Chính phủ đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3 là tin vui với các doanh nghiệp lữ hành, du lịch.
Chia sẻ với Zing, các doanh nghiệp nói đây là “ánh sáng cuối đường hầm” mà họ mong chờ lâu nay, để vực dậy một lĩnh vực vốn đã “chạm đáy” trong suốt hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát.
"Chỗ mở, chỗ đóng thì khó lắm"
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, nhìn nhận thời điểm mở cửa du lịch từ 15/3 vẫn khá chậm so với một số nước trong khu vực, song đó vẫn là tin vui đang được các doanh nghiệp du lịch trong nước chờ đón. Vì đã chậm chân hơn, ông Hà cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị tốt, đầu tư có trọng tâm trọng điểm để việc mở cửa đem lại hiệu quả tốt.
Để thúc đẩy phục hồi cả du lịch trong nước và quốc tế, ông Hà nhấn mạnh điều kiện tiên quyết là sự thống nhất về chính sách vĩ mô. “Điều cần nhất hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp làm thế nào khi mở cửa du lịch, du khách có trách nhiệm ra sao, trường hợp có Covid-19 thì xử lý thế nào…”, ông Hà cho rằng quy định càng cụ thể càng tốt để du khách yên tâm khi đến Việt Nam.
Đặc biệt, các quy định này phải thống nhất từ Trung ương xuống địa phương để áp dụng thông suốt, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.
Du khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ du lịch tại Việt Nam trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Lux Group. |
Nhìn nhận việc mở cửa trong giai đoạn hiện nay còn nhiều vấn đề cần giải quyết, ông Phạm Văn Bảy (Phó giám đốc Viettravel chi nhánh Hà Nội) nhấn mạnh trước hết, các bộ, ngành cần hướng dẫn địa phương thống nhất một chính sách để dễ triển khai. “Mở cửa phải mở toàn bộ, chỗ mở, chỗ đóng thì khó lắm. Nếu thiết lập tour hay các sản phẩm du lịch mà không đồng bộ, không kết nối được thì không thể làm du lịch được”, ông Bảy nói.
Ông dẫn chứng du lịch liên tuyến miền Trung Huế - Đà Nẵng - Hội An nhưng chỉ cần một nơi trong số đó không mở cửa thì sẽ bị đứt gãy ngay.
Ngoài ra, Việt Nam nên tranh thủ xúc tiến nhanh để quảng bá cả du lịch trong nước và quốc tế. Sau dịch có thể quảng bá địa điểm, sản phẩm du lịch mới cùng với điều kiện an toàn để sớm đón khách trở lại.
Mở cửa phải mở toàn bộ, chỗ mở, chỗ đóng thì khó lắm
Ông Phạm Văn Bảy
Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, mong muốn nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể về thủ tục đón khách du lịch. Cũng chung tâm lý như nhiều đơn vị khác, ông Đạt cho rằng quan trọng nhất là quy định về xét nghiệm, cách ly phải rõ ràng, cụ thể, thống nhất trên toàn quốc, không thể mỗi địa phương tự ban hành quy định riêng.
“Phải tránh tình trạng như trước đây khi Chính phủ có Nghị quyết 128 nhưng nhiều địa phương vẫn ngăn sông cấm chợ”, ông Đạt nói và nhấn mạnh các địa phương phải cùng mở cửa, đặc biệt những địa phương là cửa ngõ du lịch.
Theo ông Đạt, hàng không và du lịch cũng cần song hành với nhau vì nếu mở cửa du lịch mà có ít chuyến bay thì rất khó cho du khách lựa chọn. Giá cả cũng là một vấn đề đáng lo ngại khi hiện nay, một số công ty bắt đầu xây dựng lại giá và mở bán các tour du lịch nhưng giá cao gấp 2-3 lần so với trước, vì lượng khách ít hơn.
Ngoài ra, ông e ngại việc Việt Nam mở cửa nhưng những thị trường du lịch lớn như Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong) lại chưa mở cửa, trong khi đó là thị trường chiếm đến 60% lượng khách vào Việt Nam.
Thủ tục phải đơn giản, nhanh gọn nhất
Với việc mở cửa du khách quốc tế, ông Phạm Văn Bảy kỳ vọng Chính phủ có chỉ đạo nhất quán về việc xét duyệt visa. Theo ông, thủ tục cần đơn giản, nhanh gọn nhất vì nếu quy trình rườm rà, thủ tục phức tạp, du khách sẽ ngại khi đến hoặc đến cũng khó quay lại.
Ông mong muốn Việt Nam sớm có trao đổi song phương với các nước, đặc biệt các nước châu Âu để họ sớm chấp nhận visa du lịch của Việt nam.
Để thích ứng với bối cảnh dịch hiện tại, bản thân doanh nghiệp lữ hành cũng cần thay đổi. Ví dụ có thể phối hợp tạo vòng du lịch khép kín để du khách cảm thấy an toàn nhất.
Các hãng hàng không Việt đang tích cực tăng chuyến, khôi phục lại các đường bay quốc tế sau thông báo ngày 15/2 của Cục Hàng không. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng kiến nghị khi mở cửa du lịch cần khôi phục chính sách visa như cũ, tức là áp dụng miễn visa với những nước trước đây đã miễn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh trao đổi song phương với các nước để thống nhất chính sách, có thể tính toán thực hiện mô hình bong bóng du lịch.
Nhìn từ góc độ thị trường, ông Phạm Hà nhấn mạnh cần có sự kết hợp giữa hãng hàng không, công ty lữ hành và chuỗi cung ứng vốn đã bị đứt gãy trong thời gian qua. Đa phần doanh nghiệp về du lịch đều khó khăn về nguồn vốn, nhân lực và việc kết nối lại các chuỗi cung ứng trong suốt 2 năm 2020-2021.
Cần đẩy mạnh trao đổi song phương với các nước để thống nhất chính sách mở cửa du lịch, có thể tính toán thực hiện mô hình bong bóng du lịch
Ông Nguyễn Tiến Đạt
Từ thực tế của doanh nghiệp, ông Hà cho biết năm 2021, nhiều khách nước ngoài rất mong muốn đến Việt Nam, song việc chưa mở lại đường bay quốc tế khiến họ phải hoãn, hủy kế hoạch này nhiều lần. Vì vậy, du khách luôn mong Việt Nam sớm mở cửa để đón khách quốc tế sớm nhất có thể.
Thời gian qua, do không có thông tin chính xác và thời điểm cụ thể mở cửa nên doanh nghiệp rất bị động, không thể lên kế hoạch đón khách. Thậm chí lên kế hoạch rồi nhưng chính sách thay đổi khiến doanh nghiệp “vừa mất tiền, vừa mất công”.
Du lịch nội địa vẫn là “bình oxy”
Nhận định mở cửa du lịch từ tháng 3 nhưng khó có thể đón ngay khách quốc tế, ông Phạm Hà cho rằng trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp phải tính toán thị trường để xúc tiến mạnh vào những nơi có tiềm năng. Ví dụ những thị trường có truyền thống đến Việt Nam du lịch hè như Đức, Tây Ban Nha, Pháp…
“Cơ hội mở cửa sau Covid-19 là như nhau giữa các quốc gia, nếu tập trung làm tốt, thay đổi để thích ứng nhanh, chúng ta sẽ có lợi thế cạnh tranh”, ông Hà nêu quan điểm và dẫn chứng một số sản phẩm du lịch mới như du thuyền thời gian qua rất “hút khách” đến trải nghiệm.
Du khách nội địa đổ về Hội An trong những ngày nghỉ và sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Thanh Đức. |
Trong thời gian chờ du khách quốc tế, ông Hà khẳng định “khách nội địa vẫn là bình oxy với ngành du lịch”.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng khách nội địa là phao cứu sinh cho ngành du lịch thời gian qua. Du lịch nội địa đang có tín hiệu tốt, song tính mùa vụ vẫn cao do lượng khách tập trung quá đông vào các dịp như lễ, Tết, cuối tuần. Trong khi ngày bình thường rất vắng khách.
Cơ hội mở cửa sau Covid-19 là như nhau giữa các quốc gia, nếu tập trung làm tốt, thay đổi để thích ứng nhanh, chúng ta sẽ có lợi thế cạnh tranh
Ông Phạm Hà
Còn ông Phạm Văn Bảy nhìn nhận du lịch nội địa là “bước tập dượt quan trọng”. Với gần 100 triệu dân, ông Bảy đánh giá du lịch nội địa có tiềm năng lớn. Nếu có chính sách mở cửa toàn bộ điểm tham quan và khôi phục hệ thống dịch vụ, tần suất đường bay phục hồi như trước sẽ là điều kiện tốt nhất để thúc đẩy du lịch.
Riêng với Viettravel, ông Bảy vui mừng thông báo khi từ Tết, lượng khách nội địa của doanh nghiệp này tăng dần. Trong dịp Tết, công ty đón được 5.000 khách, dự kiến đón 15.000 khách trong mùa xuân. Bên cạnh đó, công ty đã bắt đầu có chuyến bay quốc tế với lượng khách nhất định. Cuối tháng 2 và đầu tháng 3, doanh nghiệp sẽ tổ chức 2 charter đi Ấn Độ. Tháng 4, đơn vị sẽ có chương trình đi Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.