Vừa đi ship hàng cho khách về, Đỗ Tuyết Mai (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) lại ngồi vào máy tính để chuẩn bị cho những đơn hàng tiếp theo. Từng học hành bài bản và rất hạnh phúc vì được làm công việc mình đam mê là hướng dẫn viên du lịch, hơn 2 năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Mai chật vật xoay xở mưu sinh vì “mất việc”.
Là CEO một đơn vị lữ hành, ông Nguyễn Văn Tài cũng chia sẻ thực tế hơn 2 năm qua, hàng loạt nhân sự du lịch nghỉ việc đã phải tìm đủ nghề mưu sinh, có người chuyển sang bán bảo hiểm, có người làm môi giới bất động sản, có người kinh doanh online.
Khi du lịch mở cửa, ông Tài nhận định nhân lực sẽ là vấn đề rất nóng với các đơn vị lữ hành.
“Quy định cách ly chẳng khác nào bảo du khách đừng đến”
Gần tới ngày 15/3, mốc thời gian quan trọng để mở cửa du lịch, nhưng ông Lương Duy Doanh (CEO FiveStar Travel) nói chưa thể chuẩn bị gì vì đến nay vẫn chưa có chính sách thống nhất được ban hành. Lo ngại mỗi sự thay đổi kéo theo nhiều thứ khác khiến doanh nghiệp lao đao, du khách bất an, ông Doanh lần này chỉ mong muốn các bộ, ngành có chỉ đạo thống nhất.
Hơn 2 năm qua chúng tôi đã quá mệt mỏi và căng thẳng
Ông Lương Duy Doanh
"Hơn 2 năm qua chúng tôi đã quá mệt mỏi và căng thẳng, cứ lên dây cót, chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng chính sách thay đổi lại khiến tất cả hụt hẫng, nên chỉ mong lần mở cửa này sẽ khác”, ông Doanh nói và đề nghị thận trọng, không chủ quan với dịch bệnh nhưng cần có quyết định dứt khoát, không thể lập lờ, chung chung.
Trong bối cảnh nhiều người vẫn nói vui “F0 nhiều hơn F1”, ông Doanh cho rằng khi tổ chức đoàn du lịch, nếu có ca F0 thì ứng phó theo quy trình đảm bảo an toàn, gọn nhẹ nhất. Nếu càng ra nhiều yêu cầu thì càng làm phát sinh chi phí. Trong khi, những chi phí này không thể bắt du khách chịu vì sẽ đẩy giá tour lên rất cao.
Một lần nữa, ông Doanh tái khẳng định nên có chính sách cởi mở, không nên “nửa vời”. Ông hy vọng đến 30/4 hoặc sau mốc thời gian này, ngành du lịch sẽ ổn định trở lại.
Bến xe đạp nước trên hồ Xuân Hương (Đà Lạt) vắng khách trong những ngày dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Quang Ngọc. |
“Ai cũng muốn an toàn, nhưng an toàn quá thì mất cơ hội phục hồi và phát triển. Còn cơ quan quản lý lại sợ trách nhiệm nếu không an toàn, nên chỉ có doanh nghiệp ở giữa loay hoay không biết hướng đi thế nào, phải lựa chọn ra sao”, ông Doanh nói.
Ông Nguyễn Văn Tài (CEO VietSense Travel) cho biết đơn vị này đang rất mong chờ thời điểm mở cửa. Tin phục hồi du lịch là điều tất yếu, song ông e ngại nếu còn yêu cầu về xét nghiệm hay cách ly sẽ tạo rào cản, khiến doanh nghiệp khó tổ chức tour.
Về việc đến nay chưa có quyết định chính thức và chính sách thống nhất liên quan đến quy định xét nghiệm, cách ly phòng dịch để đón khách quốc tế, ông Tài ví đây như “mở cửa nhưng không cởi trói cho du lịch”. Du lịch không phải hàng hóa dịch vụ thiết yếu nên nếu không thoải mái và thuận tiện, sẽ không ai có nhu cầu.
“Bất cứ rào cản nào cũng hạn chế hoặc triệt tiêu nhu cầu của du khách; vì thế, nếu không thống nhất quy định về xét nghiệm, cách ly sẽ gây khó. Việc mở cửa nửa vời không có ý nghĩa gì”, ông Tài nhận định.
Nhắc lại đề xuất trước đó của Bộ Y tế về việc yêu cầu du khách khi vào Việt Nam không ra khỏi nơi cư trú trong 72 giờ; nếu có nhu cầu ra khỏi nơi cư trú sau 24 giờ thì hàng ngày phải xét nghiệm, ông Lương Duy Doanh cho rằng nếu quy định như vậy chẳng khác nào “bảo du khách đừng đến Việt Nam”.
Chúng ta rụt rè, cầu toàn dẫn tới chậm chạp
Ông Phạm Hà
Theo ông, Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vaccine với một số quốc gia và yêu cầu khách tiêm đủ liều vaccine, xét nghiệm nCoV bằng phương pháp rRT-PCR trước khi khởi hành, như vậy là đủ.
“Đã xác định thích ứng linh hoạt với dịch thì phải cởi mở, không được phân biệt giữa khách nội và khách ngoại. Trong nước chúng ta đã bỏ quy định về cách ly và xét nghiệm mà yêu cầu khách quốc tế thực hiện thì không công bằng”, theo lời ông Doanh, nếu làm như vậy sẽ khó cho du khách, khó cho cả đơn vị đón tiếp hay tổ chức tour, làm tăng chi phí và tạo tâm lý ức chế cho khách.
Du khách đến Việt Nam sẽ rất e ngại nếu vướng quy định xét nghiệm, cách ly phòng chống Covid-19. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Chính phủ đưa ra quyết định mở cửa, chúng tôi tính đến việc tuyển dụng nhân sự nhưng khi Bộ Y tế đưa ra yêu cầu cách ly, chúng tôi dừng lại chẳng muốn tính nữa”, ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ.
Ông Tài nhấn mạnh nếu quy định thông thoáng, không còn rào cản về y tế và các điều kiện khác, du lịch mới có thể phục hồi nhanh.
Theo ông, Việt Nam chỉ là một điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới. Với sự cạnh tranh quyết liệt, nếu đặt ra điều kiện quá ngặt nghèo sẽ không thể thu hút du khách. Đề xuất trước đó của Bộ Y tế về việc yêu cầu du khách ở nơi cư trú trong 3 ngày đầu đến Việt Nam chẳng khác nào "thu hồi lại quyết định mở cửa".
Đừng lầm tưởng “cứ mở cửa là có khách”
Ông Phạm Hà (Chủ tịch Lux Group) chia sẻ quan ngại về sự phục hồi của du lịch Việt Nam trong bối cảnh vừa có chiến tranh, vừa dịch bệnh và thêm sự chậm trễ, không thống nhất giữa các bộ, ngành.
“Những yếu tố này khiến công tác truyền thông cho du lịch chậm, các đơn vị không thể chuẩn bị tốt cho việc mở cửa nên chúng ta có nguy cơ mở cửa du lịch vào ngày 15/3 nhưng không có khách tới”, ông Hà lo ngại.
Nhiều người nghĩ cứ mở cửa là có khách, song ông Hà cho rằng đó chỉ là lầm tưởng vì du khách quốc tế sẽ rất khó chọn Việt Nam là điểm đến khi chưa biết chính sách visa hay chính sách cách ly mới nhất là gì.
Nhìn nhận cơ hội là như nhau dành cho các quốc gia, ông Phạm Hà nhấn mạnh nước nào thích ứng nhanh, chuẩn bị tốt sẽ có nhiều cơ hội. Ông cũng đánh giá Việt Nam đang quá chậm so với các nước trong khu vực vì tự đặt ra nhiều rào cản, thiếu sự thống nhất.
“Chúng ta rụt rè, cầu toàn dẫn tới chậm chạp, chậm cả truyền thông ra quốc tế, trong khi Campuchia, Thái Lan đã mở cửa cả năm qua”, ông Hà nói.
Ông cho rằng Covid-19 đã làm đứt gãy và sụp đổ nhiều mắt xích quan trọng của ngành. Việc hàng loạt chuỗi cung ứng như vận chuyển, khách sạn, hướng dẫn viên, nhân lực... đứt gãy khiến sự hồi phục khó khăn. Cái doanh nghiệp du lịch cần lúc này là vốn, nhân lực và chính sách thuận lợi.
"Doanh nghiệp du lịch đang từng ngày mong ngóng thông tin mở cửa cùng những quy định cụ thể, cam kết đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương", ông Hà nhấn mạnh.
"Tôi cũng kỳ vọng vào các chính sách cởi mở, thông thoáng hơn và rất chờ đợi thời khắc khách quốc tế đến Việt Nam đông như trước khi chưa có dịch", Đỗ Tuyết Mai nói.
Sau hai năm kinh doanh online đầy bấp bênh, Mai vẫn ấp ủ mong muốn được tiếp tục trở lại làm công việc ưa thích, được rong ruổi tới nhiều nơi của đất nước. Song, từ góc nhìn của người trực tiếp tương tác với từng vị khách nước ngoài, cựu hướng dẫn viên du lịch cũng chia sẻ những rào cản này khiến cô chưa thể nghĩ tới việc quay lại nghề.