Tiêm chủng bế tắc
Chiến dịch tiêm chủng tại Nga đã chững lại kể từ cuối tháng 7. Dù là nước đầu tiên tuyên bố phát triển thành công vaccine Covid-19, với sản phẩm là Sputnik V, người dân Nga không mấy mặn mà với lời kêu gọi tiêm chủng.
Đến ngày 18/10, Nga mới chỉ tiêm một mũi vaccine cho 35,7% dân số, tương đương 51,3 triệu người. Số người đã được chủng ngừa hoàn toàn là 41,3 triệu, tương đương 32,8% dân số.
Tuần trước, một số khu vực tại Nga đã đưa vào áp dụng yêu cầu quét mã QR tại các địa điểm công cộng, cũng như tiêm chủng bắt buộc với một số nhóm cư dân.
Tuy nhiên, Moscow và St. Petersburg, hai thành phố đông dân nhất của Nga, vẫn kiên quyết không áp dụng mọi biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới. Đây cũng là hai thành phố "mở cửa" nhất hiện nay ở châu Âu.
Người biểu tình chống vaccine Covid-19 ở Bulgaria. Ảnh: Reuters. |
Tại Bulgaria, làn sóng dịch bệnh tăng mạnh từ đầu tháng 9. Ở quốc gia Đông Âu này, một bộ phận lớn người dân không tin vào hiệu quả của vaccine. Hiện mới chỉ 24% người trưởng thành Bulgaria đã tiêm đủ liều vaccine, so với tỷ lệ trung bình trên khắp EU là 74%.
Lúc này, hơn 6.200 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở Bulgaria, trong đó 537 người được điều trị tích cực, đặt hệ thống y tế nước này trước nguy cơ đổ vỡ.
Ở Romania, các giường cấp cứu trên khắp cả nước được huy động để tiếp nhận bệnh nhân. Truyền hình Romania đăng tải hình ảnh bệnh nhân nằm trên sàn bệnh viện, hoặc ôm bình oxy ngồi ở những băng ghế đông đúc ở thủ đô Bucharest, bởi các phòng bệnh đều kín chỗ. Các nhà xác cũng đang dần quá tải.
"Không có đủ phòng bệnh để tiếp nhận tất cả bệnh nhân cần chăm sóc. Nếu tỷ lệ tiêm chủng ở mức 70-80%, số người chết sẽ được giảm đi gấp 10 lần", Claudiu Rusi, bác sĩ tại Bucharest, cho biết.
Tới nay, Romania mới chỉ tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cho 36% người trưởng thành, thấp thứ nhì toàn khối EU và chỉ nhỉnh hơn Bulgaria.
Trong tháng 10, cứ mỗi 5 phút lại có một người chết vì Covid-19 ở Romania, 90% số ca tử vong là người chưa tiêm vaccine. 13% trong tổng số 42.000 ca tử vong vì Covid-19 ở Romania xảy ra trong tháng 10.
Theo thống kê của AFP, cho tới nay SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 4.902.638 người trên toàn cầu kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12/2019.
Ít nhất 241.039.700 ca nhiễm đã được ghi nhận.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tổng số ca tử vong toàn cầu có thể gấp hai hoặc ba lần so với con số được công bố chính thức.