Trao đổi với Zing.vn ngày 27/6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, ông rất quan tâm đến chuyện môi trường tại Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam ở huyện Châu Thành (Hậu Giang).
Ông cũng đồng tình với quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giao Tổng Cục môi trường kết hợp với cơ quan chức năng của Hậu Giang thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án.
"Hậu Giang rất cám ơn người dân và báo chí lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm nếu nhà máy giấy đi vào hoạt động. Đây là cơ sở để chúng tôi kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ dự án để kiểm soát môi trường tốt hơn", ông Tuyên nói.
Lãnh đạo Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam giới thiệu về công nghệ được cho là tiên tiến của nhà máy xử lý nước thải. Ảnh: CTV. |
Cuối tuần trước, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tổ chức họp báo liên quan đến việc dư luận quan ngại vấn đề ô nhiễm môi trường ở sông Hậu. Tổng giám đốc công ty là ông Chung Wai Fu cho biết, dự án nhà máy giấy hoàn thành 95%, có công suất 420.000 tấn giấy/năm sẽ chạy thử nghiệm vào giữa tháng 7/2016 và hoạt động chính thức sau đó một tháng.
Khi đi vào hoạt động, mỗi ngày nhà máy tiêu thụ 20.000 m3 nước sông Hậu và xả ra môi trường 10.000 m3 nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn A. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, công ty đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công suất 20.000 m3/ngày đêm với quy trình và công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế, mới nhất Việt Nam hiện nay.
"Nhà máy có hệ thống quan trắc kết nối với Sở TN-MT Hậu Giang và các cơ quan chuyên môn của Bộ TN-MT để kiểm soát chất lượng nước xả thải 24/24h. Chúng tôi chỉ có một đường ống xả thải trên mặt đất, khu vực cửa xả công khai, cơ quan chức năng và người dân hoàn toàn có thể kiểm tra, giám sát", ông Chung Wai Fu nói.
Theo quy định hiện hành thì nhà máy được phép xả thẳng ra môi trường. Trong quá trình này, nếu thiết bị kiểm soát phát hiện nước thải không đạt chuẩn A thì lập tức vận ngành ngược trở lại quy trình xử lý. Vì vậy, sông Hậu sẽ không bị ô nhiễm khi tiếp nhận nước thải của nhà máy.
Trước lập luận của ông Chung Wai Fu, nhiều phóng viên đặt vấn đề với lãnh đạo Sở TN-MT Hậu Giang để địa phương có ý kiến. Tuy nhiên, vị lãnh đạo Sở dự họp báo hôm đó đã bỏ về giữa chừng khiến những câu hỏi quan trọng không có lời đáp.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án được Bộ TN-MT thẩm định ngày 27/7/2008, khi nhà máy giấy và bột giấy đi vào hoạt động sẽ phải sử dụng xút (NaOH) trong sản xuất, xử lý nước thải. Điều này khiến người dân Hậu Giang lo lắng về nguy cơ sông Hậu bị “bức tử”.
Theo những hộ nuôi cá lồng bè ven sông Hậu ở TP Cần Thơ (giáp ranh huyện Châu Thành), họ không được bất kỳ đơn vị nào mời tham vấn về dự án nhà máy giấy. Gần đây, báo chí lên tiếng và nhà máy sắp đi vào hoạt động thì các hộ nuôi cá dưới sông Hậu mới giật mình lo lắng.
"Ngoài nguồn nước sinh hoạt, chúng tôi còn nuôi cá, bơm nước tưới tiêu cho cây trái. Nếu sông Hậu bị ô nhiễm thì cuộc sống của người dân ở đây bị ảnh hưởng nặng nề", anh Trần Văn Thức ở xã Phú Hữu A (Châu Thành, Hậu Giang) nói.
Một góc dự án nhà máy xử lý nước thải. Ảnh: CTV. |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đơn vị đã có công văn gửi Quốc hội và Chính phủ để đề nghị khẩn cấp việc chỉ đạo kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải tại dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
Ông Hòe cho biết, khi dự án khởi công, năm 2007, VASEP từng kiến nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ vị trí của nhà máy bột giấy tại khu công nghiệp ven sông Hậu. VASEP cho rằng, vị trí xây dựng nhà máy sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước của vùng nuôi thủy sản và vùng đất màu mỡ của miền Tây.
Theo VASEP, cần có sự xem xét kỹ vấn đề ảnh hưởng môi trường từ chất thải của nhà máy giấy ra sông Hậu vì dự án này sẽ phải sử dụng xút. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước.
Trước quan ngại trên, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn số 72 gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo công văn, Dự án nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm và nhà máy bột giấy trắng 330.000 tấn/năm được Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam được Bộ TN-MT thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào ngày 27/7/2008. Hai tháng sau đó, UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt ĐTM.
Cũng theo UBND tỉnh Hậu Giang, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam được Bộ TN-MT cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước với lưu lượng 50.000 m3/ngày đêm. Theo báo cáo của công ty thì doanh nghiệp chỉ đang xây nhà máy xử lý nước thải 20.000 m3/ngày đêm do quy trình, công nghệ sản xuất hiện đại, nước thải phát sinh ít hơn so với ĐTM đã được phê duyệt.
Báo cáo ĐTM của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam thì nhà máy sản xuất giấy cứng cao cấp sẽ không sử dụng xút (NaOH) nhưng nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng thì cần 215 tấn NaOH/ngày và được thu hồi trong quá trình sản xuất.
Công văn của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Việt Tường. |
"Công ty cam kết trong công đoạn sản xuất giấy cứng sẽ không sử dụng xút nhưng NaOH được dùng cho xử lý nước thải với liều lượng cao nhất khoảng 1 tấn/ngày, dùng để trung hòa pH khi cần thiết", công văn của UBND tỉnh Hậu Giang nêu.
Từ những cơ sở đã nêu, UBND tỉnh Hậu Giang báo cáo Thủ tướng rằng dự án nhà máy giấy tại địa phương này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường là chưa có cơ sở.