Ngày 9/11, ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế, cho biết có tình trạng sạt lở bờ biển và có nguy cơ mở 2 cửa biển mới ở xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc).
"Chúng tôi đang về thị sát nắm tình hình thực địa để có biện pháp chống sạt lở", ông Nguyên cho hay.
Biển xâm thực sâu vào đất liền ở biển xã Vinh Hải. Ảnh: N.V. |
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão Damrey và không khí lạnh, ở Thừa Thiên - Huế đã có mưa lớn trên diện rộng gây lũ từ ngày 5 đến 9/11.
Tại khu vực bờ biển xã Vinh Hải có gần 4 km đã bị xâm thực nặng, ăn sâu vào mép tỉnh lộ 21. Nước ngập qua đường tấn công vào nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân với khoảng 15 ha bị ngập nặng.
Ông Nguyễn Hữu, quyền Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, cho biết từ ngày 1/11, nước biển xâm thực đã mở ra một cửa biển có chiều dài hơn 100 m, nước biển ăn sâu vào đất liền gây ảnh hưởng đến diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con.
Khu vực có nguy cơ mở cửa biển mới, nước biển đã lấn sâu vào khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân. Ảnh: N.V. |
"Chúng tôi mong muốn cấp trên sớm có các biện pháp chống sạt lở và xây bờ kè ở đây để dân yên tâm", Chủ tịch xã Vinh Hải nói.
Trước thực trạng này, chính quyền cùng với người dân đã rọ đá gia cố tạm thời. Ông Bùi Thanh Hà, Phó bí thư thường trực Thừa Thiên - Huế đã về kiểm tra tình hình mưa lũ, sạt lở do biển xâm thực ở xã Vinh Hải và đã chỉ đạo chính quyền huyện Phú Lộc nhanh chóng tổng hợp, đề xuất phương án xử lý sạt lở bờ biển tránh ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa của bà con.
Xã Vinh Hải, địa phương xảy ra nguy cơ mở thêm cửa biển mới do biển xâm thực. Ảnh: Google Maps. |
Cách đây gần 20 năm, cơn lũ lịch sử ở Huế năm 1999 làm vỡ Phá Tam Giang đồng thời mở ra 2 cửa biển mới, gọi là cửa Hòa Duân và Vĩnh Hải, khiến cho hàng chục tàu thuyền của ngư dân và tàu tuần tra bị hư hỏng. Sự kiện tạo cửa biển này được xem là chưa từng xảy ra ở Việt Nam